“Ăn không từ thứ gì…” và “còn cái lai quần cũng…. chén!”
Một huyện không giàu thuộc một tỉnh không giàu, có khoảng gần 180 ngàn dân, gần 36 ngàn hộ chỉ mấy năm, riêng ăn tiêu, khách khứa, mua sắm mà nợ đến hơn 50 tỉ đồng thì không còn ngôn từ nào để nói…
Theo báo chí, với “việc chi tiêu vô tội vạ khiến nhiều năm qua, Huyện ủy cũng như UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) lâm vào cảnh “nợ như chúa Chổm” với số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Đây là khoản nợ chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 – 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Cả hai vị này hiện đã nghỉ hưu.
Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra… cho đến người làm việc cho nhà ăn của UBND huyện Yên Định đều lâm vào cảnh bị UBND huyện, Huyện ủy nợ tiền.
Theo đó, Huyện ủy Yên Định nợ khoảng 29 tỷ đồng, , UBND huyện nợ khoảng 23 tỉ đồng. Tổng số khoảng 52 tỉ đồng. Một con số kinh hoàng.
52 tỉ đồng lớn lắm. Nó xây được khoảng 50 trường và điểm trường. Làm được cũng khoảng ngần ấy cây cầu cho vùng sâu, vùng xa. Nó có thể xóa đói, giảm nghèo cho khoảng 5.000 hộ (mỗi hộ 10 triệu đồng) dành cho tăng gia, sản xuất.
Theo ông Lưu Vũ Lâm, đương kim Chủ tịch UBND huyện Yên Định, nó đã chi cho các việc “sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện…”.
Đọc thông tin trên, không khỏi đau xót và xấu hổ!
Đau xót bởi rồi lại đổ lên đầu dân. Đau xót còn bởi thương những nhà hàng, chủ nợ bởi mệnh giá cách đây 5-7 năm khác nhiều so với bây giờ và chưa biết có đòi được không? Bao giờ thì đòi được?
Và xấu hổ cho 2 cơ quan đứng đầu của huyện bị làm “con nợ”. Mà ở đời, đã là “con nợ” thì làm sao mà “lãnh đạo”, mà “làm gương”, mà nói dân tin?
Xấu hổ bởi cơ quan công quyền mà: “Tết Nguyên Đán vừa qua, những người cho vay đã tìm đến huyện để gây áp lực và đòi nợ” như lời than thở của ông Chủ tịch Lâm.
Tóm lại, nợ dân thì phải trả. Cơ quan công quyền không thể “quỵt nợ”.
Vậy ai trả? Ai vay người đó trả.
Trước mắt, theo tôi, một mặt cần rà soát lại tất cả các khoản nợ, ưu tiên xử lý những khoản hợp lý, có đủ hóa đơn, chứng từ…
Mặt khác, cần xử lý nghiêm khắc những cán bộ liên quan, thu hồi tài sản để trả nợ đồng thời có hình thức kỉ luật nghiêm khắc, đặc biệt là với những người đứng đầu hai cơ quan trên. Chuyển công tác cũng xử lý. Về hưu cũng xử lý.
Và cần trả lời câu hỏi: Tiêu gì mà lắm thế? Ăn gì mà lắm thế?
Phải chăng “người ta” không chỉ “ăn không từ thứ gì” như lời của bà Nguyễn Thị Doan khi còn làm Phó Chủ tịch nước mà “còn cái lai quần cũng… chén” như dân gian thường nói?
Bùi Hoàng Tám/DT