+
Aa
-
like
comment

ANM 21/5: Cựu quan chức Đức khẳng định Thế chiến thứ 3 sẽ diễn ra trên mạng internet

21/05/2021 18:00

Ngày 20/05, các nhà nghiên cứu tại hãng bảo mật Check Point (Singapore) cho biết đã phát hiện sai sót cấu hình trên 23 ứng dụng trên Google Play Store khiến dữ liệu nhạy cảm của hơn 100.000 người bị rò rỉ và có thể khiến họ trở thành mục tiêu béo bở cho những kẻ có mục đích xấu. Cụ thể, vấn đề xuất phát từ việc cấu hình sai cơ sở dữ liệu thời gian thực, thông báo đẩy và khóa lưu trữ đám mây, dẫn đến rò rỉ email, số điện thoại, tin nhắn, vị trí, mật khẩu, bản sao lưu, lịch sử trình duyệt và hình ảnh. Một số ứng dụng trong số này có lượt tải từ 10.000 đến 10 triệu, bao gồm Astro Guru, iFax, Logo Maker, Screen Recorder và T’Leva.

Cùng ngày, nhóm tấn công bằng mã độc tống tiền Conti đã đăng tải một liên kết đến công cụ giải mã miễn phí cho Dịch vụ Y tế Cộng đồng Ireland (HSE) để cơ quan này khôi phục các tập tin đã bị mã hóa. Tuy nhiên, nhóm này đe dọa vẫn sẽ bán hoặc công khai các dữ liệu riêng tư mà họ đã đánh cắp được nếu HSE không thanh toán số tiền chuộc 19.999.000 USD. Trong khi các nhà nghiên cứu xác nhận công cụ này có thể giải mã các tập tin đã bị mã hóa, chính phủ Ireland cho biết sẽ thực hiện đánh giá kỹ thuật về các thuộc tính độc hại của công cụ này trước khi sử dụng.

Trước đó, Microsoft cũng đưa ra cảnh báo về một chiến dịch phát tán STRRAT RAT để đánh cắp dữ liệu trong khi giả mạo là một cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền. STRRAT RAT được phát tán qua một chiến dịch thư rác lớn, được gửi từ các tài khoản email đã bị tấn công, có chứa một hình ảnh trông như một tập tin PDF đính kèm. Khi mở hình ảnh này, mã độc hại sẽ kết nối với một miền để tải STRRAT RAT. Mã độc này cho thấy hành vi giống như mã độc tống tiền, gắn phần mở rộng .crimson vào các tập tin, nhưng không thực sự mã hóa chúng. Mã độc tập trung vào đánh cắp thông tin đăng nhập trình duyệt và email client, như Firefox, Internet Explorer, Chrome, Foxmail, Outlook và Thunderbird, qua chức năng ghi thao tác bàn phím.

Trong một diễn biến khác liên quan đến những rui ro về an ninh mạng, trong cuốn sách mới mang tên “Red Zone”, tác giả Peter Hartcher dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của Úc cho biết, rủi ro chính của việc cho phép các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, như Huawei và ZTE, tham gia vào mạng 5G của nước này không phải là hoạt động gián điệp mà là Trung Quốc có thể yêu cầu các công ty này ngắt hoàn toàn kết nối mạng 5G của Úc. Điều này có thể dẫn đến máy bơm thoát nước thải không hoạt động, không có nước sạch, mạng lưới giao thông công cộng không hoạt động… Do đó, ông khẳng định, mạng 5G sẽ đứng đầu trong danh sách cơ sở hạ tầng trọng yếu cần được bảo vệ khi đi vào hoạt động đầy đủ.

Tác giả Peter Hartcher.
Tác giả Peter Hartcher.
Cuốn sách “Red Zone” đề cập đến rủi ro chính của việc cho phép các hãng công nghệ Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của Úc.
“Red Zone” đề cập đến rủi ro chính của việc cho phép các hãng công nghệ Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của Úc.

Trong một bài viết đăng trên tờ Handelsblatt, cựu Thủ tướng bang Baden-Württemberg (Đức), đồng thời là cựu Cao ủy Châu Âu về Kinh tế Kỹ thuật số Günther Oettinger khẳng định, Chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ không diễn ra trên bộ, trên mặt nước và trên không, mà là hầu như trong không gian mạng, và sẽ không có sự tham gia của xe tăng, pháo binh, mà các đội quân bí mật sẽ tiến hành việc đó. Ông Oettinger liệt kê Nga, Mỹ, Trung Quốc và Israel, cũng như Iran, là các đội quân lớn nhất trên mạng đồng thời cho rằng Nga là mạnh nhất trong danh sách này. Ông cũng lưu ý việc Liên minh Châu Âu chỉ phân bổ 1,5 tỷ Euro để bảo vệ không gian mạng trong giai đoạn từ 2021 – 2027, tức là 230 triệu Ruro mỗi năm cho 27 quốc gia thành viên hoặc ít hơn 10 triệu Euro cho mỗi quốc gia.

Ông Günther Oettinger khẳng định, Chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ không diễn ra trên bộ, trên mặt nước và trên không, mà là hầu như trong không gian mạng,
Ông Günther Oettinger khẳng định, Chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ không diễn ra trên bộ, trên mặt nước và trên không, mà là hầu như trong không gian mạng,

Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga (SVR) Sergei Naryshkin mới đây đã đưa ra bình luận về thông tin của tờ News Week rằng quân đội Mỹ đang điều hành lực lượng ngầm đến 60.000 binh sĩ mà Quốc hội không hề hay biết. Khi được hỏi liệu Mỹ có đội quân bí mật như vậy hay không và phải chăng nhiệm vụ của họ là tấn công mạng, ông Naryshkin cho biết, Washington có rất nhiều công ty quân sự ẩn nhưng không hẳn thuộc diện bí mật. Ông cho biết ông chưa rõ các công ty này có liên quan tới các hoạt động tấn công mạng hay không nhưng khẳng định Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và một số ít các cơ quan tình báo Mỹ đang tham gia vào hoạt động trên không gian mạng.

Trần Anh

Bài mới
Đọc nhiều