Những “con số biết nói” về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022
Trong điều kiện vô cùng khó khăn và nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, kinh tế cả nước đã đạt được những kết quả ấn tượng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực trên đà tăng trưởng trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động dần ổn định và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
ĐIỂM TỰA CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Ngày 04 đến ngày 11/01/2022
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022 và 2023, với quy mô 350.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP của Việt Nam.
Ngày 15/01/2022
Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0%. Trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Ngày 28/01/2022
Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH5 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022.
Ngày 30/01/2022
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với gói chính sách tài khóa khoảng 291 nghìn tỷ đồng.
Ngày 23/3/2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, giảm từ 50% – 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Ngày 21/5/2022
Chính phủ ban hành Nghị định 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến được gia hạn là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.
Ngày 28/5/2022
Chính phủ ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn ước tính khoảng 125.000 tỷ đồng…
ẤN TƯỢNG BỨC TRANH KINH TẾ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
– Tổng sản phẩm trong nước (GDP): Tăng 6,42%.
– Sản xuất công nghiệp: Tăng 8,48% (khai khoáng 2,28%; chế biến, chế tạo 9,66%; sản xuất và phân phối điện 6,10%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải 6,51%).
– Tình hình đăng ký doanh nghiệp: 76.233 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13,6%; 40.667 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 55,6%; 74.982 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 24,4%; 8.588 doanh nghiệp giải thể, giảm 13,6%.
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%.
– Khách quốc tế đến Việt Nam: 601.982 lượt người, tăng 582,2%.
– Hoạt động đầu tư: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội là 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Tổng vốn đăng ký: 14,03 tỷ USD giảm 8,1%; tổng vốn thực hiện: 10,06 tỷ USD, tăng 8,9%.
– Xuất nhập khẩu hàng hóa: Xuất khẩu đạt 185,94 tỷ USD tăng 17,3%; xuất khẩu đạt 185,23 tỷ USD tăng 15.5%; xuất siêu 710 triệu USD.
– Chỉ số CPI: Tăng 2,44%.
– Thu ngân sách: 932,9 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán năm.
YẾU TỐ NỀN TẢNG ĐẢM BẢO PHỤC HỒI KINH TẾ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2022
Những kết quả tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, các chính sách đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, do đó, cần tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình là hết sức quan trọng. Chính vì thế, đề xuất một số giải pháp sau:
– Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn.
– Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
– Tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở.
Diệu Hương