+
Aa
-
like
comment

Anh bán rau chạy hơn 300 chuyến xe cứu thương miễn phí

10/06/2020 07:38

Bình Dương1h sáng, chiếc điện thoại rung lên bần bật báo tin có tai nạn vừa xảy ra, Lê Anh Tuấn bật dậy, trèo lên xe cứu thương, lao thẳng đến hiện trường. 

Đã hai năm nay, chàng trai 22 tuổi này đã tự rèn cho mình một thói quen để đôi dép hướng ra ngoài nhằm “tiết kiệm” một giây cho chuyến đi cứu hộ. Chiếc áo phản quang, ví tiền và điện thoại cũng luôn được đặt ở vị trí có thể với tay lấy được ngay.

Mấy phút sau, Tuấn đã có mặt tại đường Lê Hồng Phong, thành phố Thủ Dầu Một, cách nhà mình gần 2 km. Nạn nhân là một thanh niên bị ngã xe, nghi ngờ gãy chân, Tuấn dùng nẹp gỗ băng bó cố định, sau đó cùng người dân xung quanh đưa người thanh niên lên băng ca, rồi lập tức chạy đến bệnh viện gần đó.

Khi bác sĩ tiếp nhận nạn nhân thì người nhà cũng vừa đến, Tuấn lặng lẽ trở ra xe lau chùi băng ca dính máu, xịt khử trùng bằng cồn rồi về nhà. Tổng thời gian cho chuyến xe cứu thương miễn phí của anh chưa đầy 30 phút. Đó chỉ là một trong hàng trăm chuyến xe cấp cứu miễn phí mà anh đã thực hiện mấy năm qua.

Trên chiếc xe cấp cứu của mình, Tuấn tự trang bị đầy đủ dụng cụ sơ cứu, thuốc men và chiếc băng ca chuyên dụng. Ảnh: Diệp Phan.
Trên chiếc xe cấp cứu của mình, Tuấn tự trang bị đầy đủ dụng cụ sơ cứu, thuốc men và chiếc băng ca chuyên dụng. Ảnh: Diệp Phan.

Với những ca cấp cứu “đơn giản” như này, Tuấn luôn tranh thủ về nhà sớm để ngủ lại luôn bởi anh sợ nếu đêm có thêm vài ca cần giúp đỡ, không ngủ đủ giấc thì hôm sau sẽ không làm việc được.

“Mình chỉ quan tâm làm sao đưa nạn nhân đến bệnh viện một cách nhanh nhất và trở về nhà sớm, mình không quan tâm đến việc phải đợi người ta cám ơn hay đền đáp”, Tuấn chia sẻ.

Gia đình có một sạp rau củ ở chợ gần nhà nên từ năm lớp 8, chàng trai này đã nghỉ học để phụ giúp ba mẹ buôn bán. Năm 18 tuổi, Tuấn được ba bàn giao chiếc xe ôtô để hàng ngày vào lúc 2 giờ sáng thay ông đi lấy hàng ở chợ đầu mối. Những lần chở hàng đêm khuya, anh chứng kiến nhiều vụ tai nạn mà nạn nhân không qua khỏi vì xe cấp cứu đến trễ. Trăn trở vì điều đó, hai năm trước, Tuấn bắt đầu nhận chở cứu thương miễn phí trong địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.

Bà Lê Thị Phương Mai, 52 tuổi, mẹ của Tuấn kể: “Có một hôm, sáng dậy đi bán hàng thấy quần áo con và trên xe dính nhiều máu, tôi vặn hỏi thì nó mới thú thật đã chạy xe cứu thương miễn phí hơn 3 tháng rồi”.

Từ nhỏ, Tuấn là đứa trẻ bướng bỉnh. Lớn lên một chút, cậu con trai một thường ham chơi với đám bạn, đòi hỏi ba mẹ đổi xe máy cho mình liên tục. Chuyện đi nhậu nhẹt, té xe cũng chẳng hề xa lạ với Tuấn. Thấy con trai thay đổi tính nết, biết làm việc thiện giúp ích cho xã hội nên ba mẹ anh ủng hộ ngay dù còn lo lắng việc thức đêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chị Nguyễn Thùy Trang, 45 tuổi, ở phường Chánh Mỹ chia sẻ: “Nhiều hôm thấy nó 8-9 giờ mới ăn sáng vì mải phụ mẹ bán hàng, đêm khuya còn phải đi chợ đầu mối, không biết sức đâu mà nó còn chạy xe cứu thương nữa”.

Tháng 8/2019, Tuấn định “lên đời” một chiếc xe tay ga đời mới nhưng sau một hồi suy nghĩ, chàng trai quyết định bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua lại một chiếc xe 16 chỗ, mang về gỡ hết các băng ghế phía sau, sắm một chiếc băng ca chuyên dụng và tủ thuốc, trang bị đèn, còi… bắt đầu sự nghiệp chạy xe cứu thương “chuyên nghiệp”.

Không ít lần khi đang đi ăn cùng gia đình thì Tuấn nhận được cuộc gọi nhờ đưa người bị tai nạn đến bệnh viện. Thấy việc chạy xe máy về nhà rồi mới lái xe đi sẽ mất nhiều thời gian, nên kể từ đó, chiếc xe cứu thương trở thành phương tiện đi lại chính của anh luôn.

Nhiều người nói anh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi tất cả những chuyến xe đều miễn phí, trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ phụ thuộc vào sạp rau nhỏ ở chợ. Tuấn chỉ cười bảo: “Hỗ trợ trong bán kính khoảng 10km cũng không tốn quá nhiều xăng, mình xem đó như một chuyến đi chơi vào mỗi tối. Nhiều người dúi tiền vào tay, nhưng mình chưa nhận tiền của ai bao giờ”.

Hai năm qua, Tuấn đã hỗ trợ hơn 300 trường hợp bị tai nạn đến bệnh viện. “Tôi không định làm thay việc của bệnh viện. Nếu xe của bệnh viện đến hiện trường tai nạn trước thì tôi sẽ để họ hỗ trợ nạn nhân”, anh phân trần. Có đêm đã quá mệt, nghe tiếng chuông đổ Tuấn vội tắt đi, nhưng vẫn số điện thoại đó gọi thêm 2 lần nữa, anh quyết định bắt máy và lên xe đến hiện trường khi nghĩ đến việc chỉ cần chậm một phút thôi thì có thể khiến một người mất mạng.

Ngày 7/2/2020, Tuấn hỗ trợ giúp ông cụ bị lạc đường Thủ Dầu Một bị tai nạn. Sau 24h đăng thông tin tìm kiếm lên Facebook, người nhà đã liên hệ và đưa ông cụ về nhà tại TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 
Ngày 7/2/2020, Tuấn hỗ trợ giúp ông cụ bị lạc đường Thủ Dầu Một bị tai nạn. Sau 24h đăng thông tin tìm kiếm lên Facebook, người nhà đã liên hệ và đưa ông cụ về nhà tại TP.HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

 

Làm việc thiện nhưng cũng nhiều khi Tuấn gặp rắc rối. Có lần đưa nạn nhân vào viện xong thì người nhà gọi đến hỏi về tài sản bị mất. Thậm chí có khi anh cũng áy náy khi bệnh viện gọi về thông báo nạn nhân trốn viện không thanh toán viện phí… Để tránh những rắc rối, Tuấn có một cuốn sổ ghi lại những ca đã giúp đỡ đưa đến bệnh viện, livestream suốt quá trình hỗ trợ để “làm bằng chứng ngoại phạm” cho chính mình.

Nhiều người tìm đến Tuấn nhờ chở người nhà của họ về quê vì sau một thời gian nằm viện, kinh tế gia đình đã kiệt quệ, nhưng Tuấn từ chối và liên hệ nhờ nhiều nhóm khác giúp đỡ. Vì Tuấn biết mình không có đủ sức khỏe để chạy những chuyến xe dài. Ngay cả việc chạy xe cứu thương hiện tại, anh cũng chỉ chắc chắn hỗ trợ được sau 19h đến 3h sáng.

Gần 2 giờ sáng, khi vừa xong việc trở về, Tuấn thấy nhà sáng đèn, ba mẹ đã thức giấc ngồi ở phòng khách chờ anh, Tuấn lẳng lặng đi vào nhà thay đồ, rửa tay rồi tranh thủ ngủ ngay để lấy sức. Còn bà Mai, thở phào vì con mình đã an toàn trở về.

“Kể từ ngày thằng Tuấn có chiếc xe cứu thương mới, chiếc xe cũ chỉ chuyên chở hàng nên mỗi lần tôi đụng vào không còn thấy bực bội vì xe thường hết xăng nữa”, ông Lê Trung Tư (56 tuổi), ba của Tuấn nói vui.

Diệp Phan/VE

Bài mới
Đọc nhiều