Ẩn ý của Kim Jong Un sau màn phô diễn tên lửa đạn đạo
Triều Tiên kết thúc đại hội toàn quốc của đảng cầm quyền bằng màn diễu binh hoành tráng, có cả sự xuất hiện của một mẫu tên lửa đạn đạo mới. Động thái dẫn đến nhiều đồn đoán về ẩn ý của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Các hình ảnh do hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 15/1 cho thấy, hàng nghìn người dân và binh sĩ đã tham gia lễ diễu binh ban đêm ở thủ đô Bình Nhưỡng, trước sự chứng kiến của ông Kim và các quan chức. Song, tâm điểm chú ý dồn vào mẫu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới, được KCNA mô tả là “vũ khí mạnh nhất thế giới”.
Tại lễ diễu binh, Bình Nhưỡng cũng cho trình làng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới giống SLBM và nhiều khả năng chạy bằng nhiên liệu rắn. Các chuyên gia cho biết, tên lửa dùng nhiên liệu rắn có thể được bắn trong thời gian ngắn hơn so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Theo CNN, sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Kim tuyên bố Triều Tiên đang theo đuổi các loại vũ khí tinh vi mới trong các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, vũ khí hạt nhân chiến thuật và đầu đạn tiên tiến được thiết kế để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Giới phân tích nhận định, các kế hoạch của nhà lãnh đạo Triều Tiên, kể cả phô diễn tên lửa là những dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai của bất kỳ cuộc đàm phán giải trừ vũ khí nào giữa Bình Nhưỡng và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
“Bất kể ai nắm quyền ở Mỹ, bản chất và tinh thần thực sự của chính sách chống Triều Tiên sẽ không bao giờ thay đổi. Việc phát triển vũ khí hạt nhân (của Triều Tiên) sẽ được đẩy mạnh không chút gián đoạn”, ông Kim nhấn mạnh hôm 9/11.
Các nhà quan sát lưu ý, cuộc diễu binh hôm 14/1 được tổ chức để kỷ niệm bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên, cuộc họp quy tụ giới tinh hoa nước này để đánh giá về những thành công và thất bại trong các năm qua cũng như đặt ra chương trình nghị sự cho tương lai gần. Các đại hội thường được tổ chức 5 năm một lần, nhưng cha ruột và cũng là người tiền nhiệm ông Kim cố Chủ tịch Kim Jong Il đã ngưng tổ chức sau năm 1980. Ông Kim khôi phục các đại hội vào năm 2016.
Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi đầu tuần này từng ám chỉ, Bình Nhưỡng có thể khép lại kỳ họp quan trọng bằng một cuộc diễu binh.
Trọng tâm đại hội lần thứ 8 của đảng cầm quyền Triều Tiên là tình hình kinh tế của đất nước. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu, các lệnh trừng phạt và thảm họa thiên nhiên đều cản trở mục tiêu đã nêu từ lâu của ông Kim về việc cải thiện mức sống cho mọi người dân Triều Tiên. Song, bối cảnh đó không ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển vũ khí đầy tham vọng của Bình Nhưỡng, bất kể những nguồn lực hạn chế trong nước.
“Ông Kim tiếp tục cho thế giới thấy rằng, bất chấp những khó khăn kinh tế của Triều Tiên trong năm qua, việc tập trung duy trì lực lượng hạt nhân và hiện đại hóa vũ khí thông thường vẫn chưa thay đổi”, Ankit Panda, thành viên cấp cao thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, một chuyên gia nghiên cứu về chương trình hạt nhân Triều Tiên bình luận.
Ông Panda tin, việc ra mắt SLMB là bằng chứng cho thấy sự tinh vi, phức tạp ngày càng tăng ở các tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn cỡ lớn của Triều Tiên. Học giả này cho rằng, động thái không chỉ nhằm phô diễn sức mạnh quân sự với thế giới bên ngoài mà còn là thông điệp ông Kim muốn gửi đến người dân trong nước.
Ông Panda giải thích, dù công khai thừa nhận các khó khăn kinh tế nhưng ông Kim có thể củng cố vai trò lãnh đạo của mình bằng cách chứng minh cho người dân ở Bình Nhưỡng, giới tinh hoa của Triều Tiên thấy ông vẫn có thể thực hiện quá trình hiện đại hóa quân đội.
Giới quan sát lưu ý, SLBM và các hệ thống vũ khí mới được ông Kim công bố đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau và gần như tất cả chúng sẽ cần được thử nghiệm để chứng thực khả năng hoạt động. Một vụ phóng thử tên lửa, đầu đạn hoặc thiết bị hạt nhân mới có thể thổi bùng căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ trong những ngày đầu nhậm chức của chính quyền Biden, vốn đang cần ưu tiên dập dịch Covid-19 và tình hình bất ổn chính trị chưa từng có trong nước.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận thấy tín hiệu trấn an khi Triều Tiên không phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, được thiết kế để phóng vũ khí hạt nhân đi khắp hành tinh, có khả năng chạm tới lãnh thổ Mỹ.
Các hệ thống vũ khí mới trình làng nhìn chung cũng được đánh giá không ấn tượng bằng loạt khí tài ra mắt hồi tháng 10/2020, khi Triều Tiên kỷ niệm 75 năm thành lập đảng cầm quyền. Cuộc diễu binh kết thúc sự kiện năm ngoái có cả sự xuất hiện của một tên lửa đạn đạo liên lục địa khổng lồ đến mức cần tới một chiếc xe tải 11 trục. Các chuyên gia tin thiết kế đồ sộ đồng nghĩa tên lửa có thể được trang bị nhiều đầu đạn.
Tuấn Anh/VNN