Ăn Tết nhưng không quên nhiệm vụ
Trong bối cảnh người dân cả nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023 tưng bừng bên người thân và bạn bè thì công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được triển khai và đẩy mạnh từng ngày. Nhất là trong thời điểm các biến thể phụ của Omicron xuất hiện ngày một nhiều và làm dấy lên mối lo ngại về một làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới.
Kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 11.385.587 ca nhiễm, 10.610.481 người khỏi bệnh, 731.984 bệnh nhân đang điều trị và 43.178 ca tử vong. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.480 ca nhiễm). Theo đánh giá của ngành Y tế thì số lượng ca mắc Covid-19 trong thời gian qua đã có xu hướng giảm mạnh, cùng với đó là tỷ lệ bao phủ vaccine ngày càng tăng cao. Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng dành cho người dân Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng.
Tuy nhiên, mặc dù số lượng ca mắc Covid-19 đã không còn tăng cao như thời điểm năm 2020-2021, thế nhưng tình hình diễn biến dịch trên thế giới vẫn vô cùng phức tạp. Đặc biệt là khi gần đây các nhà khoa học đã phát hiện thêm biến thể phụ của siêu virus Omicron có tên là XBB.1.5. Đây là chủng virus có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay và đã có mặt trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Không những thế, thời tiết dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khá ấm áp và là điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của các loại tác nhân gây bệnh như Covid-19, sởi, quai bị, thủy đậu, cúm, não mô cầu,… gia tăng và có thể gây thành dịch với các quy mô khác nhau.
Chính thế, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan mạnh trong bối cảnh người dân cả nước cùng nhau trở về quê du xuân ăn Tết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 05/CĐ-TTg ngày 08/01/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội 2023. Công điện nhấn mạnh lãnh đạo chính quyền địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời phải tăng cường giám sát khu vực cửa khẩu và du khách nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch. Điều này là để nhằm hạn chế sự lây lan của chủng mới, đồng thời giúp cho cơ quan y tế phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chuẩn bị các nội dung phòng, chống dịch chi tiết, sẵn sàng kích hoạt các biện pháp kịp thời nếu có trường hợp bệnh dịch lây lan. Trong đó, tập trung giám sát, tổ chức triển khai hiệu quả việc tiêm vaccine phòng Covid-19, đảm bảo công tác thu dung điều trị; chú trọng việc thông tin tuyên truyền, phù hợp. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa khẩu trở lại, tiềm ẩn nguy cơ cao về tình hình dịch bệnh phức tạp lây lan thông qua nhu cầu giao thương, vui chơi dịp Tết.
Bài học về phong tỏa Covid-19 của Trung Quốc vẫn còn đó và nếu Việt Nam không áp dụng các biện pháp chống dịch kịp thời hoặc lơ là cảnh giác thì chúng ta hoàn toàn có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì thế, vui Tết là một chuyện nhưng chống dịch là một hành trình và không nên vì một phút vui vẻ mà quên đi nhiệm vụ.
Minh Thanh