Ẩn ý của Thủ tướng đằng sau lời kêu gọi: ‘VĐV Việt Nam dự SEA Games cần thể hiện vai trò sứ giả hòa bình’
Một SEA Games thành công, với chiến thắng dành cho tất cả các quốc gia tham dự và những vận động viên luôn thể hiện tinh thần sứ giả hòa bình là lời khẳng định không thể tốt hơn về chính sách của Việt Nam: “làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới”, “tính đến lợi ích của các bên”.
Ngày 25/3 vừa qua, Tổng thống Biden đã gây sốc toàn thế giới khi ông nói với các binh lính Mỹ rằng “các bạn sẽ chứng kiến người dân Ukraine đang chiến đấu với quân đội Nga như thế nào khi các bạn đến đây”. Điều này gây chấn động bởi nó đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ gửi quân tham chiến với Nga tại Ukraine. Nhà Trắng sau đó phải nhanh chóng “chữa cháy” bằng việc khẳng định rằng dù ngài Biden “lỡ miệng” nhưng Mỹ sẽ không tham chiến.
Khi một cá nhân được bầu lên làm người lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia thì những lời nói và phát biểu của họ mọi lúc, mọi nơi luôn đại diện cho ý chí của bộ máy mà họ đứng đầu, và phải luôn luôn được cân nhắc. Chính vì vậy, lời phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây kêu gọi các vận động viên Việt Nam tham dự SEA Games phải thể hiện vai trò là sứ giả hòa bình đang gây nhiều chú ý. Trong bối cảnh toàn thế giới bị thu hút vào cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại, Việt Nam luôn thể hiện mình là một quốc gia trung lập, yêu chuộng hòa bình, luôn tính đến lợi ích hài hòa của tất cả các bên bất chấp các sức ép. Và dịp đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á, thời điểm hình ảnh Việt Nam được đưa tin nổi bật trong khu vực là cơ hội không thể tốt hơn để tiếp tục quảng bá thông điệp hòa bình này.
Trang Việt Tân khi bình luận việc này thì lu loa rằng, Thủ tướng “tào lao” vì “vận động viên thì liên quan gì đến sứ giả hòa bình”. Thế nhưng cũng ngay lập tức họ liên hệ câu nói “sứ giả hòa bình” của Thủ tướng với việc “Việt Nam bỏ phiếu trắng và phiếu chống loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền”. Điều này thể hiện họ hiểu, rất hiểu “hàm ý” của Thủ tướng là: Việt Nam phải thể hiện tinh thần hòa bình trong một sự kiện quốc tế do Nhà nước tổ chức như SEA Games, và các vận động viên cũng phải quán triệt tinh thần, ý chí đó. Vậy chúng ta thực hiện điều này như thế nào?
Nhắc đến SEA Games thì xưa nay mọi người đều có ấn tượng đây là một giải đấu “ao làng”. Lý do là bởi đã thành tiền lệ, các nước chủ nhà đăng cai luôn tìm cách “vơ vét” huy chương bằng cách hạn chế sức mạnh của đối phương, đặt ra nhiều quy định thi đấu trái khoáy nhằm có lợi cho mình, dẫn đến điều tiếng không hay về ngày hội thể thao lớn nhất trong khu vực. Các “giải pháp” thông thường là cắt giảm các môn thi đấu thế mạnh của đoàn khác, tăng số môn thế mạnh của mình. Điều này dẫn tới việc có những bộ môn thậm chí không đủ đội thi vì “không ai biết phải chơi như thế nào”. Đây là một trong những nguyên nhân khiến SEA Games chưa thể nâng tầm trở thành một giải đấu chuyên nghiệp với các môn thi đấu Olympic.
Thế nhưng, năm nay Việt Nam sẽ lựa chọn phần lớn những môn thể thao có trong Hệ thống Olympic vì mục tiêu phát triển chung. Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: “Việt Nam sẽ hướng đến một kỳ SEA Games công bằng, fair-play nhất trong lịch sử. Trong những cuộc họp trưởng đoàn các nước bàn về tổ chức các môn thi đấu, không có bất cứ quốc gia nào ý kiến về việc tổ chức các môn thi đấu của Việt Nam, dù những cuộc trước đó đã bàn rất căng thẳng về vấn đề này. Trên cơ sở nhận diện, Việt Nam gần như sẽ đi đầu và chỉ đạo không lấy huy chương bằng mọi giá, tức là không sử dụng bất cứ một kỹ thuật gì liên quan đến quá trình tổ chức trận đấu, kể cả công tác trọng tài”.
Với phương châm này thì chắc chắn SEA Games tại Việt Nam sẽ diễn ra với tinh thần “Fair play, công bằng, hòa bình, tính đến lợi ích của tất cả các bên”. Đây cũng là thông điệp quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy chia rẽ như hiện nay, nơi mà mọi quốc gia, mọi lĩnh vực bị lôi kéo vào những hành vi “tuyên chiến”. Thông điệp này càng quan trọng với thể thao, khi mà nhiều sự kiện đang bị tác động mạnh mẽ như việc các vận động viên Nga bị tẩy chay vô cớ, đến cả những sự kiện như thi cây đẹp, chó mèo đẹp cũng trở thành lời tuyên ngôn chính trị.
Có thể nói phát biểu của Thủ tướng chứa đựng một thông điệp quan trọng, kịp thời điểm, thể hiện phong cách kỹ trị, sâu sắc nhưng cũng rất “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng” như phương châm ngoại giao mà ông thường nhấn mạnh.
An Diễm