+
Aa
-
like
comment

Anh gửi thông điệp răn đe hạt nhân?

21/03/2021 09:15

Anh dường như đang giảm bớt ngoại giao truyền thống, thay vào đó gửi đi một thông điệp răn đe hạt nhân.

Anh muốn tăng mạnh kho vũ khí hạt nhân

Hãng RIA dẫn phát biểu của Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/3 cho rằng kế hoạch mở rộng năng lực hạt nhân của Anh đã giáng một đòn mạnh vào khái niệm kiểm soát vũ khí. Moscow cho biết sẽ cân nhắc động thái của London khi lập kế hoạch quân sự cho riêng mình.

Điện Kremlin cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định trên của Anh, cho rằng động thái này sẽ phương hại sự ổn định quốc tế.

Một ngày trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố Đánh giá Tích hợp Chính sách Quốc phòng, An ninh, Phát triển và Đối ngoại năm 2021, trong đó đề cập tới việc Anh sẽ tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 180 đầu đạn hiện nay lên không quá 260 đầu đạn. Theo giới chuyên gia, đây là sự đảo ngược đáng chú ý trong 2 thập kỷ thúc đẩy giải trừ hạt nhân.

Anh gui thong diep ran de hat nhan?
Tờ The Guardian của Anh bình luận rằng ông Johnson đang chơi trò hạt nhân nguy hiểm

Một điểm đáng chú ý là trong quá trình xem xét bản Đánh giá, chính phủ Anh không còn công khai số lượng tên lửa Trident và đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các tàu ngầm của mình. Đề cập đến sự cạnh tranh toàn cầu lớn hơn và sự phát triển trong công nghệ và học thuyết hạt nhân, Anh dường như đang giảm bớt ngoại giao truyền thống, thay vào đó gửi đi một thông điệp răn đe hạt nhân.

Theo giới phân tích, ảnh hưởng của những thay đổi này lên cán cân quân sự với Nga, Trung Quốc và các đối thủ tiềm tàng khác là khó tính toán ngay lập tức. Chính phủ Anh chỉ giải thích bằng những thuật ngữ chung chung về lý do tại sao thay đổi chính sách, song các tham chiếu của nó đến sự cạnh tranh toàn cầu cho thấy rằng Anh có thể đang nhìn xa hơn Nga – động lực truyền thống của các nhu cầu răn đe của Anh. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng chú ý tới yếu tố Trung Quốc khi nước này đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Bản đánh giá đề cập những thay đổi về công nghệ cũng phản ánh sự lo ngại xung quanh sự cải tiến các loại tên lửa đạn đạo mà hệ thống vũ khí phòng thủ của Anh có thể bị xuyên thủng.

Quyết định của Anh được cho là bước đi tự làm khó chính mình. Ở trong nước, lãnh đạo phe đối lập Sir Keir Starmer đã chỉ trích mức giới hạn kho hạt nhân cao hơn vì nó không được giải thích “khi nào, tại sao hoặc vì mục đích chiến lược nào”.

Ở cấp độ thế giới, uy tín của Anh cũng sẽ bị giảm sút. Trên các diễn đàn đa phương, như các hội nghị đánh giá hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Anh thường thể hiện mình là nước đi đầu trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân giữa các quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân. Cả mục tiêu trước đó là 180 đầu đạn và tuyên bố về số lượng vũ khí được triển khai, đều là một phần thường xuyên trong triết lý ngoại giao của Anh.

Anh gui thong diep ran de hat nhan?
Tên lửa Trident có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm HMS Vigilant của Anh

Nước Anh đã làm việc trong hơn một thập kỷ về khoa học và công nghệ cần thiết để xác minh các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai, hợp tác với các quốc gia phi hạt nhân hóa giải trừ vũ khí hạt nhân như Na Uy.

Việc Anh thay đổi chính sách sẽ gây khó khăn cho các quốc gia phi hạt nhân, những nước mà Anh đã khuyến khích truyền bá thông điệp về giải trừ vũ khí hạt nhân. Sự thay đổi này cũng có thể khiến các đối tác nghiên cứu của Anh xác minh sự nghi ngờ rằng nỗ lực của họ gần như vô nghĩa đối với một quốc gia không quan tâm đến việc giải trừ quân bị một cách nghiêm túc.

Tiêu chuẩn kép

Những nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi ngay trong ngày 16/3, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ trích Thủ tướng Anh Boris Johnson về kế hoạch gia tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của London trong khi bày tỏ quan ngại về nỗ lực của Iran bị cho là nhằm sở hữu các vũ khí hạt nhân.

Trên trang Twitter, ông Zarif nhấn mạnh: “Hoàn toàn là đạo đức giả, ông Johnson quan ngại về Iran phát triển vũ khí hạt nhân thực thụ. Cùng ngày đó, ông ấy thông báo Anh sẽ gia tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân. Không giống như Anh, Iran tin rằng hạt nhân và mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt là man rợ và phải bị loại bỏ”.

Anh gui thong diep ran de hat nhan?
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích bước đi “đạo đức giả” của Anh

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho rằng nước này cần phải sẵn sàng phòng vệ trước “tất cả các mối đe dọa, trong đó có các loại vũ khí hóa học, sinh học và hạt nhân”.

Theo ông Hatami, “các kẻ thù của nhân loại” sẵn sàng sử dụng mọi công cụ để đạt được mục đích chiến tranh. Người dân Iran nên hiểu rằng đất nước luôn cảnh giác và “triển khai mọi biện pháp cần thiết chống lại tất cả mối đe dọa”.

Tuy nhiên, người Anh cũng có cái lý của mình vì từ năm ngoái, Nga đã công bố chiến lược hạt nhân mới có tên “Các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia Liên bang Nga về răn đe hạt nhân”.

Dù phần lớn nội dung tương đồng với Học thuyết Quân sự 2014, song tài liệu dài 6 trang này đã phản ánh phần nào những thay đổi trong quan điểm của Kremlin về vấn đề hạt nhân.

Tài liệu này là cơ sở pháp lý làm nền tảng cho các hoạt động răn đe hạt nhân mạnh mẽ hơn cũng như các điều kiện để quân đội Nga triển khai loại vũ khí này, kể cả quyền “phủ đầu”. Học thuyết hạt nhân 2020 của Nga là một sự cân bằng giữa những tuyên bố mạnh mẽ về sử dụng vũ khí hạt nhân với việc nhấn mạnh trọng tâm chiến lược là “bản chất phòng thủ”.

Anh gui thong diep ran de hat nhan?
Trong nhiều năm qua, Anh công khai bày tỏ lo ngại về sức mạnh hạt nhân của Nga

Trong chiến lược mới, Nga đã nêu rõ hàng loạt mối đe dọa từ việc triển khai “các hệ thống phòng thủ tên lửa và tấn công ngoài không gian” cũng như “các vũ khí siêu thanh và có độ chính xác cao, các phương tiện không kích không người lái và vũ khí năng lượng có điều hướng”. Chiến lược mới nhấn mạnh rằng năng lực răn đe hạt nhân của Nga phụ thuộc vào bộ ba sức mạnh hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không.

Chiến lược hạt nhân này vạch ra 4 kịch bản dẫn tới việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Trường hợp đầu tiên là sự kế thừa nội dung của Học thuyết Quân sự năm 2014, theo đó cho phép Nga dùng vũ khí hạt nhân đáp trả khi bị tấn công bằng hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ba kịch bản khác nhắc đến khái niệm “phủ đầu”, cụ thể là trong trường hợp có thông tin xác thực về một vụ phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào Nga; nguy cơ nảy sinh mối đe dọa sống còn đối với quốc gia do một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường; và một cuộc tấn công nhằm vào các hạ tầng chính phủ hoặc quân sự của Nga và ảnh hưởng đến khả năng đáp trả bằng hạt nhân.

Thành Minh

Bài mới
Đọc nhiều