+
Aa
-
like
comment

An ninh năng lượng cho Việt Nam nhìn từ sai lầm địa chính trị của Đức

Huy Hoàng - 19/08/2022 11:14

Vừa qua, phó thủ tướng Đức Robert Habeck lên tiếng trước giới truyền thống khẳng định rằng Đức sẽ không bao giờ trở lại phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ Nga. Rằng nước Đức sẽ rời bỏ hoàn toàn việc sử dụng nguồn cung năng lượng đến từ Nga kể cả khi phải trả một cái giá rất đắt. Sự quyết liệt từ lời nói cho đến hành động đã cho thấy rằng giới chính trị Đức đang nỗ lực sửa chữa sai lầm địa chính trị lớn nhất trong lịch sử của mình. Vậy sai lầm này của Đức nhắc nhở chúng ta gì về an ninh năng lượng?

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: AFP).

Nước Đức và bài học đắt giá về an ninh năng lượng

“Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm” giờ đây đã trở thành khẩu hiệu của giới chính trị gia Đức trong việc kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm năng lượng. Do Đức trụ cột của Châu Âu đang phải đi đầu cai nghiện nguồn cung khí đốt từ Nga. Ngoài tiết kiệm ra thì gần như nước Đức đã không còn một giải pháp nào khả thi hơn vào lúc này. Mùa đông đang đến gần và chỉ có tiết kiệm thì mới đủ sống sót qua mùa đông.

Nước Đức đã có hơn hai thập kỷ phát triển không ngừng, tăng trưởng nóng nhưng cũng để lại không ít hệ lụy. Trong số đó là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga. Có những thời điểm Đức đã có cơ hội để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho mình, nhưng họ đã không làm. Thậm chí, dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, bà còn vận động đóng cửa hết các nhà máy điện hạt nhân ở Đức, trong khi lại không mở rộng thêm mạng lưới năng lượng tái tạo để bù đắp thâm hụt. Kết quả là Đức càng phải nhập thêm nguồn khí đốt từ Nga, từ từ biến Đức trở thành khách hàng mua khí đốt của Nga lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga. Và nay khi Nga khóa van, chỉ một động tác nhỏ thôi cũng đã đủ khiến một nước Đức hùng mạnh đứng trước nguy cơ dễ bị tổn thương về kinh tế.

Hôm 15/8, Phó thủ tướng Đức Robert Habeck đã phát biểu rằng: “Đức đã phát triển một mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ Nga. Nhưng nay thành công này đã thất bại và nó sẽ không bao giờ trở lại”. Lời của ông Robert Habeck ám chỉ rằng nước Đức dưới thời thủ tướng Olaf Scholz sẽ thực thi mọi chính sách để mang lại độc lập năng lượng cho quốc gia, bất kể cái giá phải trả có lớn đến đâu đi chăng nữa. Ông Robert Habeck cáo buộc rằng Nga đã sử dụng năng lượng như một vũ khí để chống lại Châu Âu. Nên dù mọi thứ có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa Đức vẫn phải dốc sức thoát phụ thuộc năng lượng Nga.

Giờ đây, song song với việc tiết giảm tối đa mức tiêu thụ, chính phủ Đức đã mạnh tay khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than, bất chấp những tác động nặng nề tới nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của nước này. Bên cạnh đó, tại cuộc họp báo ngày 11/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đề xuất xây đường ống dẫn khí đốt từ Bồ Đào Nha qua Pháp đến Trung Âu để giúp khu vực giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Ngoài ra Đức cũng cho biết các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang được xây dựng ở Biển Bắc, dự kiến sẽ hoạt động đầu năm 2023.

Tất nhiên, mọi thành quả đều cần phải trả giá. Đầu tiên là việc xây dựng đường ống sẽ tốn rất nhiều chi phí, thứ hai thay thế bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng không hề rẻ, tái khởi động điện than thì lại làm phát sinh chi phí môi trường, … Đức chắc chắn sẽ phải chịu áp lực do chi phí leo thang trong khi đồng Euro thì mất giá, nền kinh tế thì đang trên bờ vực suy thoái do khủng hoảng năng lượng. Giai đoạn chuyển tiếp mới này chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Đức chịu cú sốc.

Sai lầm của nước Đức cũng chính là bài học cho những nước đang phát triển như Việt Nam, rằng trong quá trình phát triển kinh tế phải luôn lấy yếu tố bền vững làm tiêu chí hàng đầu. Trong đó an ninh năng lượng phải là yếu tố đầu tiên cần tính đến, việc mua năng lượng bên cạnh vấn đề giá cả ra còn phải quan tâm đến việc mua nó từ ai. Cần đặt ra nguyên tắc trong lĩnh vực nhạy cảm này là không nên mua từ những ai có thể dùng nó để chống lại hoặc kiểm soát mình.

Và để làm được điều đó Việt Nam cần duy trì đa dạng nguồn cung nhập khẩu, tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn là phải nâng cao năng lực sản xuất trong nước và hạn chế tối đa nguồn cung từ bên ngoài. Đặc biệt là phải tiến hành ngay trong những năm đầu nền kinh tế bắt đầu tăng tốc. Trong cuộc làm việc hồi tháng 4 với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để xảy ra tình trạng phụ thuộc bên ngoài, phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội…

Tiếp theo đó, truyền thông cũng cần vào cuộc để kêu gọi sự chung tay đồng thuận từ người dân. Bởi giá nhiên liệu rẻ thường “gây nghiện”. Hiện tại trước nỗ lực của Chính phủ, người dân đang được hưởng lợi rất lớn, thế nhưng ngân sách nhà nước có hạn, chiến sự thì không biết khi nào xảy ra. Chính vì thế buộc phải chấp nhận câu chuyện giảm bớt lợi ích cá nhân để đạt tới lợi ích cho quốc gia, cho dân tộc.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều