An ninh lương thực toàn cầu đang ở “thời điểm quyết định”
Sự bất ổn trong an ninh lương thực toàn cầu đã bắt đầu từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và thời tiết khắc nghiệt do hiện tượng El Nino đã gây suy giảm sản lượng gạo. Giờ đây, giá gạo đang tăng vọt khiến những người dễ bị ảnh hưởng nhất ở các quốc gia nghèo nhất đối diện với nhiều thách thức tiềm ẩn.
“Giai đoạn quyết định”
Trong nhiều năm, giá lúa gạo trồng tại Kenya đã tăng đột ngột do chi phí phân bón tăng cao và hạn hán liên tục xảy ra ở vùng Sừng châu Phi, làm giảm sản lượng.
Francis Ndege, một chủ cửa hàng gạo tại Kenya, đang lo ngại về khả năng khách hàng trong khu vực nghèo nhất châu Phi không đủ khả năng mua gạo từ cửa hàng của anh.
Gạo giá rẻ từ Ấn Độ đã đáp ứng nhu cầu và cung cấp cho nhiều người trong khu phố Kibera, Nairobi, nơi hàng trăm nghìn người sống dưới mức thu nhập 2 USD mỗi ngày.
Tuy nhiên, sự ổn định này đang bị đe dọa. Giá của một bao gạo 25 kg đã tăng một nửa kể từ tháng 6. Các nhà cung cấp gạo bán buôn chưa nhận được nguồn cung mới kể từ khi Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thông báo rằng họ sẽ hạn chế xuất khẩu gạo.
Động thái này của Ấn Độ nhằm kiểm soát giá trong nước trước năm bầu cử quan trọng. Tuy nhiên, nó để lại một lỗ hổng trong nguồn cung gạo toàn cầu, khoảng 9,5 triệu tấn, chiếm 1/5 nhu cầu xuất khẩu trên thế giới.
Francis Ndege, người đã bán gạo trong hơn 30 năm, nói: “Tôi rất hy vọng rằng việc nhập khẩu gạo sẽ tiếp tục cho Kenya”.
Sự an toàn lương thực toàn cầu đang bị đe dọa khi Nga tạm ngừng cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì và hiện tượng thời tiết El Nino cản trở sản xuất lúa gạo. Giá gạo đang tăng đột ngột, ảnh hưởng đến những người yếu thế nhất trong các quốc gia nghèo.
Beau Damen, một quan chức tài nguyên thiên nhiên tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ở Bangkok, cho biết an ninh lương thực thế giới đang ở trong “giai đoạn quyết định”.
“Không muốn đánh liều”
Ngay cả trước khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm, các quốc gia đã gia tăng dự trữ gạo vì dự đoán về thiếu hụt khi hiện tượng El Nino xảy ra, dẫn đến cuộc khủng hoảng cung cấp và tăng giá.
Tình hình có thể trở nên xấu đi hơn nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ lan rộng và gây ra hiệu ứng lan truyền, khiến các quốc gia khác bắt đầu thực hiện biện pháp tương tự. Hiện tại, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tạm ngưng xuất khẩu gạo để bảo đảm duy trì nguồn cung gạo trong nước. Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn do thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại cho cây lúa ở nhiều quốc gia.
El Nino là một hiện tượng thời tiết nóng lên tự nhiên, xuất hiện tạm thời và không đều đặn tại một phần của Thái Bình Dương. Trong quá khứ, hiện tượng này đã gây ra các biến đổi thời tiết cực đoan, từ hạn hán đến lũ lụt.
Với tiêu thụ gạo đang tăng đều đặn tại châu Phi và nhu cầu nhập khẩu gạo của hầu hết các quốc gia tại khu vực này, tình hình trở nên phức tạp hơn. Mặc dù nhiều quốc gia như Senegal đang cố gắng tăng sản xuất nội địa, nhiều người dân vẫn đối diện với khó khăn.
Amadou Khan, 52 tuổi, một người cha 5 con và thất nghiệp tại Dakar, chia sẻ rằng do không có việc làm, con cái ông đã phải bỏ bữa ăn sáng. Gạo nhập khẩu, chiếm tới 70% nguồn cung, đã trở nên đắt đỏ ở Senegal. Khan và gia đình phải chấp nhận mua gạo nội địa với giá cao hơn 2/3 so với gạo nhập khẩu.
Mamadou Aïcha Ndiaye, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, cho biết Senegal sẽ tìm kiếm các đối tác thương mại khác như Thái Lan hoặc Campuchia để nhập khẩu gạo, mặc dù Senegal đang tiến gần đến khả năng tự cung tự cấp gạo với hơn một nửa nhu cầu được sản xuất trong nước.
Trong khi đó, các nước châu Á, nơi sản xuất và tiêu thụ gạo chiếm 90% tổng lượng sản xuất toàn cầu, đang đối mặt với khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
Cụ thể, Philippines đang đề phòng trước tình hình thời tiết không thuận lợi trong bối cảnh El Nino, đặc biệt sau cơn bão nhiệt đới Doksuri đã gây thiệt hại cho vụ lúa gạo phía Bắc nước này, dự kiến ước tính lỗ 32 triệu USD – tương đương 22% sản lượng hàng năm của Philippines.
Đối với Việt Nam, một quốc gia có vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo khu vực, khi giá xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất trong 15 năm và dự kiến sản lượng năm nay sẽ cao hơn một chút so với năm trước. Việt Nam đang nỗ lực duy trì ổn định giá trong nước và đồng thời tăng cường hoạt động xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Việt Nam thông báo đang tạo điều kiện để mở rộng diện tích trồng lúa thêm khoảng 500 km2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại thời điểm hiện tại, Philippines đang thương thảo với Việt Nam để tìm cách mua gạo với giá thấp hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tìm cách tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, nơi có nguồn cung gạo chủ yếu từ Ấn Độ.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu như Charoen Laothamatas từ Thái Lan đang theo dõi tình hình một cách cảnh giác. Chính phủ Thái Lan dự định xuất khẩu nhiều gạo hơn so với năm trước, với mức tăng 15% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, không rõ ràng về các biện pháp tiếp theo của Ấn Độ và lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino có thể khiến các nhà xuất khẩu Thái Lan cân nhắc trước khi chấp nhận các đơn đặt hàng.
Trước sự biến đổi của giá cả, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc xác định mức giá bán, bởi vì có thể giá sẽ tăng đột ngột sau đó. Charoen Laothamatas cũng chia sẻ: “Không ai muốn đánh liều”.
Tuệ Ngô