+
Aa
-
like
comment

Ấn Độ tố Trung Quốc thò tay, hậu thuẫn lực lượng phiến quân chống chính phủ New Delhi

21/11/2021 17:06

Ngày 13-11, một đơn vị an ninh Ấn Độ đã bị quân nổi dậy phục kích ở bang Manipur, giáp với Myanmar, khiến 7 người thiệt mạng. Truyền thông Ấn Độ đã cáo buộc “Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn” phiến quân. 

Lực lượng nổi dậy PLAM chống chính phủ Ấn Độ - tổ chức nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công đẫm máu ngày 13/11 (Ảnh: north-east-news).
Lực lượng nổi dậy PLAM chống chính phủ Ấn Độ – tổ chức nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công đẫm máu ngày 13/11 (Ảnh: north-east-news).

Đây là vụ tập kích nghiêm trọng nhất vào lực lượng chính phủ ở đông bắc Ấn Độ kể từ năm 2021. Thủ tướng Narendra Modi và các quan chức Chính phủ Ấn Độ đều lên án vụ tấn công này.Theo báo chí Ấn Độ, cuộc tấn công diễn ra vào ngày 13/11. Một đại tá thuộc Tiểu đoàn 46 của lực lượng Assam Rifles và đội phản ứng nhanh do ông ta chỉ huy đang từ đồn ở biên giới Ấn Độ-Myanmar trở về. Xe chở họ đang di chuyển trên đường về doanh trại trụ sở thì bị các chiến binh của lực lượng phiến quân chống Chính phủ mang tên “PLAM” (Quân đội Giải phóng Nhân dân Manipur) phục kích.

Truyền thông Ấn Độ tố Trung Quốc ủng hộ lực lượng phiến quân nổi dậy chống chính phủ New Delhi ảnh 1
Báo The Hindustan Times: “Cuộc phục kích ở bang Manipur đã khiến vai trò của Trung Quốc ở đông bắc Ấn Độ lại trở thành tiêu điểm”.

Assam Rifle là đơn vị bán quân sự lâu đời nhất trong quân đội Ấn Độ, do Bộ Quốc phòng Ấn Độ kiểm soát. Hiện Assam Rifle có 46 tiểu đoàn với tổng quân số hơn 63.000 người. Lực lượng này chủ yếu đóng ở các bang phía đông bắc của Ấn Độ, bao gồm cả bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc gọi là khu vực “Tạng Nam” đang tranh chấp với Trung Quốc hiện đang do Ấn Độ kiểm soát để tiến hành các hoạt động chống lại phiến quân và đảm bảo an ninh biên giới.

Theo báo chí Ấn Độ, các tay súng phiến loạn đầu tiên cho nổ một thiết bị nổ tự chế (IED), buộc xe của quân đội Ấn Độ dừng lại, sau đó nã đạn dữ dội vào các binh sĩ của Assam Rifle trên xe, khiến 7 người thiệt mạng, 6 người bị thương nặng. Ấn Độ cho biết, ngày 15/11 họ đã tiến hành chiến dịch truy quét, giết chết 3 phần tử nổi loạn.

Theo truyền thông Ấn Độ, vụ việc này khiến người ta nhớ đến một vụ phục kích khác ở bang này vào tháng 6/2015, khi đó 18 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng.

PLAM (Quân đội Giải phóng Nhân dân Manipur) đã ra thông cáo nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, khi các cơ quan truyền thông Ấn Độ đưa tin về vụ việc đã cáo buộc Trung Quốc.

Vụ tấn công đã gây nên chấn động ở New Delhi: Tổng thống Ram Nath Kovind và Thủ tướng Narendra Modi đều lên án vụ tấn công và nói đất nước sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các binh sĩ và gia đình của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnat Singh tuyên bố rằng thủ phạm của vụ tấn công sẽ nhanh chóng bị đưa ra công lý.

Ngay sau đó, lực lượng Assam Rifle đã tuyên bố tiêu diệt được 3 phần tử phiến quân trong một chiến dịch truy quét vào ngày 15/11.

Các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ, các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu, các nhà phân tích cấp cao của các cơ quan tư vấn và các nhà nghiên cứu quen thuộc với các vấn đề địa phương, v.v. đã chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc.

“Cuộc phục kích ở bang Manipur đã khiến vai trò của Trung Quốc ở đông bắc Ấn Độ lại trở thành tiêu điểm”, tờ Hindustan Times ngày 14/11 viết.

Truyền thông Ấn Độ tố Trung Quốc ủng hộ lực lượng phiến quân nổi dậy chống chính phủ New Delhi ảnh 3
Một đơn vị quân nổi dậy PLAM chống chính phủ Ấn Độ (Ảnh: nort-east-news).

Trang web “Swarajya” của Ấn Độ cho biết: “Các sĩ quan cấp cao của quân đội Ấn Độ nói rằng cuộc phục kích ở bang Manipur có thể đã được thực hiện theo yêu cầu của Trung Quốc”.

Trang web “News18” của Ấn Độ cho biết: “Nhìn sang Trung Quốc, Ấn Độ phải thực hiện bốn biện pháp chính để chống lại quân nổi dậy”.

Truyền thông Ấn Độ nêu các quan điểm sau: Thứ nhất, Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã đối đầu ở Đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC); để củng cố lực lượng quân sự ở gần LAC, Quân đội Ấn Độ đã điều tới 2 sư đoàn và các tiểu đoàn bổ sung triển khai dọc tuyến kiểm soát thực tế. Ban đầu họ tiến hành các hoạt động chống nổi dậy ở các bang đông bắc. Nếu “Bắc Kinh và kẻ đại diện của họ tiến hành các vụ tập kích ở những nơi như Manipur, Ấn Độ cần tăng cường các hoạt động chống nổi dậy ở vùng đông bắc, và lực lượng đã được điều đi sẽ lại phải di chuyển từ vùng kiểm soát thực tế sang Manipur, do đó làm suy yếu sức mạnh của Ấn Độ tại LAC. Do đó, “Trung Quốc rất hiếu chiến và tự tin” có thể một lần nữa áp dụng chiến lược chi phí thấp để hỗ trợ các tổ chức nổi dậy ở các bang đông bắc, bao gồm cả Manipur.

Thứ hai, các lực lượng phiến quân ở đông bắc Ấn Độ, trong đó có bang Manipur, có mối liên hệ với các chiến binh người dân tộc địa phương ở các bang Shan, Rakhine và Kachin của Myanmar, thậm chí có cả căn cứ quân sự ở Myanmar. Các nhóm nổi dậy ở Myanmar đã và đang sử dụng súng trường, lựu đạn và các vũ khí, trang thiết bị khác do Trung Quốc sản xuất, và những vũ khí và thiết bị này được chuyển qua Myanmar vào tay các chiến binh lực lượng nổi dậy ở đông bắc Ấn Độ. Trung Quốc có nhiều động cơ hơn để giúp quân nổi dậy chống đối thủ địa chính trị là Ấn Độ giành được các chiến thắng chính trị.

Thứ ba, các tổ chức nổi dậy ở các bang Đông Bắc, trong đó có PLAM, về mặt tư tưởng là những người cánh tả, tìm cách thành lập một nhà nước độc lập. Họ đương nhiên hợp tác với đồng minh Trung Quốc cùng chí hướng.

Trên thực tế, mỗi khi có xung đột ở Manipur, các cơ quan truyền thông Ấn Độ đều đưa ra những cáo buộc tương tự đối với Trung Quốc; giới chức Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận.

Thái độ chính thức của Trung Quốc là gì? Các cơ quan truyền thông Ấn Độ đã đề cập đến một cuộc gặp song phương quan trọng gần 10 năm trước.

Từ ngày 16 đến ngày 17/1/2012, cuộc họp lần thứ 15 Đại diện đặc biệt của Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới đã được tổ chức tại New Delhi. Đại diện đặc biệt Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc và Đại diện đặc biệt Ấn Độ là Cố vấn An ninh Quốc gia Menon đã thảo luận thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ và cùng nhau gìn giữ hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới hai nước.

Truyền thông Ấn Độ tố Trung Quốc ủng hộ lực lượng phiến quân nổi dậy chống chính phủ New Delhi ảnh 4
Báo Ấn Độ đưa tin về vụ tấn công hôm 13/11

Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ, ông Menon đã nêu vấn đề Trung Quốc tiếp xúc với các nhóm nổi dậy ở đông bắc Ấn Độ trong các cuộc đàm phán. Phía Trung Quốc đã phủ nhận họ ủng hộ các tổ chức vũ trang chống Chính phủ Ấn Độ và chỉ trích Ấn Độ tài trợ và huấn luyện các phần tử “Tây Tạng độc lập”.

Theo các tư liệu công khai, Quân đội Giải phóng Nhân dân Manipur (tiếng Anh: People’s Liberation Army of Manipur, PLAM) là một nhóm vũ trang do N. Bisheshwar Singh lãnh đạo, được thành lập ngày 25/9/1978 với mục tiêu thành lập “một quốc gia Xã hội chủ nghĩa Manipur độc lập”. Theo trang Baidu (Trung Quốc), nhóm vũ trang Manipur này được Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Lhasa huấn luyện vào những năm 1980.

Kể từ khi thành lập, nhóm này đã phát động chiến tranh du kích chống lại các lực lượng vũ trang Ấn Độ, bao gồm quân đội Ấn Độ, lực lượng bán quân sự và lực lượng cảnh sát. Nhưng vào cuối những năm 1990, PLAM đã đơn phương tuyên bố không nhắm mục tiêu vào cảnh sát bang Manipur nữa.

Do cái chết của một số nhà lãnh đạo cấp cao trong chiến đấu (chẳng hạn như cái chết của Chủ tịch Thoudam Kunjabehari năm 1982) và việc bắt giữ các nhà lãnh đạo khác (như vụ bắt giữ thủ lĩnh N. Bishehiwal Singh vào năm 1981), PLAM đã giảm các hoạt động quân sự của họ trong những năm 1980. Năm 1989, một phái chính trị gọi là “Mặt trận Nhân dân Cách mạng” (RPF) được thành lập. Mặt trận này thành lập một chính phủ lưu vong ở Bangladesh, do Irengbam Chaoren lãnh đạo, và bắt đầu cải tổ tổ chức. Kể từ đó, PLAM đã trở nên rất năng động. Hoạt động của nó được chia thành bốn khu vực: ở vùng núi Sardar Gorge ở bang Manipur, vùng Đông Sardar, vùng đồi ở Manipur và Thung lũng núi Imphal. Mỗi khu vực có một người chỉ huy và một số cán bộ.

Lê Thu Hà 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều