Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo, “hạt lộc trời” Việt Nam đứng trước cơ hội vàng?
Các trận mưa lớn và lũ lụt ở Punjab và Haryana, cùng với thiếu mưa ở các bang miền Nam, đe dọa ảnh hưởng đến vụ thu hoạch lúa tại Ấn Độ, trong bối cảnh lo ngại về hiện tượng El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo đã được áp đặt, gây tăng giá ngũ cốc toàn cầu và đưa ra dự báo về khả năng tăng lạm phát lương thực.
Ấn Độ “gặp nạn”
Theo các chuyên gia, việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu các loại gạo, ngoại trừ gạo basmati được sản xuất tập trung cho xuất khẩu, với lý do giá trong nước tăng cao và lo ngại về sự thiếu hụt năng suất vụ tới, có thể đẩy giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu, xuất khẩu đến khoảng 140 quốc gia. Trong thông báo lệnh dừng xuất khẩu hôm 20.7, Chính phủ Ấn Độ cho biết, giá gạo trong nước đã tăng 11,5% trong năm qua và 3% trong tháng qua. Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng cho hay, đã sửa đổi chính sách xuất khẩu “nhằm đảm bảo có đủ gạo và để giảm giá ở thị trường nội địa”. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Động thái của Ấn Độ diễn ra vài ngày sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép ngũ cốc Ukraina đi qua Biển Đen an toàn.
“Tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu. Điều này xảy ra ngay sau khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn” – Harish Damodaran, biên tập viên nông nghiệp của báo The Indian Express, bình luận.
Với lệnh cấm mới nhất, khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu, tương đương khoảng 10 triệu tấn gạo của Ấn Độ sẽ thiếu hụt trên thị trường quốc tế.
Theo các nhà phân tích, Ấn Độ khó có thể nới lỏng các hạn chế sớm khi nước này đang vật lộn với lạm phát lương thực. Giá lương thực tăng là một vấn đề nhạy cảm đối với Chính phủ Ấn Độ khi nước này chuẩn bị tổ chức một loạt cuộc bầu cử cấp bang quan trọng vào cuối năm nay và cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 4 năm tới.
Giá gạo và lúa mì là mối quan tâm đặc biệt ở một quốc gia mà ngũ cốc là một phần chủ yếu trong chế độ ăn uống của những người có thu nhập thấp.
Các nhà phân tích nhìn nhận, mặc dù Ấn Độ có đủ lượng gạo dự trữ cho 1,4 tỉ dân của mình, song vẫn có những lo ngại rằng, thời tiết thất thường có thể gây thiệt hại cho vụ lúa tiếp theo, được trồng vào tháng 6 và thu hoạch vào tháng 9.
Theo chuyên gia nông nghiệp Devinder Sharma, các trận mưa lớn và lũ lụt đã xảy ra ở Punjab và Haryana – hai bang chính cung cấp gạo cho Ấn Độ. Trong khi đó, các bang miền Nam, không có hệ thống tưới tiêu, đang gặp khó khăn vì thiếu mưa. Do đó, tình hình vụ thu hoạch lúa tiếp theo có thể thay đổi hoàn toàn.
Ông Sharma cũng nhấn mạnh về lo ngại về hiện tượng El Nino – hiện tượng thời tiết thường gây khô hanh, nóng và ít mưa hơn ở châu Á, nơi trồng chủ yếu lúa gạo trên toàn cầu. Điều này làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung gạo – nguồn lương thực quan trọng cho hơn 3 tỷ người trên khắp thế giới.
Chỉ trong vòng một tuần sau khi Ấn Độ ban bố lệnh cấm, cả Nga và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng thông báo tạm ngừng xuất khẩu gạo.
Giá gạo trên toàn cầu, đã có sự gia tăng, có thể tăng lên mức kỷ lục. Chỉ số giá gạo do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố hàng tháng đã tăng 14% tính đến tháng 6. Đây là mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.
Theo Reuters, ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu một số loại gạo có thể gây thêm sự gia tăng của lạm phát giá lương thực. Ông dự báo giá ngũ cốc trên toàn cầu có thể tăng từ 10-15% trong năm nay.
Cơ hội cho Việt Nam?
Không chỉ riêng Ấn Độ, Nga và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) mới đây đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Trước việc hàng loạt nước trên thế giới tạm dừng xuất khẩu gạo, “hạt gạo” Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) của Chính phủ Ấn Độ đã gây ra sự tăng mạnh về giá lúa gạo tại Việt Nam chỉ trong một tuần. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 558 USD/tấn, đồng thời giá bán lẻ gạo trong nước cũng đã tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg.
Tình hình này đã kéo theo việc giá lúa gạo trong nước liên tục tăng, đặc biệt tại các khu vực miền Tây nơi giá lúa đã tăng thêm 400 – 500 đồng/kg, đạt mức 7.000 – 7.200 đồng/kg. Các thương lái cho rằng, sự tăng giá đột ngột này là kết quả của việc nhiều đầu mối và doanh nghiệp đang gom hàng, tạo nên một thời cơ tốt cho người nông dân tăng thu nhập cũng như cho các doanh nghiệp có cơ hội hợp đồng mới và tăng doanh thu.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định rằng việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo đã tạo ra tác động tích cực cho thị trường gạo trong nước. Trong ngữ cảnh khó khăn của xuất khẩu nông sản, điều này đang trở thành điểm sáng và cơ hội quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt và tận dụng. Việt Nam hiện đứng trong số ba quốc gia lớn nhất thế giới về xuất khẩu gạo.
Thêm vào đó, với thông tin về việc cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng đang chuyển sự chú ý sang Việt Nam và Thái Lan để tìm kiếm phương án thay thế, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết biến đổi và tác động lớn của hiện tượng El Nino đang ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa gạo trên toàn cầu.
Mặc dù xem việc Chính phủ Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu là một cơ hội quan trọng cho ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam cũng đã đưa ra cảnh báo rằng điều này đã gây ra sự xáo trộn. Trong bối cảnh hiện tại, khi Việt Nam đang ở trong mùa thu hoạch mùa hè, và doanh nghiệp đã ký nhiều hợp đồng, thông tin bất ngờ này yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải linh hoạt trong việc ứng phó.
Tuệ Ngô