+
Aa
-
like
comment

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những trận không chiến đỉnh cao: Chuyên gia Liên Xô kinh ngạc, phi công Mỹ sừng sỏ khiếp vía

24/09/2019 12:38

Chỉ trong khoảng thời gian từ 1965-1967, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cùng tiêm kích MiG-17 đã 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ và góp sức giúp đồng đội bắn hạ nhiều máy bay khác.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những trận không chiến đỉnh cao: Chuyên gia Liên Xô kinh ngạc, phi công Mỹ sừng sỏ khiếp vía
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy 

Trận đánh đầu tiên với MiG-17 khiến chuyên gia Liên Xô kinh ngạc

Chỉ trong hai năm 1966-1967, với 94 lần xuất kích trong đó có 13 trận không chiến, Đại tá – Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy A) đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ giúp ông trở thành một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACE của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Những chiến công của ông cùng đồng đội đã góp phần quan trọng giúp quân và dân ta đánh bại Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.

Vào tháng 4/1965, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội trở về nước sau nhiều năm học lái máy bay MiG-17 ở nước ngoài, Ông và một số đồng đội được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế).

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những trận không chiến đỉnh cao: Chuyên gia Liên Xô kinh ngạc, phi công Mỹ sừng sỏ khiếp vía - Ảnh 1.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (bên phải) trao đổi với đồng đội sau trận đánh. Ảnh: Tư liệu.

Trận đánh đầu tiên của phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội tại Trung đoàn 923 diễn ra vào lúc 10h sáng ngày 6/10/1965 khi biên đội MiG-17 của ông được lệnh cất cánh đánh chặn một phi đội máy bay Mỹ hoạt động trên vùng trời Bắc Sơn – Chi Lăng.

Vào khoảng 10 phút sau đó, biên đội MiG-17 của phi công Nguyễn Văn Bảy phát hiện máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế và quyết định tấn công. Tuy nhiên, phi đội máy bay Mỹ dựa vào ưu thế vượt trội về số lượng cũng như máy bay tốt hơn đã ngay lập tức phản công lại biên đội MiG-17 của ta.

“Khi MiG-17 của tao lao tới, chúng nó kéo cả bầy ùa lại phản kích, bắn đạn quá rát làm tao phải luồn lách liên tục để né. Tới chừng MiG-17 của tao lắc quá, biết máy bay mình bị thương nhiều rồi, tao liều mình bay vút ra ngoài vòng vây máy bay Mỹ rồi tìm chỗ hạ cánh”, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy hồi tưởng lại trận đánh đầu tiên với các phóng viên.

Khi hạ cánh xuống mặt đất, ông mới biết chiếc MiG-17 của mình bị một tên lửa AIM-7 của một chiếc F-4 bắn ra nổ rất gần, để lại trên thân máy bay của ông ít nhất 82 vết thủng lỗ chỗ.

Thế nhưng ông vẫn giữ bình tĩnh lái máy bay hạ cánh an toàn trước sự kinh ngạc của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô.

Đây được xem là kỳ tích khi hiếm có vào thời điểm đó, khi chưa có phi công tiêm kích phản lực nào trên thế giới cùng chiếc máy bay chi chít vết thương (phần đuôi gần như bị bắn nát) vẫn có thể bay về hạ cánh an toàn.

Chiến công đầu tiên bắn hạ “con ma” F-4

Sau vài lần bay lên nghênh chiến với máy bay Mỹ, dù không tiếp cận được, nhưng cũng giúp phi công Nguyễn Văn Bảy và đồng đội có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu quý báu, nhất là tìm ra được cách khắc phục được các nhược điểm của MiG-17 trước các chiến đấu cơ hiện đại hơn của Mỹ, từ tốc độ, trang bị hỏa lực cho đến phương tiện kỹ thuật.

Năm 2017 khi được phóng viên hỏi về cách đánh máy bay Mỹ vốn vượt trội hơn hẳn, Đại tá Nguyễn Văn Bảy nhận định, “Máy bay Mỹ toàn loại siêu đẳng, nên muốn đánh thắng chúng thì ta phải có cách riêng của mình…”

Và khi nắm được thóp giặc lái Mỹ, phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội đã có cách đối phó với những kẻ thù được trang bị tốt hơn mình, mặc dù chiếc MiG-17 của ông không được trang bị tên lửa mà chỉ có 3 khẩu pháo.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những trận không chiến đỉnh cao: Chuyên gia Liên Xô kinh ngạc, phi công Mỹ sừng sỏ khiếp vía - Ảnh 3.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy – phi công ACES huyền thoại của Không quân Nhân dân Việt nam, bắn rơi 7 máy bay Mỹ, chưa một lần bị bắn hạ.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể lại cách khắc chế địch trong cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm:

“Biết chiêu của địch rồi nên mình phải dùng chiêu đối phó, đó là phải áp sát máy bay địch mà đánh. Vì máy bay của chúng to hiện đại hơn, bay nhanh và trang bị súng đạn nhiều hơn. Bởi vậy phải tiếp cận gần và mạo hiểm thì mới thắng được, thế là mỗi lần tôi siết cò là một máy bay Mỹ ra đi”.

Và rồi điều gì đến cũng đã đến, phi công Nguyễn Văn Bảy cùng chiếc MiG-17 đã có chiến công đầu tiên trong một đợt xuất kích đánh chặn máy bay Mỹ vào cuối tháng 4/1966.

Khi đó hệ thống radar cảnh giới mặt đất của Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết máy bay Mỹ đang tiến đến Bắc Sơn và Đình Ca, lập tức 4 máy bay chiến đấu MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy, Lưu Huy Chao, Trần Triềm theo sau biên đội trưởng Hồ Văn Qùy xuất kích đánh chặn địch.

Ngay sau khi xuất kích, các máy bay ta phát hiện phi đội 8 chiếc F-4 của địch. Phi công Nguyễn Văn Bảy quan sát thấy một máy bay địch bay cách xa đội hình. Chiếc MiG-17 của ông nhanh chóng vòng tới phía sau và áp sát kẻ thù rồi khóa mục tiêu và nã đạn.

“Khi nhìn thấy toàn bộ chiếc F-4 nằm gọn trong kính chắn gió, ba bóp cò và chiếc F-4 rơi. Đây là máy bay Mỹ đầu tiên bị ba bắn hạ”, ông kể lại trong một bức thư gửi cho con dâu vào năm 2000, khi đó còn là một sinh viên theo học khoa kế toán của một trường đại học ở Hà Nội.

5 lần bắn hạ tiêm kích F-4: Chiến tích hiếm có

Sau chiến thắng đầu tiên, trong trận không chiến  ngày 21/6/1966 phi công Nguyễn Văn Bảy tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình khi đối mặt với máy bay Mỹ.

Trong trận này, biên đội gồm bốn chiếc MiG-17 của ông có nhiệm vụ đánh chặn một tốp máy bay Mỹ dẫn đầu là một chiếc máy bay trinh sát RF-8A được hộ tống bởi bốn chiếc tiêm kích F-8 Crusader đang tiến hành do thám hệ thống đường sắt ở phía Đông bắc Thị trấn Kép, Bắc Giang.

Dù bị áp đảo về số lượng cũng như hỏa lực, phi công Nguyễn Văn Bảy không hề nao núng, bình tĩnh cùng đồng đội bắn hạ một chiếc F-8E dẫn đầu phi đội hộ tống do Trung úy phi công Cole Black điều khiển.

Trong khi đó, chiếc RF-8A do Trung úy phi công Leonard Eastman lái bị biên đội trưởng MiG-17 – phi công Phan Thành Trung tiêu diệt.

Ba ngày sau, trong trận đánh ngày 24/6/1966, khi phát hiện phi đội máy bay Mỹ đang ném bom, biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy từ xa bất ngờ lao thẳng vào đội hình địch.

Chiếc MiG-17 của ông cơ động mạnh, lúc vút lên, lúc lại bổ nhào xuống, làm đội hình máy bay địch lúng túng và khi thời cơ tới, ông nhấn cò, một “con ma” F-4 Phantom II trúng đạn bốc cháy trên không trung.

Theo lời kể của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, trong thời gian từ 1965-1968, với 94 lần xuất kích ông đã 7 lần bắn hạ máy bay Mỹ, trong đó có tới 5 chiếc F4 “con ma”, một chiếc F-105 “thần sấm” và một chiếc F-8 “thập tự quân”.

Ở thời điểm đó F-4 Phantom II được xem là chiến đấu cơ tốt nhất của Mỹ và thường do các phi công sừng sỏ điều khiển nên việc Nguyễn Văn Bảy cùng các đồng đội sử dụng MiG-17 vốn thua kém hơn nhiều về tính năng kỹ-chiến thuật nhưng vẫn dám đánh và đã đánh thắng giòn giã, khiến các phi công Mỹ khiếp vía.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những trận không chiến đỉnh cao: Chuyên gia Liên Xô kinh ngạc, phi công Mỹ sừng sỏ khiếp vía - Ảnh 5.
Ngày 24/4/1967, biên đội MIG-17 cất cánh từ Kiến An gồm Võ Văn Mẫn, Nguyễn Bá Địch, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Thế Hôn bắn rơi 2 chiếc F-4 của Mỹ. Ảnh: Phi công Nguyễn Văn Bảy sau chiến thắng trở về. Ảnh: Tư liệu.

Tuy nhiên, điều khiến các phi công sừng sỏ lái những F-4 “con ma” của Mỹ không thể ngờ họ là bại tướng trước một phi công có xuất thân nông dân chưa hề có kinh nghiệm chiến đấu và số lần không chiến chỉ vỏn vẹn chục lần.

Không những thể mỗi lần nổ súng, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đều quyết tâm tiêu diệt kẻ thù ngay trên không.

Bởi trong số 10 phi công trên 5 chiếc F-4 Mỹ bị ông bắn hạ chỉ có duy nhất 3 người kịp nhảy dù, 7 người còn lại không có may mắn như vậy.

Đó là một tỷ lệ thiệt hại về người cực lớn đối với Không quân Mỹ, bởi lẽ để đào tạo được 1 phi công chiến đấu người ta ước tính phải tiêu tốn số tiền quy ra vàng tương đương với trọng lượng cơ thể phi công.

Và theo như phi công Nguyễn Văn Bảy kể, khi giao chiến ông bắn cùng lúc cả ba khẩu pháo trên chiếc MiG-17 (2 pháo 23mm và 1 pháo 37mm). Tầm bắn hiệu quả của 2 loại vũ khí này là khác nhau nên để đồng thời phát huy tốt nhất uy lực, ông thường bắn ở khoảng cách rất gần.

Ông cho biết là chỉ bắn khi đã nhìn thấy rõ số hiệu máy bay và buồng lái của phi công đối phương. Nếu bị bắn trúng, cơ hội sống sót của các phi công Mỹ là rất thấp bởi ở tầm gần, pháo 37mm và 23mm của MiG-17 hoàn toàn có thể xé toạc thân hay phá tung buồng lái máy bay Mỹ.

Có lẽ chỉ các phi công tiêm kích mới hiểu sự nguy hiểm chết người của một loạt đạn pháo 23mm đan xen với 37mm vào thẳng buồng lái là thế nào. Và có lẽ nhiều phi công Mỹ khiếp vía và cảm thấy may mắn khi không phải không chiến với Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Phi công Át (ACE) là một danh hiệu công nhận cho các phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên, xuất hiện lần đầu tiên trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy là một trong 19 phi công chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam đạt danh hiệu ACE trong Kháng chiến chống Mỹ.

(Theo Soha)

Bài mới
Đọc nhiều