+
Aa
-
like
comment

Anh ‘chìa cành ô liu’ với EU

Bảo Trâm - 08/10/2022 10:27

Sau nhiều năm căng thẳng, Anh đang áp dụng một chiến lược mới đối với các nước láng giềng Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh Liz Truss nói chuyện với Thủ tướng Italy Mario Draghi và Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins. Ảnh: Reuters.

Trong khoảng thời gian sau cuộc bỏ phiếu Brexit (Anh rời EU) vào năm 2016, tranh cãi với EU được coi là một sự kiện đánh dấu giai đoạn quan trọng đối với bất cứ nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ nào.

Thế nhưng, trong những tuần gần đây, tân Thủ tướng Liz Truss đã dẫn đầu một sự thay đổi khiến khối và nhiều thành viên trong đảng phải ngạc nhiên.

“Chúng tôi muốn có một mối quan hệ hiệu quả với EU”, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết vào đầu tuần này tại hội nghị của đảng Bảo thủ ở Birmingham, miền Trung nước Anh.

Hôm 6/10, bà Truss đã tham dự cuộc họp khai mạc của Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Prague (Czech), theo Guardian. Vương quốc Anh cũng đang nối lại các cuộc đàm phán với EU sau bất đồng kéo dài về những thỏa thuận thương mại hậu Brexit đối với Bắc Ireland.

Trong khi đó, Vua Charles III đã được Bộ Ngoại giao Anh cho biết chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông là tới Pháp, theo các quan chức cung điện.

Steve Baker, nhà lập pháp đảng Bảo thủ, người dẫn đầu một nhóm Brexit cứng rắn trong Quốc hội và hiện là bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland, thậm chí đã xin lỗi về hành vi trong quá khứ của mình.

“Tôi và những người khác không phải lúc nào cũng hành động theo cách để Ireland và Liên minh châu Âu tin tưởng chúng tôi”, New York Times dẫn lời ông Baker.

Châu Âu thành lập ‘câu lạc bộ 44 nước’

Chuyến đi “phá băng”

Theo Wall Street Journal, đằng sau cách tiếp cận mới là những tính toán về cả mặt kinh tế và chính trị.

Anh, quốc gia đang tiến gần đến suy thoái kinh tế, muốn trấn an các nhà đầu tư rằng một cuộc chiến thương mại với EU không có khả năng xảy ra. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng tạo động lực lớn hơn cho các nước láng giềng châu Âu thể hiện một mặt trận thống nhất.

Không rõ mối quan hệ nồng ấm hơn sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu và Anh cảnh báo rằng cơ hội để thiết lập lại quan hệ có thể dễ dàng vuột mất, vì những căng thẳng về thỏa thuận Brexit vẫn có khả năng xuất hiện.

Mới mùa hè năm nay, trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Truss đã từ chối nói liệu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là bạn hay thù, và dường như phủ nhận sáng kiến Cộng đồng Chính trị châu Âu mới của ông.

Đây được cho là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như cách các nước khác nhau có thể hợp tác vì lợi ích chung như năng lượng.

Ông Macron sau đó đáp lại bằng cách nói rằng Anh là bạn thân của Pháp “bất chấp (mối quan hệ) của các nhà lãnh đạo”. Hai người gặp nhau tại New York sau khi bà Truss nhậm chức vào ngày 6/9.

Hai bên vẫn đang đe dọa lẫn nhau bằng các hành động pháp lý. Các quan chức cho biết việc tìm ra giải pháp cho vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị trong các thỏa thuận thương mại hậu Brexit của Bắc Ireland rất phức tạp.

Thủ tướng Anh Liz Truss đến dự cuộc họp của Cộng đồng Chính trị châu Âu tại tại Prague, Czech. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, cả hai đều mong muốn tránh rạn nứt sâu hơn hoặc xảy ra một cuộc chiến thương mại tốn kém, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và tác động của nó đối với nguồn cung năng lượng đã đủ làm giới chức đau đầu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đánh giá quyết định tham dự cuộc họp tại Prague của thủ tướng Anh là một tín hiệu quan trọng về sự gắn kết.

Không những vậy, London đã nói rằng họ quan tâm đến việc đứng ra tổ chức sự kiện này. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo nhất trí Anh sẽ là nước chủ nhà sau các cuộc họp tiếp theo ở Moldova và Tây Ban Nha, theo quan chức cấp cao của EU.

Trước đó, trong vài tuần, London đã tránh nói về việc liệu bà Truss có tham dự sự kiện hay không, đồng thời tìm cách đảm bảo sự kiện sẽ không bị EU chi phối và bàn về cả các vấn đề như di cư bất hợp pháp – điều mà chính phủ mới mong muốn thảo luận.

Họ thậm chí đã thúc đẩy để thay đổi tên cuộc họp, dù không thành công.

Tuy nhiên, động lực chính khiến bà Truss quyết định tham dự là cuộc xung đột ở Ukraine và mong muốn thể hiện một mặt trận lục địa thống nhất, các quan chức nói.

Guardian cũng nhận định với một người nhiệt tình thúc đẩy quá trình chuyển đổi Brexit, bà Truss vẫn hoài nghi về ý tưởng được đề xuất lần đầu tiên bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tuy nhiên, bà cho rằng có một số lý do để đến đây. Cuộc gặp được coi là tín hiệu thể hiện sự thống nhất ủng hộ Ukraine, cũng như cơ hội để thảo luận về các chủ đề như giá năng lượng hoặc di cư với những nước láng giềng châu Âu.

“Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Và chúng tôi sẽ cùng nhau đối mặt với nó bằng sự thống nhất và quyết tâm”, theo bài phát biểu dự kiến của thủ tướng Anh.

“Chúng ta phải tiếp tục giữ vững lập trường để ủng hộ Ukraine, nhưng cũng để đối phó với những thách thức chiến lược mà Ukraine phải đối mặt”, bà cho biết.

Thủ tướng Anh Liz Truss và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp bên lề. Ảnh: Reuters.

Thách thức vẫn còn

Quyết định tham gia cuộc họp của bà Truss đã được hoan nghênh tại Brussels và Paris. Đối với EU và Czech, những bên đồng tổ chức, cuộc họp này giúp tập hợp cả các quốc gia ngoài EU và củng cố thông điệp về cuộc xung đột.

Anh đã đóng vai trò hàng đầu trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Kyiv, tăng cường sự hiện diện ở sườn phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phối hợp các biện pháp trừng phạt, cũng như hỗ trợ tài chính cho Ukraine với EU cùng Washington.

“Chúng ta có chung một lục địa và chúng ta phải đối mặt với những thách thức giống nhau”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói. “Việc 44 quốc gia được mời đều quyết định tham gia là tín hiệu quan trọng đầu tiên”.

Tại Prague, bà Truss đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và ông Macron, hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất của EU.

Sau cuộc gặp, Anh và Pháp đã đưa ra tuyên bố chung, cam kết hợp tác sâu sắc hơn nữa về vấn đề Ukraine, năng lượng hạt nhân và di cư bất hợp pháp. Họ đã công bố một hội nghị thượng đỉnh Anh – Pháp vào năm 2023 “để tiến tới một chương trình nghị sự song phương mới”.

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Macron cho biết việc bà Truss đến Prague là “tin rất tốt” và Anh đang mong đợi tham gia vào các sáng kiến ​​chung với những nước láng giềng châu Âu.

“Tôi thực sự hy vọng rằng đây là một giai đoạn mới trong quan hệ chung của chúng ta”, ông nói.

Tuy nhiên, thử thách thực sự sẽ đến trong vài tuần tới, khi các cuộc đàm phán về điều khoản của thỏa thuận Brexit được áp dụng ở Bắc Ireland diễn ra.

Một số bộ trưởng của Anh nói rằng họ tìm kiếm một thỏa thuận mới trong vòng vài tuần, nhưng các quan chức ở Brussels cho biết thỏa thuận này, nếu có thể đạt được, cũng sẽ phải mất tới vài tháng.

Sau khi Anh rời khỏi EU, chính phủ Bảo thủ đã đồng ý duy trì kiểm soát hải quan trong nước với Bắc Ireland.

Tuy nhiên, chính phủ Anh sau đó đã cố gắng thay đổi hiệp ước trong bối cảnh các nhóm ủng hộ Vương quốc Anh ở Bắc Ireland phàn nàn rằng họ cảm thấy bị cắt đứt với phần còn lại của đất nước.

Khi giữ chức ngoại trưởng, bà Truss đã đưa ra một đạo luật, đang được Quốc hội bỏ phiếu để thông qua. Theo đó, luật cho phép Vương quốc Anh đơn phương thay đổi các phần của thỏa thuận Brexit. Nhà Trắng sau đó đã lên tiếng chỉ trích trước nguy cơ một hiệp ước quốc tế bị xé bỏ.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều