+
Aa
-
like
comment

“Ánh hào quang của Việt Nam đang thật sự tỏa sáng”

Lan Hoa - 15/09/2022 14:26

Năm 2022 được đánh giá là một năm đầy khó khăn đối hoạt động xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia nhận định, Việt Nam vẫn duy trì được cán cân thương mại ổn định và xu hướng xuất siêu bền vững, tựa như một điểm sáng trong bối cảnh u ám của nền kinh tế thế giới. 

TP Hồ Chí Minh có thành tích kinh tế vô cùng ấn tượng, góp phần giúp Việt Nam tỏa sáng.

Có thể thấy, từ đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại cùng với tình hình chiến sự căng thẳng đã tác động nặng nề đến kinh tế, thương mại toàn cầu. Trước bối cảnh giảm sút của kinh tế thế giới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ với điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng cao và liên tục; cùng với đó, công tác phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu cũng đạt hiệu quả rất cao, theo Nikkei.

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và nghiêng cán cân thương mại Việt Nam về hướng xuất siêu.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, đặc biệt nhiều sản phẩm của Việt Nam đã dần có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường khó tính và khắt khe như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia… Điều đó cho thấy, việc khai thác lợi ích từ các FTA được Việt Nam tiến hành rất tốt và hiệu quả.

Đánh giá kết quả xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua, trang Nikkei Asia cho rằng, những thành tựu đó có sự đóng góp không hề nhỏ của các địa phương. Bởi tăng trưởng xuất khẩu đã góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, cả ở quy mô cả nước lẫn quy mô tỉnh, thành phố. Chính vì lẽ đó, các địa phương đều có sự quan tâm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Có được điều đó là do các tỉnh, thành phố nằm trong top địa phương xuất khẩu của Việt Nam đều có nhiều khu công nghiệp, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, xuất khẩu. Việc các địa phương duy trì vị trí dẫn đầu về quy mô xuất khẩu thể hiện tính đúng đắn của chủ trương thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, trong đó đặc biệt là sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, thiết bị điện tử… Ngoài ra, các địa phương cũng có nhiều điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Sản xuất chip của Công ty Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: Lê Toàn

Mặt khác, các địa phương cũng đang sở hữu cơ sở hạ tầng được đánh giá tốt nhất cả nước với hệ thống đường giao thông, đường bộ, cảng biển… thuận lợi cho vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Chưa kể, những nơi này còn được đánh giá rất cao về môi trường kinh doanh, chính sách khuyến khích phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa. Sự năng động của chính quyền địa phương đã giúp nhiều địa phương dù gặp khó khăn do bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng vẫn giữ vững được vị trí cao trong “bảng thành tích” xuất khẩu.

Theo Nikkei, thành phố xuất sắc nhất là TP. Hồ Chí Minh, bởi trong 8 tháng đầu năm 2022, mặc cho kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến động ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu nhưng hoạt động xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng với giá trị xuất khẩu tăng 7,9%.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM ước tính tháng 8/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt hơn 4,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt hơn 4,28 tỷ USD, tăng 12,6%.

Bí thư Nguyễn Văn Nên và Lãnh đạo TP tham quan các gian hàng triển lãm sản phẩm công nghệ cao tại Tòa nhà Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại thành phố, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông. Với kết quả tích cực này, TP. Hồ Chí Minh hiện đang giữ vững vị trí đứng đầu cả nước trong hoạt động xuất khẩu đến tính đến hết tháng 8/2022.

Khi nhìn nhận lại, những thành tựu kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam đã phản ánh tiềm năng và vị thế kinh tế Việt Nam trong bản đồ thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế đã và đang tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế để trụ vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh trên thị trường xuất khẩu.

“Ánh hào quang của Việt Nam đang thật sự tỏa sáng”, trang Nikkei Asia nhấn mạnh.

Lan Hoa (Theo Nikkei Asia)

Bài mới
Đọc nhiều