+
Aa
-
like
comment

Ấn Độ ký hợp tác quân sự với Nhật Bản giữa lúc căng thẳng với TQ

11/09/2020 09:15

Ấn Độ và Nhật Bản đã ký Hiệp định trao đổi hậu cần giữa lực lượng vũ trang 2 nước, động thái được giới quan sát cho rằng nhằm ứng phó tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ấn Độ ký hợp tác quân sự với Nhật Bản giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc - 1
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Abe Shinzo gặp nhau hồi tháng 6/219 (Ảnh: Reuters)

Nikkei đưa tin, 2 nước trên đã ký hiệp định trao đổi hậu cần quốc phòng vào ngày 9/9, sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Abe Shinzo điện đàm.

“Hai lãnh đạo đồng tình rằng thỏa thuận sẽ giúp phát triển hợp tác quốc phòng giữa hai nước theo chiều sâu và đóng góp vào hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương “, thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

Động thái diễn ra trong bối cảnh ông Abe dự kiến sẽ rời vị trí thủ tướng vào tuần tới vì lý do sức khỏe. Quan hệ giữa 2 quốc gia đã gần gũi hơn dưới sự lãnh đạo của 2 ông Abe và Modi.

Theo thông báo của chính phủ Nhật Bản, ông Abe nói rằng cả 2 thủ tướng đều đang có những hành động “hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở”.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, thỏa thuận quân sự “cũng sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang của Ấn Độ và Nhật Bản, qua đó tăng cường hơn nữa các cam kết quốc phòng song phương trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt và Toàn cầu giữa hai nước”.

Hồi tháng 6, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận tương tự với Australia nhằm hỗ trợ hậu cần lẫn nhau. Thỏa thuận này cho phép, quân đội 2 nước tiếp cận căn cứ quân sự của nhau.

Cả 2 thỏa thuận mà Ấn Độ ký với Australia và Nhật Bản được cho sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác giữa 4 nước “Bộ tứ Kim cương”, gồm cả Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng sự gia tăng hợp tác giữa 4 quốc gia nhằm trên nhằm mục tiêu kiềm tỏa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trước đó, Ấn Độ cũng đã ký hiệp ước hỗ trợ hậu cần tương tự với Mỹ và các nước ủng hộ “Bộ tứ Kim cương” như Pháp và Singapore.

Đức Hoàng/DT

Bài mới
Đọc nhiều