+
Aa
-
like
comment

Ảnh Nguyễn Thái Luyện đầu đầy tóc, cầm chăn chiếu, đi chân đất gây ngỡ ngàng

10/11/2019 06:00

Khoảng 1 tháng rưỡi kể từ ngày bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM ra quyết định bắt tạm giam hôm 24.9, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alibaba) tái xuất trong bộ dạng khác lạ và trông rất thê thảm.

Trong ảnh được chia sẻ nhanh trên Facebook, Nguyễn Thái Luyện đứng cạnh các cán bộ công an trong khu vực trại giam với đầu không trọc như thường thấy mà có nhiều tóc.

Bộ dạng ông ta trông rất thê thảm khi mặc áo thun, quần short, tay cầm chiếc chiếu, bịch ni lông đựng chăn đệm và đi chân đất.

Ít ai ngờ CEO Alibaba từng “chém gió thành bão”, lớn tiếng miệt thị công an xã và chủ tịch xã cách đây chưa lâu, nay lại xuống cấp như vậy.

Nguyễn Thái Luyện thất thần trong bộ dạng thê thảm.

Nguyễn Thái Luyện sinh năm 1985, quê ở TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), sống tại phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM, Nguyễn Thái Luyện là nhân viên môi giới đất nền cho một số công ty bất động sản trên địa bàn vùng ven TP.HCM. Khi bị đuổi việc, Luyện về quê quản lý quán cà phê của gia đình và đến ngày 5.5.2016 thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.

Công ty này ban đầu có trụ sở chính tại đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM, song sau đó dời về đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Chiều 22.9.2019, công an cho biết tòa nhà 120 – 122 đường Kha Vạn Cân, nơi Công ty địa ốc Alibaba thuê làm trụ sở làm việc, đã ngừng hoạt động. Hiện chủ tòa nhà này chờ thông báo của Công ty Alibaba để thanh lý hợp đồng, lấy lại mặt bằng và cho người khác thuê.

Ấy vậy mà trước đó Nguyễn Thái Luyện “chém gió” rằng tòa nhà này là cơ ngơi của mình để lấy tiếng, phục vụ cho công việc bất chính.

Trụ sở chính Công ty Địa ốc Alibaba đã đóng cửa.

Sau khi thành lập Công ty Địa ốc Alibaba vào năm 2016, Nguyễn Thái Luyện lôi kéo người thân tham gia, bổ nhiệm em trai Nguyễn Thái Lĩnh làm Giám đốc công ty. Công ty có ba cổ đông gồm Nguyễn Thái Luyện (chiếm 80% vốn điều lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba); Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ, trước khi bị bắt là Tổng giám đốc); bà Võ Thị Thanh Mai (góp 10% vốn điều lệ).

Ban đầu, Công ty Alibaba có vốn điều lệ 1 tỉ đồng. Song đến tháng 12.2016, công ty này tăng vốn lên 20 tỉ đồng. Ở lần thay đổi thứ hai vào tháng 9.2017, Công ty Alibaba tuyên bố thay đổi vốn điều lệ thành 1.600 tỉ đồng.

Khi làm việc với cảnh sát điều tra, Nguyễn Thái Lĩnh thừa nhận hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Nguyễn Thái Lĩnh khai chính anh ruột của mình, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các công việc chứ ít có quyền quyết định. Toàn bộ các quyết sách, đường hướng kinh doanh hay tổ chức mô hình công ty đều được Luyện giao nhiệm vụ cho từng cá nhân cụ thể.

Nguyễn Thái Luyện giao cho những người thân tín, trong đó có hai em ruột Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực, đi thu gom đất nông nghiệp, tự phác họa thành dự án khu dân cư cao cấp.

Luyện chỉ đạo toàn bộ cán bộ công nhân viên thông qua các kênh mạng xã hội, trang web thông tin để rao bán đất nền của các dự án “ma” nhằm lừa khách hàng. Sau đó, Luyện lấy tiền của các khách hàng để vận hành hệ thống, thu gom đất nông nghiệp.

Không những thế, hắn ta còn chỉ đạo một số nhân viên cấp quản lý lập ra các công ty bất động sản, tưởng chừng hoạt động độc lập nhưng thực chất là vệ tinh của Địa ốc Alibaba, dưới sự kiểm soát của mình.

Luyện chỉ đạo các giám đốc công ty con dùng pháp danh đó để giao dịch, ký hợp đồng với khách hàng.

Tóm lại, Nguyễn Thái Luyện chính là chủ mưu thật sự trong vụ án Công ty Địa ốc Alibaba lập 40 dự án “ma” ở ba tỉnh thành lừa hơn 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba hoạt động công ty theo hình thức đa cấp, đội ngũ nhân viên cũng tham gia đóng góp “cổ phần”.

Không chỉ cách lừa khách hàng mua đất từ dự án “ma” của Địa ốc Alibaba, Nguyễn Thái Luyện còn dụ nhân viên bỏ tiền mua đất bằng lời mật ngọt. Theo một số người, đây là trò huy động vốn cho công ty bằng cách “hút máu” chính nhân viên của mình. Khi các nhân viên kéo thêm người tham gia vào công ty sẽ được thăng chức dần dần.

Do đó, khi xảy ra các vụ việc như bị cưỡng chế ở các dự án ma, cơ quan pháp luật điều tra và báo chí phản ánh thì đội ngũ nhân viên Alibaba vẫn quyết bảo vệ công ty và Luyện vì vẫn có quyền lợi trong đó.

Hơn 2.500 tỉ đồng chiếm đoạt được của khách hàng, Nguyễn Thái Luyện đầu tư mua các lô đất nông nghiệp để vẽ dự án “ma”, hiện chưa bán được, có khoản để trả lãi cho khách hàng, dùng vận hành Alibaba và hệ thống các công ty con. Khi Bộ Công an phong tỏa tài khoản ngân hàng, Nguyễn Thái Luyện và các lãnh đạo Alibaba vẫn triển khai các dự án “ma” bất chấp pháp luật. Luyện khai mục đích là tiếp tục đưa khách hàng vào tròng để có dòng tiền xoay vòng, nếu không Địa ốc Alibaba sẽ sụp đổ. Xem chi tiết kiểu kinh doanh của Alibaba mô hình Ponzi.

Nguyễn Thái Luyện: ‘Anh em nói chơi lập nhóm cướp nên mở Công ty Alibaba’

Trong clip được dân mạng “đào mộ”, khi nam MC hỏi: “Cơ duyên nào giúp anh mở Công ty Địa ốc Alibaba?”, Nguyễn Thái Luyện trả lời: “Cơ duyên là do bị đuổi khỏi công ty cũ. Sau đó ở nhà quản lý quán cà phê và không biết làm cái gì. Có vài anh em cũng tới rủ mở công ty nhưng lúc đó do buồn và nản quá nên không dám làm. Vài anh em nói chơi là hay mình làm nhóm cướp đi anh. Từ ý tưởng thành lập Alibaba và 40 tên cướp len lỏi, ngày 5.5.2016 thì mình đăng ký giấy phép kinh doanh Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba”.

Xem xong clip, dân mạng mỉa mai Nguyễn Thái Luyện rằng: “Anh em chỉ nói chơi mà lập công ty đi ‘cướp’ của khách hàng thiệt, hại không biết bao nhiêu người nên giờ mới bị bắt”.

Nhân Hoàng/Một Thế Giới

Bài mới
Đọc nhiều