An Giang xây nhà hát 230 tỷ đồng: Tránh vết xe đổ
Chủ đầu tư Nhà hát tỉnh An Giang nghiên cứu kỹ phương án sử dụng, tránh lãng phí, bỏ không như một số địa phương khác.
Sáng ngày 23/9/2020, trao đổi với PV, ông Nguyễn Khánh Hiệp – Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang cho biết, Nhà hát tỉnh An Giang do đơn vị làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng ngày 22/9 với tổng kinh phí vào khoản 230 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách tỉnh.
Theo dự án, Nhà hát tỉnh An Giang sẽ hoàn thành vào tháng 9/2022. Công trình Nhà hát tỉnh được xây dựng trên diện tích 16.328 m2, tọa lạc tại phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên).
Nhà hát tỉnh An Giang bao gồm các hạng mục: Khối chính (Khối nhà hát), khối trụ sở chính (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang); và các công trình phụ trợ: đường giao thông, đường dạo bộ, sân khấu ngoài trời – khán đài, quảng trường, hồ nước cảnh quan, cây xanh…
Ông Hiệp chia sẻ: “Nhà hát là ước mơ của người dân và chính quyền tỉnh An Giang từ nhiều năm nay. Mục tiêu có một thiết chế văn hóa mang tầm quy mô lớn đã được tỉnh An Giang đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2020 nhưng cho đến nay mới thực hiện được.
Khi công trình này được khởi công, mọi người đều kỳ vọng, hào hứng về một nơi lưu giữ lại bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân; tạo sân chơi giao lưu, sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ văn, nghệ sĩ và các phong trào văn nghệ quần chúng, trung tâm tổ chức sự kiện chính trị của tỉnh nhà”.
Bên cạnh niềm kỳ vọng lớn đó thì nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chi 230 tỷ đồng xây dựng nhà hát trong bối cảnh khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh là điều chưa cần thiết.
Đặc biệt, nhiều công trình văn hóa lớn ở một số tỉnh thành được xây dựng nhưng lại không sử dụng hết công năng, thậm chí trở thành quán cà phê, cho đơn vị khác thuê lại làm nơi tổ chức tiệc cưới hỏi… sẽ rất lãng phí và gây mất hình ảnh của địa phương.
Trước vấn đề này, Giám đốc Sở VHTT&DL An Giang cho rằng: “Đối với một trình mang quy mô lớn, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì số tiền 230 tỷ đồng cũng không phải là nhiều.
Tỉnh cũng xác định trong bối cảnh khó khăn nên bước đầu chỉ bố trí 10 tỷ đồng cho dự án. Nguồn tiền còn lại được bố trí vào nguồn đầu tư trung hạn của tỉnh để bổ sung vào giai đoạn sau” – ông Hiệp chia sẻ.
Khi nghiên cứu thực hiện dự án nhà hát tỉnh, Sở VHTT&DL An Giang cũng đã tìm hiểu rất kỹ để sử dụng hết công năng, tránh đi lại “vết xe đổ” của một số tỉnh thanh khác.
“Công trình mang tên nhà hát nhưng thực tế thì không chỉ có nhà hát mà là trung tâm văn hóa của toàn tỉnh. Ngoài việc phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân thì đây còn là nơi làm việc của một số cơ quan, trung tâm tổ chức các sự kiến lớn của tỉnh nhà.
Tôi tin rằng, với một công trình có nhiều công năng thì không thể bị lãng phí, bỏ không như các bảo tàng, nhà hát ở một số tỉnh. Chúng tôi là chủ đầu tư nên phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, UBND tỉnh về vấn đề này nên sẽ có một kế hoạch cụ thể được xây dựng về việc sử dụng công trình khi hoàn thành” – ông Hiệp bày tỏ.
Ngọc Vân/ĐV