+
Aa
-
like
comment

AP: Đấu khẩu Việt-Trung gay gắt trong hậu trường ASEAN về Biển Đông

Nguyễn Anh - 04/11/2019 09:54

Hãng tin Mỹ AP ngày 02/11/2019 cho biết tranh cãi đã nổ ra gay gắt giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Thái Lan.

Bản dự thảo Tuyên Bố Chung Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng AP đọc được có đoạn ghi: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC (Bộ Quy Tắc Ứng Xử), và hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ gây sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm”.

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN 2019 ở Thái Lan. CSIS
Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của ASEAN 2019 ở Thái Lan.
CSIS

AP trích dẫn tiết lộ của hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết trong một cuộc họp, phía Việt Nam đã yêu cầu đưa vào bản tuyên bố chung một cụm từ nói đến hành vi xâm lấn mới đây của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Phía Trung Quốc, thông qua đồng minh Campuchia, đã phản đối đề nghị này.

Cũng theo nguồn tin trên, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt lại vấn đề tiến bộ của Bộ Quy Tắc Ứng Xử trong khi mà Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam.

Từ phải sang: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippines tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 03/11/2019. REUTERS/Soe Zeya
Từ phải sang: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippines tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 03/11/2019.
REUTERS/Soe Zeya

Trong vấn đề này, theo lời một trong hai nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên, thì một nhà ngoại giao Trung Quốc đã ngang ngược cho rằng “ASEAN không được để cho Việt Nam phá hoại tiến trình đàm phán COC giữa toàn khối Đông Nam Á với Trung Quốc”.

Việt Nam đã cố gắng nêu lên vụ Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam trong thời gian gần đây, trong cuộc hai bên ASEAN-Trung Quốc vào hôm nay, 03/11/2019, cũng như tại cuộc họp riêng của 10 nước ASEAN ngày hôm 02/11.

Từ ngữ duy nhất được cho là có thể gợi đến vụ Trung Quốc xâm lấn Việt Nam là câu “không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982”.

Phải nói là trong cuộc họp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại rằng “quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp”, ông Phúc đã cho rằng cần phải “đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế…”.

Trong cuộc họp của riêng giới lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Việt Nam có tuyên bố mạnh hơn, khi xác định rằng “Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng”.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các đối tác ASEAN rằng: “Vừa qua có những sự việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị

Toàn cảnh chung tại Thượng đỉnh ASEAN cho đến hôm nay cho thấy Việt Nam vẫn là nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

Tổng thống Philippines, trung thành với quan điểm xích lại gần Bắc Kinh của mình, đã hoàn toàn kín tiếng về những vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này, sách nhiễu cả tàu đánh cá đến tàu buôn Philippines. Ngược lại ông đã cảnh báo các nước ASEAN khác là phải tránh chọn phe trong cuộc tranh đua Mỹ-Trung hiện nay.

Tổng thống Philippines còn thúc giục các nước ASEAN sớm đúc kết Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông, bất chấp quan điểm thận trọng của các nước như Việt Nam chẳng hạn, đang lo ngại trước các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về nội dung bộ Quy Tắc Ứng Xử.

Hãng tin Mỹ AP hôm nay đã trích dẫn nhận định của chuyên gia Greg Poling, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI theo đó “Việc Trung Quốc tiếp tục quấy rối các hoạt động của Malaysia, Philippines và Việt Nam trong năm qua cho thấy là Bắc Kinh chưa sẵn sàng nhượng bộ (trên các đòi hỏi)”.

Nguyễn Anh (Theo AP)

Bài mới
Đọc nhiều