+
Aa
-
like
comment

Ảo tưởng trừng phạt từ đạo luật Nhân quyền Magnitsky

29/10/2021 16:34

Đã từ lâu, “nhân quyền” được các nước tư bản phát triển lợi dụng như một cái cớ để áp đặt luật pháp của mình đối với các quốc gia có chủ quyền khác. Trong thời đại ngày nay, việc làm này không những đã trở nên lỗi thời, mà còn vi phạm nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ xung đột ngoại giao. Thế nhưng đối với các thế lực thù địch và các tổ chức cực đoan, ảo tưởng chính trị ở nước ngoài, đây được cho là “công cụ” hữu hiệu để trả đũa các hoạt động xử lý tội phạm tại các cơ quan chức năng của Việt nam. Việc Việt Tân, RFA rêu rao đòi các nước áp dụng luật Magnitsky đối với hai quan chức Việt Nam gần đây là một ví dụ.

Thời điểm Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama ký Điều luật “Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky”.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama ký Điều luật “Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky” (gọi tắt là Luật Magnitsky) hướng vào cá nhân, các công chức được xem là vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở các quốc gia. Chế tài Điều luật nhân quyền toàn cầu này gồm hai nội dung: (1) Không cấp phép (VISA) cho những cá nhân, kể cả công chức thực hiện công vụ nhập cảnh Hoa Kỳ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. (2) Đóng băng tài sản dưới mọi hình thức của những người vi phạm nhân quyền, tham nhũng.

Luận điệu đòi áp dụng Luật Magnitsky của RFA.

Theo Điều luật này, “Tổng thống có thể áp dụng chế tài đối với bất kỳ cá nhân nào dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy”, như: người đó phải “chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác về quyền con ngườiở bất kỳ quốc gia nào”. Theo sau Hoa Kỳ, các nước như Canada, Anh Quốc và các nước thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) cũng đã có những điều luật tương tự. Đây có thể nói là những điều luật đơn phương, áp đặt luật pháp của mình vào các quốc gia có chủ quyền khác. Vì vậy khi ra đời, điều luật này tuy được nhiều cá nhân và tổ chức “dân chủ” hoan nghênh, nhưng lại bị nhiều quốc gia phản đối vì sự vô lý của nó và trên thực tế rất khó áp dụng.

Đạo luật Nhân quyền Magnitsky vi phạm các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế

Thật vậy. Điều 1, Khoản 2, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) ghi: “Tổ chức Liên hợp quốc ra đời nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc…”. Trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, năm 1966, Điều 1 cũng có quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, … Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ ủy trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”.

Như vậy, việc Hoa Kỳ và các nước tự áp đặt quan điểm pháp lý, pháp luật của mình lên các quốc gia khác là không thể chấp nhận được. Điều này cũng vi phạm nguyên tắc “các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình”, bao gồm: quyết định chế độ chính trị, hoặc quyết định thể chế quốc gia, trong đó bao gồm cả hệ thống pháp luật. Thực tế cho thấy, các quốc gia có những quan điểm riêng về thực thi quyền con người và quyền đưa ra những luật lệ, chế tài riêng của mình. Đơn cử, hình phạt bằng roi đối với người phạm pháp như ở Singapore hoặc bằng “thiến hóa học” đối với tội phạm hiếp dâm trẻ em tại Indonesia… và được nhân dân các nước đó đồng tình ủng hộ. Điều này cho thấy, việc xác định quyền con người phải gắn với thể chế, văn hóa dân tộc và đặc thù của mỗi quốc gia, không thể có một khái niệm áp đặt.

Quyền con người ở nước ta ra đời từ khi đất nước được độc lập, chủ quyền quốc gia được bảo vệ. Lần đầu tiên, các quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta được quy định trong Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 đánh dấu một bước tiến đặc biệt về mặt pháp lý về quyền con người của xã hội và Nhà nước ta. Trong bản Hiến pháp này, Chương II – “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” đã quy định đầy đủ các quyền con người, đồng thời tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người. Những năm qua, Quốc hội ta đã xây dựng nhiều luật mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật cũ theo tinh thần thật sự tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Chiến lược cải cách hành chính cũng tuân thủ nguyên tắc nhân quyền – tạo điều kiện tối đa để người dân có thể hưởng thụ, sử dụng các quyền của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nước Mỹ “nhân quyền” đã từng chịu không nổi… nhân quyền

Ngày 19/6/2018, Đại sứ Mỹ tại LHQ, Nikki Haley, cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ sau khi lên án “thói đạo đức giả” của các thành viên hội đồng cũng như cáo buộc hội đồng “thiên vị chống Israel kinh niên”. Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập vào năm 2006 tại Geneva với mục đích thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Tuy nhiên, các tuyên bố và báo cáo của tổ chức này thường xuyên đụng độ với quan điểm từ phía Mỹ. Đặc biệt là hội đồng nhiều lần lên án Israel sử dụng bạo lực chống lại người dân Palestine ở dải Gaza và West Bank. Một điểm đáng chú ý khác, Mỹ đưa ra tuyên bố này chỉ 2 tháng sau khi Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ trích chính quyền Mỹ vì đã tách rời trẻ em khỏi cha mẹ sau khi họ vượt qua biên giới của Mỹ với Mexico, nhấn mạnh “không có gì bình thường về việc giam giữ trẻ em”. Thời điểm đó, cũng chính bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, phản pháo: “Một lần nữa, Liên Hiệp Quốc cho thấy thái độ đạo đức giả của mình bằng việc công khai chỉ trích Hoa Kỳ trong khi họ phớt lờ thành tích nhân quyền đáng lên án của một số thành viên trong Hội đồng Nhân quyền của chính họ”.

Xung đột vũ trang tại dải Gaza.

Có vẻ như, “nhân quyền” của nước Mỹ không giống các nước khác cho lắm. Cần nói thêm là vào năm 2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Vào ngày 25/5/2020, George Perry Floyd, một công dân da đen người Mỹ, đã bị giết tại Powderhorn, thành phố Minneapolis, Minnesota. Trong khi Floyd bị còng tay và nằm sấp trên đường phố trong một vụ bắt giữ, Derek Chauvin, một sĩ quan cảnh sát người da trắng của Sở Cảnh sát Minneapolis, đã đè đầu gối của mình lên cổ của Floyd trong gần 9 phút. Trong các cảnh quay camera được ghi lại, sau khi Chauvin chẹn lên cổ bằng đầu gối, Floyd nói “Tôi không thể thở” nhiều lần và liên tục nói, “Mẹ ơi” và “làm ơn”. Nước Mỹ nổ tung!

Vụ sát hại công dân da đen George Floyd khiến nước Mỹ nổ tung.

Biểu tình cục bộ nổ ra ở trung tâm Minneapolis – Saint Paul, Minnesota rồi nhanh chóng lan ra toàn quốc và hơn 2.000 thành phố và thị trấn thuộc hơn 60 quốc gia để ủng hộ cho phong trào Black Lives Matter (BLM). Bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang cao trào lúc đó, các khảo sát vào mùa hè năm 2020 ước tính có khoảng 15 triệu đến 26 triệu người đã từng tham gia biểu tình tại Hoa Kỳ, khiến đây trở thành cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Nó đã phơi bày một cách sâu sắc vấn nạn bất bình đẳng sắc tộc ở Hoa Kỳ và đã dẫn đến nhiều đề xuất lập pháp ở mức độ liên bang, tiểu bang và thành phố để chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, miễn trừ đủ điều kiện và sự bạo hành của cảnh sát tại Hoa Kỳ. Nó cũng gây ra một làn sóng dỡ bỏ tượng đài và đổi tên khắp thế giới, tấn công vào các biểu tượng và nhân vật lâu năm tại Mỹ và các nước châu Âu bị cáo buộc ủng hộ chính sách nô lệ hoặc phân biệt chủng tộc.

Còn nữa, ngày 5/3/2020, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra phán quyết công tố viên có thể mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan, bao gồm cả việc xem xét các hành động tàn bạo có thể có của quân đội Mỹ, bao gồm điều tra về các vụ hành quyết tại Afghanistan, nghi ngờ lính Mỹ vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại… Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay lập tức cho rằng quyết định của ICC là “liều lĩnh”. Và kết quả là ngày 11/06/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế và cấm nhập cảnh Mỹ nhắm các lãnh đạo của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) cũng như các quan chức của định chế có tham gia điều tra hồ sơ Afghanistan và Palestine.

Quả là một hình phạt “đúng đắn”, thưa ngài cựu Tổng thống Mỹ, đáng đời những kẻ láo lếu dám đi bêu rếu… nhân quyền.

Đạo luật Nhân quyền Magnitsky và rủi ro ngoại giao cho nước Mỹ

“Điều luật Magnitsky” bắt nguồn từ một sự kiện ở nước Nga. Giai đoạn 2008 – 2009 tại Nga, Sergei Magnitsky vì vi phạm pháp luật Nga đã bị bắt giữ và kết án và sau đó chết trong tù. Sự kiện này được những người cực hữu Hoa Kỳ và những người đố kỵ với chính quyền Nga cho rằng “chính quyền Nga vi phạm nhân quyền”. Để “trừng phạt” chính quyền Nga, Thượng viện Hoa Kỳ đã chuẩn y một đề nghị áp dụng chế tài với 18 cá nhân, quan chức Nga được cho là “phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Magnitsky” bằng cách cấm không cho họ vào Hoa Kỳ và dùng những hệ thống ngân hàng nước này.

Ngay lập tức, nước Nga trả đũa. Chính phủ Nga ban hành “Luật Dima Yakovlev”, cấm không cho người Hoa Kỳ nhận trẻ em Nga làm con nuôi, cũng như xử người đã chết, ông Magnitsky, là có tội. Sau đó họ ra một luật cấm các công dân Hoa Kỳ không được làm việc với các tổ chức chính trị phi chính phủ ở Nga. Gần đây, họ ra thêm một luật cấm bất kỳ người ngoại quốc nào được nói chuyện trên các đài truyền hình nhà nước, nếu họ làm mất uy tín nước Nga.

Tháng 3/2021, EU đã mở màn trừng phạt Trung Quốc vì các cáo buộc nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, họ đưa ra lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Tân Cương và 1 thực thể ở Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức đáp trả gấp đôi bằng lệnh trừng phạt tương tự nhắm vào 10 cá nhân và 4 thực thể châu Âu, cáo buộc họ xâm phạm lợi ích và chủ quyền Trung Quốc. Theo sau EU thì Mỹ, Canada và Anh cũng đưa ra lệnh trừng phạt tương tự và cũng ngay lập tức nhận “đòn trừng phạt” từ Trung Quốc. Các công ty Mỹ và quốc tế có liên quan lệnh trừng phạt này lập tức bị tẩy chay ở Trung Quốc, gây ra thiệt hại rất lớn về vị thế chính trị và kinh tế cho các bên.

Việc Việt Tân và RFA rêu rao muốn các nước kêu gọi áp dụng “Điều luật Magnitsky” cho Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình của Việt Nam cũng là một việc làm vô nghĩa. Với chức trách và địa vị của mình, hai lãnh đạo này phải thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước cũng như Nhân dân giao phó, là phải đấu tranh không ngừng với thế lực phạm tội, phá hoại đất nước. Đó là quyết tâm chung của toàn dân tộc, chứ không phải là ý chí chủ quan của bất kỳ cá nhân nào.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày nay dựa trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích và sự bình đẳng giữa hai quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ, hai bên cùng có lợi. Kể từ sau khi được nâng cấp lên khuôn khổ “Đối tác toàn diện” vào năm 2013, quan hệ hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, đạt được nhiều thành quả thực chất trong các lĩnh vực quan trọng trên các bình diện song phương và đa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và quốc tế. Các sự kiện như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7/2013), chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (tháng 5/2016) dựa trên sự tin cậy về chính trị và tầm nhìn mới đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ở Phủ chủ tịch sáng 25/8/2021, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nói “Chúng ta xem có thể làm gì nhằm nâng cấp mối quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược”. Có lẽ, chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ là đừng gây rủi ro ngoại giao. Và kế đó là thanh tẩy những khối “ung nhọt” đang tìm cách ngăn cản mối quan hệ song phương mang tên Việt Tân, RFA… và những thành phần “dân chủ” đang rêu rao lố bịch về Magnitsky Act.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều