+
Aa
-
like
comment

Ấn Độ ghi nhận kỷ lục mới về ca nhiễm Covid-19

12/05/2021 07:04

Viễn cảnh thoát đại dịch của Ấn Độ dường như còn xa vời, khi số ca nhiễm nCoV mới trung bình 7 ngày chạm mức cao kỷ lục.

Thế giới đã ghi nhận 160.289.664 ca nhiễm nCoV và 3.329.964 ca tử vong, tăng lần lượt 721.927 và 13.513, trong khi 138.032.449 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 23.340.456 ca nhiễm và 254.225 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 348.529 và 4.200 ca.

Theo thống kê của Reuters, Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về trung bình số ca tử vong mới hàng ngày, đồng thời chiếm 1/3 tổng số trường hợp tử vong mới trên toàn cầu mỗi ngày. Hôm 11/5, số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày lên tới 390.995, mức cao kỷ lục.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp B.1.617, biến chủng nCoV mới được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ năm ngoái, vào nhóm “biến chủng đáng lo ngại” (VOC) trên quy mô toàn cầu. Nó chứa hai đột biến L452R và E484Q, gọi là “đột biến kép”, có khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19.

Theo Gisad, trang web chia sẻ dữ liệu virus giữa các quốc gia, biến chủng này đã xuất hiện tại ít nhất 40 nước trên thế giới. Giới chuyên gia thúc giục Ấn Độ phong tỏa toàn quốc, trong khi ngày càng nhiều bang áp đặt những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Khó khăn đối với hệ thống y tế thêm chồng chất, khi chính phủ Ấn Độ đề nghị các bác sĩ chú ý đến những dấu hiệu của mucormycosis, hay còn gọi là “nấm đen” ở bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhiễm trùng chết người và hiếm gặp này thường tấn công mạnh nhất ở người có hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh nhiễm trùng khác. Giới chuyên gia y tế đã chứng kiến số ca nhiễm trùng nấm đen gia tăng ở Ấn Độ những tuần gần đây.

Gia đình một nạn nhân Covid-19 trong đám tang tại một lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 11/5. Ảnh: AFP.
Gia đình một nạn nhân Covid-19 trong đám tang tại một lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 11/5. Ảnh: AFP. 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.544.812 ca nhiễm và 596.878 ca tử vong do nCoV, tăng 29.504 ca nhiễm và 672 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Với gần 60% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và khoảng 113 triệu người, tương đương 34%, được tiêm chủng đầy đủ, Mỹ đang trên đường hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đặt ra, trong đó 70% dân số sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 4/7. Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong tại Mỹ đều đang sụt giảm mạnh, được cho là nhờ tiêm chủng thành công.

Hôm 3/5, các quán bar tại New York lần đầu tiên được phục vụ trong nhà sau nhiều tháng, vài ngày sau khi Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố thành phố nên tái mở cửa hoàn toàn vào ngày 1/7. Cùng ngày, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cũng ký sắc lệnh hành pháp chấm dứt mọi lệnh khẩn cấp tại địa phương liên quan đến Covid-19.

Các bang New York, New Jersey và Connecticut dự kiến dỡ bỏ hầu hết hạn chế về quy mô phục vụ với doanh nghiệp, bao gồm cửa hàng bán lẻ, dịch vụ ăn uống và phòng gym, kể từ ngày 19/5. Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố sẽ trở lại hoạt động 24 giờ mỗi ngày từ 17/5.

Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cũng cho rằng đã đến lúc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 và cho phép người dân tận hưởng những thành quả của chiến dịch tiêm chủng.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.282.705 ca nhiễm và 425.540 ca tử vong, tăng lần lượt 68.675 và 2.104.

Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa hôm 11/5 cho biết họ đã đình chỉ sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho phụ nữ có thai trên toàn quốc, sau khi ghi nhận một phụ nữ tử vong vì đột quỵ xuất huyết, sự cố được cho là có thể liên quan đến tiêm chủng. Người phụ nữ 35 tuổi này đang mang thai 23 tuần, Anvisa cho hay, nói thêm rằng họ chưa được thông báo về bất kỳ tác dụng phụ nào khác liên quan đến phụ nữ mang thai.

Văn phòng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết chính phủ sẽ chi thêm 1,05 tỷ USD cho việc sản xuất, cung cấp và phân phối vaccine Covid-19, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế đang diễn ra. Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10.

Tổng thống Bolsonaro hứng hàng loạt chỉ trích trong nước và quốc tế do phản ứng yếu kém trước đại dịch. Ông kiên quyết phản đối các lệnh phong tỏa, liên tục quảng cáo thuốc trị sốt rét chloroquine như một phương pháp điều trị Covid-19, dù chuyên gia khẳng định thuốc này không hiệu quả và thậm chí có thể gây hại. Hậu quả là Covid-19 đã trở thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil.

Tại châu Âu, sau khi chương trình tiêm chủng Covid-19 đạt tiến bộ, nhiều nước đang lên kế hoạch từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế vào tháng 6, trong khi Pháp quyết định bắt đầu nới lỏng lệnh giới nghiêm ban đêm từ ngày 19/5, cho phép quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trởi. Dịch vụ trong nhà dự kiến được nối lại vào ngày 30/6.

Đức nới lỏng hạn chế với những người được tiêm phòng đẩy đủ hoặc đã bình phục sau khi nhiễm nCoV từ hôm 9/5, đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, các quy tắc cách ly và yêu cầu xuất trình kết quả âm tính với nCoV khi đến tiệm làm tóc, sở thú hoặc mua sắm. Một số bang, bao gồm thủ đô Berlin, cũng đang giảm bớt các quy định hạn chế riêng.

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic hôm qua cho biết họ sẽ sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận Covid-19, giúp những người đã được tiêm chủng, đã bình phục hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV có thể di chuyển dễ dàng hơn trong lãnh thổ Liên minh châu Âu. “Đây là một ưu tiên đối với công dân của chúng tôi. Tôi tin rằng việc này sẽ hoàn thành trước mùa hè”, ông nói.

Tại Đông Nam Á, Philippines vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 1.113.547 ca nhiễm và 18.620 ca tử vong, tăng lần lượt 4.734 và 59 ca.

Bộ Y tế Philippines hôm qua cho biết nước này đã phát hiện hai ca đầu tiên nhiễm biến chủng nCoV mới từ Ấn Độ, trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 8 tuần. Đây là hai thuyền viên trở về từ hồi tháng 4.

“Chúng ta cần tiếp tục theo dõi những biến chủng khác có thể xuất hiện, đồng thời giám sát sự lây lan của các biến chủng đã được tìm thấy”, Alethea De Guzman, giám đốc phụ trách dịch tễ của Bộ Y tế Philippines, cho biết, nói thêm rằng hai thuyền viên đã được cách ly từ khi trở về và đều đã bình phục.

Nếu xu hướng giảm số ca nhiễm được duy trì, các biện pháp hạn chế có thể sẽ được nới lỏng, giúp trút bớt gánh nặng cho nền kinh tế. Trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của các biến chủng nCoV, Philippines đã tạm thời cấm hành khách từ Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Nepal và Bangladesh nhập cảnh.

Campuchia ghi nhận thêm 480 ca nhiễm nCoV và 5 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 20.223, trong đó 131 người đã tử vong.

Campuchia kết thúc phong tỏa thủ đô Phnom Penh từ ngày 5/5, song người dân vẫn phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa, áp dụng theo mã màu của từng khu vực.

Người sống trong vùng đỏ phải ở lại nơi cư trú, không được ra ngoài “trừ khi có việc khẩn cấp”. 84 cảnh sát Campuchia thực hiện nhiệm vụ tại các “vùng đỏ” ở tỉnh Kandal và thủ đô Phnom Penh đã được xác nhận dương tính với Covid-19.

Những người trong vùng cam có thể di chuyển “nếu có việc cần thiết”. Trong khi đó, người dân sống trong vùng vàng được phép đi lại, đa số các ngành nghề kinh doanh được phép mở cửa lại. Lệnh giới nghiêm từ 20h tới 3h vẫn áp dụng với vùng vàng và vùng cam.

Lào báo cáo 35 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên 1.362, trong đó một người chết. Lào ghi nhận ca tử vong do nCoV đầu tiên hôm 9/5 là một nữ công dân Việt Nam, 52 tuổi, có bệnh lý nền.

Chính phủ Lào hôm 21/4 ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc tới 5/5, nhưng hôm 4/5 quyết định kéo dài thời gian thêm 15 ngày, tới 20/5.

Nhóm chuyên trách phòng chống và kiểm soát Covid-19 của Lào hôm qua cho biết một phụ nữ 63 tuổi, sống tại huyện Naxaithong thuộc tỉnh Viêng Chăn, đã tử vong sau khi được tiêm vaccine AstraZeneca tuần trước. Bà từng được chuẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Giới chức chưa xác định cái chết có liên quan đến vaccine hay không.

Hàng nghìn người tại Lào đã tiêm vaccine AstraZeneca và hầu hết không gặp bất kỳ vấn đề nào. Giới chức y tế cũng kêu gọi người dân đi tiêm chủng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.

(Theo Worldometers, Reuters, AFP)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều