+
Aa
-
like
comment

Anh em truy sát tội ác đang tồn tại chính trong gia đình và xã hội

20/09/2019 14:06

Những người vốn hiền lành như đất bỗng một ngày hóa sát thủ tàn sát ngay cả những người thân ruột thịt chỉ vì lợi ích vật chất như tranh giành đất đai, mâu thuẫn tiền bạc cho thấy đạo đức đang xuống cấp, giá trị tình thân đang mất dần đi bởi những suy nghĩ tiêu cực từ sự tham lam, lòng ích kỷ, hẹp hòi.

Mới đây, vụ án anh chém cả nhà em gái ở Thái Nguyên đang khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Chỉ vì mâu thuẫn trong việc vay trả số tiền 3 tỷ đồng, đối tượng Bùi Xuân Hồng, từng làm đến chức vụ Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng La Hiên đã dùng dao đâm chém gia đình em gái ruột khiến 3 người thương vong.

buixuanhong113
Vụ án anh chém cả nhà em gái ở Thái Nguyên đang khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm

Chuyện bắt đầu từ năm 2016 đến nay, do gia đình bà Bùi Thị Hà có nợ ông Bùi Xuân Hồng khoản tiền khoảng 3,5 – 3,6 tỷ đồng. Khoản nợ lớn, nhiều lần không đòi được nên Bùi Xuân Hồng đã ra tay sát hại cả gia đình em gái.

Đến khoảng 18h30 ngày 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (63 tuổi, trú tại phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) mang theo dao, khẩu súng bên trong có 3 viên đạn cùng 1 chai xăng đến nhà em gái là bà Bùi Thị Hà (60 tuổi, trú phường Chùa Hang) để giải quyết mâu thuẫn.

Đáng chú ý, các đối tượng đều có nhân thân tốt, thậm chí như đối tượng Bùi Xuân Hồng từng là Phó giám đốc một công ty xi măng, đồng nghĩa với việc có trình độ hiểu biết pháp luật, có địa vị xã hội và trước khi xảy ra vụ án mạng, họ đều là những người được đánh giá là hiền lành, không phải những đối tượng có bản tính côn đồ, hơn nữa họ đều ở độ tuổi “đã toan về già” lẽ ra phải là tấm gương mẫu mực cho con cháu.

Trước đó không lâu, vào sáng 1/9, ông Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, trú xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vác dao sang nhà em ruột truy sát 5 người, trong đó có 3 phụ nữ và một bé gái. Thảm án được xác định do tranh chấp 0,5 m đất giáp ranh.

Vậy vì đâu họ gây ra những vụ án mạng thảm khốc với chính những người thân thích, ruột thịt, “anh em như thể tay chân”, “huynh đệ tình như thủ túc? Vì đâu từ tình thân lại coi nhau như kẻ thù, ra tay vô cùng tàn độc, sẵn sàng sát hại cả nhà anh em ruột và chấp nhận “đổi mạng” bằng cách tự sát? Cái ác sản sinh ra từ đâu?

Nguyên nhân từ đâu dẫn đến những cảnh tượng bi thương trên

Qua hai vụ tàn sát tại Đan Phượng (Hà Nội) và Thái Nguyên có thể cho thấy những mâu thuẫn cứ diễn ra (có thể vì tiền bạc, có thể vì đất đai, tài sản, cũng có thể là quan điểm về đạo đức, ứng xử với anh, em, cha mẹ trong gia đình…) xuất phát từ mối quan hệ tình cảm hoặc vật chất trong gia đình.

Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài đó làm đối tượng nảy sinh ý định trả thù “mạng đổi mạng” và khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, thời cơ chín muồi, những suy nghĩ tiêu cực tích tụ suốt một thời gian dài gặp tương tác của xã hội, tình huống có vấn đề khiến cảm xúc bùng nổ.

Nó khiến từ một “người hiền như đất” bỗng chốc biến thành một “con quỷ dữ”, sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai cản bước mình, kể cả đó là anh em ruột… mối thù sẽ dẫn dắt con người đến hành động trả thù man rợ.

Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tích tụ nếu không được hóa giải sẽ trở thành thù hận. Khi hoàn cảnh tác động, xô đẩy, cảm xúc lên cao không kiềm chế được thì đối tượng sẽ thực hiện hành vi thú tính, điên cuồng sát hại người khác.

Nguyên nhân chính có thể là do lòng tham và thói ích kỷ cao độ tiềm ẩn trong con người đối tượng này đã khiến bản tính côn đồ, hung hãn trỗi dậy. Từ một con người có nhận thức, khi nghĩ rằng quyền lợi bị xâm phạm, hắn đã trở thành ác quỷ khi tước đi mạng sống của chính những người thân trong gia đình người em trai máu mủ ruột rà của mình.

Bên cạnh đó, sự thiếu nhận thức pháp luật, đạo đức xuống cấp, văn hóa thấp kém ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác khiến cho đối tượng dễ dàng xuống tay sát hại nhiều người mà không run tay. Minh chứng rõ ràng nhất, khi gây án với người thân ruột thịt, hắn vẫn bình tình ngồi uống nước với với 2 cánh tay dính đầy máu của người thân.

Con người thường sa lầy trong lòng tham, mà đặc tính này ở họ có tính di truyền cao, và trong giáo dục họ không bao giờ dạy con cháu từ bỏ nó. Họ rất có trách nhiệm với trực hệ, gia đình, nhưng với đồng loại mình thì họ bước qua, đua tranh quyết liệt, giành giật đến cùng.

Sẽ không bao giờ có chuyện dừng lại hay chừng mực với nhu cầu ở con người. Vì cái “ác” thường đi với sự “có trí”, nhất là cái trí không hướng vào sự thiện lành, và khi nó được vận động trên cơ sở đặc tính lòng tham cố hữu.

Thực tế, khi xảy ra vụ án mạng, các đối tượng gây ra vụ án sẽ phải đối mặt và trả giá bằng những bản án của pháp luật như việc sắp tới chính đối tượng Hồng sẽ phải đối diện nhưng mức án bao nhiêu, mức bồi thường bao nhiêu đi nữa thì tai tiếng ở đời sẽ không bao giờ hết được, những người còn lại trong gia đình ông Hồng cũng sẽ rất đau lòng bởi vụ án “huynh đệ tương tàn” như vậy.

Nỗi đau sẽ nhân đôi khi cả bị hại và bị can đều là người thân thích, ruột thịt trong gia đình. Bởi vậy, vụ án này cũng sẽ là một bài học cho chuyện sứt mẻ tình cảm anh em mà không được hòa giải, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi khi mẫu thuẫn về tình cảm, về vật chất kéo dài, không lỗi thoát.

Nếu những mẫu thuẫn, tranh chấp không thể tự giải quyết được, không thể hòa giải được thì cần phải chuyển đến tòa án để giải quyết và tòa án có trách nhiệm phải thụ lý, giải quyết kịp thời, hóa giải mâu thuẫn bằng những phán quyết có tình, có lý thì mới bớt được những vụ án đau lòng như vậy.

Ngoài ra việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao giá trị đạo đức, gắn kết truyền thống gia đình, giá trị tình thân cũng được coi là giải pháp để hạn chế những vụ án mạng xuất phát từ người thân nhưng không phải việc dễ dàng khi một thực trạng đáng báo động trong xã hội về việc con người sống quá nhiều vì vật chất mà sao nhãng đi giá trị gia đình.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều