+
Aa
-
like
comment

Án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan: Chưa xong đâu!

Thành An - 13/04/2024 10:05

Bản án dành cho bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã khép lại một trong các phiên tòa gây chú ý nhất lịch sử tư pháp Việt Nam. Thế nhưng, vụ việc liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các sai phạm tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát là chưa kết thúc.

Bà Trương Mỹ Lan trước giờ tuyên án, chiều 11/4.

Chiều ngày 11/4, TAND TPHCM đã tuyên án bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức phạt 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Trước đó, HĐXX đã đưa ra quan điểm đánh giá về hành vi phạm tội của bà Lan và 85 bị cáo khác, hầu như chấp nhận toàn bộ quan điểm cáo buộc của Viện Kiểm sát, bác bỏ hết quan điểm của các bị cáo và luật sư.

Tòa xem xét rằng bà Lan có nhiều yếu tố giảm nhẹ như chưa có tiền án, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, có phẩm chất nhân đạo tốt, tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, và phòng chống dịch bệnh… Tuy nhiên, bà bị cáo với vai trò cầm đầu, phạm tội có tổ chức trong một thời gian dài; với các biện pháp tinh vi, phạm tội có tổ chức; gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng hoàn lại… vì vậy, tòa đã quyết định xử phạt nghiêm khắc.

Theo HĐXX, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bị cáo, tòa buộc bà Lan và các đồng phạm phải chịu trách nhiệm về pháp luật đối với số tiền thiệt hại là 498.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, bà Lan và các bị cáo phải bồi thường hơn 677.000 tỷ đồng (tổng số nợ của 1.284 khoản vay liên quan đến nhóm của bà Lan và Vạn Thịnh Phát, sau khi trừ đi một số khoản đã thanh toán sau thời điểm khởi tố còn là hơn 673.000 tỷ).

Bản án dành cho bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã khép lại một trong các phiên tòa gây chú ý nhất lịch sử tư pháp Việt Nam. Thế nhưng, vụ việc liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các sai phạm tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát là chưa kết thúc.

Theo quy trình tư pháp, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm có quyền thực hiện việc kháng cáo để tiếp tục dẫn đến phiên xử phúc thẩm nhằm xem xét lại bản án đã tuyên ở cấp sơ thẩm cũng như đánh giá bổ sung các tình tiết mới, mà ở đó việc khắc phục hậu quả của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm sẽ là yếu tố để phiên tòa phúc thẩm xem xét có giảm án cho các bị cáo hay không.

Thêm nữa, việc khắc phục hậu quả mà những sai phạm do bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây ra chắc chắn sẽ kéo dài từ vài năm đến chục năm nữa. Trong đó việc giải quyết các tài sản mà bản án cấp sơ thẩm đã quyết định giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý là 1.122 mã tài sản đang được thế chấp.

Nằm bên bờ sông Sài Gòn, tòa nhà Saigon One Tower (màu hồng) là một trong hàng nghìn bất động sản của Vạn Thịnh Phát đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an cũng đã tạm giữ hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Trong số này, có 14,5 triệu USD bà Lan chuyển cho Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village, nhằm mục đích nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do Việt làm chủ đầu tư; Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương cũng đã tự nguyện chuyển gần 415 tỷ đồng – một phần trong tổng số hơn 120 triệu cổ phần của công ty mà bà Lan đã giao cho các cá nhân nắm giữ gần 70% vốn điều lệ….

Các cơ quan tố tụng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ – tổng cộng gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD; hạn chế giao dịch đối với số dư gần 790 tỷ đồng trong tài khoản mở tại SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Có tổng cộng 1.237 tài sản bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Lan đã bị tạm kê biên, bao gồm một loạt tòa nhà ở các quận 1, 3, 5…; 8 tài sản bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan đến thỏa thuận hợp tác giữa bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Tuần Châu; 857 triệu cổ phần thuộc sở hữu của bà Lan và các cá nhân khác đang đứng tên tại SCB; hơn 137 triệu cổ phần của 5 công ty thuộc sở hữu của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan; một du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô…

Biệt thự cổ rộng gần 3.000 m2, được bà Trương Mỹ Lan mua lại với giá 700 tỷ đồng, nằm ở ba góc đường Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu (quận 3).

Ngoài ra, ở giai đoạn hai của vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân. Ngoài ra, bà Lan và nhiều bị can còn bị điều tra tội Rửa tiền.

Kết quả điều tra xác định từ năm 2018-2020, các nghi phạm có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.

Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư. Do số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn nên C03 đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

Từ đó cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm là cực kỳ nghiêm trọng, gây thiệt hại số tiền rất lớn cũng như ảnh hưởng đến số lượng nạn nhân lên đến hàng chục nghìn người. Qua đó cũng cho thấy sự khó khăn trong việc xử lý các hậu quả mà hành vi đó để lại là rất phức tạp, cần sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan Nhà nước trong thời gian tới.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều