Lộ diện siêu vũ khí có thể “thay đổi cuộc chơi” ở Ladakh: Trái đắng dành cho TQ?
Ấn Độ nhận bàn giao 5 tiêm kích Rafale đầu tiên do Pháp chế tạo và sẽ triển khai chúng ở căn cứ cách biên giới Trung Quốc 200 km.
Tập đoàn quốc phòng Pháp Dassault thông báo các phi công Ấn Độ đã điều khiển 5 tiêm kích Rafale cất cánh từ sân bay Merignac, tây nam Pháp, để bay về nước hôm nay.
Biên đội này sẽ thực hiện nhiều đợt tiếp dầu trên không và hạ cánh nghỉ ngơi tại căn cứ không quân Al Dhafra ở Các tiểu vương quốc Arab Thống Nhất. Chúng sẽ được điều động đến căn cứ Ambala ở miền bắc Ấn Độ, cách biên giới Trung Quốc và Pakistan khoảng 200 km vào ngày 28/7.
“Chúng tôi sẽ tập trung đưa những tiêm kích này vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu sớm nhất có thể, ngay sau khi chúng đến nơi”, không quân Ấn Độ ra thông cáo cho biết.
Ấn Độ năm 2016 ký thỏa thuận trị giá 8,7 tỷ USD mua 36 tiêm kích Rafale do tập đoàn Dassault Aviation của Pháp sản xuất. Theo thỏa thuận ban đầu, lô tiêm kích Ấn Độ sắp nhận gồm 4 chiếc, song đã tăng lên 6 chiếc sau khi không quân nước này đàm phán lại với Dassault Aviation.
Các tiêm kích Rafale sẽ được tùy biến theo yêu cầu của Ấn Độ, bao gồm màn hình hiển thị trên mũ phi công do Israel sản xuất, thiết bị cảnh báo tín hiệu radar, thiết bị gây nhiễu băng tần thấp, hệ thống ghi dữ liệu bay trong 10 tiếng, hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại.
Động thái diễn ra sau khi quá trình đàm phán rút quân giữa hai nước thất bại và quân đội Trung Quốc điều thêm gần 50.000 quân tới khu vực Aksai Chin. Ảnh vệ tinh cho thấy lượng lớn binh sĩ Trung Quốc tập trung tại khu tự trị Tây Tạng và một số đường hầm có thể được dùng để cất giấu thiết bị. Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh dường như sẵn sàng cho đợt triển khai quân dài ngày trong mùa đông khắc nghiệt ở địa hình núi cao thuộc dãy Himalaya.
Ấn Độ và Trung Quốc nhiều lần tổ chức đàm phán quân sự và ngoại giao sau vụ ẩu đả chết người hôm 15/6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và nhiều lính Trung Quốc thương vong. Tuy nhiên, hai nước chỉ đạt được đồng thuận về việc rút quân khỏi khu vực thung lũng Galwan.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết Trung Quốc chưa rút lực lượng khỏi khu vực hồ Pangong Tso và thung lũng Depsang. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết lính Trung Quốc đã xâm nhập 8 km vào lãnh thổ nước này tại khu vực thung lũng Depsang.
Căng thẳng trên biên giới Ấn – Trung leo thang từ cuối tháng 4, khi Trung Quốc đưa hàng nghìn binh sĩ cùng xe cơ giới và pháo vào khu vực tranh chấp dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc một mặt đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trong khu vực, mặt khác tìm cách cản trở Ấn Độ nâng cấp các căn cứ quân sự của nước này.
Hoài Nam (t.h)