+
Aa
-
like
comment

Ấn Độ âm thầm hiện diện ở Biển Đông

11/09/2019 10:02

Ngoài sự cạnh tranh chiến lược và vấn đề an ninh, Ấn Độ đang có những lý do rất “thời sự” để duy trì sự hiện diện ở Biển Đông, đụng chạm tới lợi ích mà Trung Quốc đang tìm kiếm.

Từng được xem là nhân tố quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, cũng như là một trong bốn trụ cột của “tứ giác an ninh” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc, lâu nay Ấn Độ vẫn rất chừng mực khi nhắc tới câu chuyện Biển Đông. Nhưng giới quan sát cho rằng New Delhi có thể đang hành động theo cách khác.

Ấn Độ âm thầm hiện diện ở Biển Đông - Ảnh 1.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bìa trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh: Reuters

Cùng Nga đi qua Malacca

Tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok (Nga) tuần trước, Ấn Độ và Nga đã ký biên bản ghi nhớ về việc khởi động một tuyến đường biển kéo dài từ thành phố cảng miền đông nước Nga Vladivostok tới thành phố Chennai ở vịnh Bengal, miền đông Ấn Độ.

Đồ họa của báo chí Ấn cho thấy trước đây muốn đi đường biển từ Nga tới Ấn Độ, tàu thuyền phải xuất phát từ St. Petersburg rồi lượn qua châu Âu, cắt qua châu Phi mới tới cảng Mumbai phía tây Ấn Độ. Nay, để nối Chennai với Vladivostok, có thể dùng tuyến đường ngắn hơn đi qua eo biển Malacca. Eo biển này là chốt hàng hải rất quan trọng, nằm giữa bán đảo Malay (Malaysia) và đảo Sumatra (Indonesia), đồng nghĩa nó sẽ đi xuyên qua Biển Đông.

Trong tuyên bố chung của Nga và Ấn, quan hệ đối tác này có thể “bao gồm việc thiết lập phát triển và sản xuất chung đối với thiết bị quân sự, phụ tùng và linh kiện, cũng như cải thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi”. Điều này phản ánh mối quan hệ quốc phòng giữa Ấn và Nga, đặc biệt là việc New Delhi chấp thuận dự án mua lại các hệ thống tên lửa đất đối không S400 trứ danh của Nga.

Truyền thông lập tức xem đây là bước đi đáng chú ý của Ấn Độ trong việc củng cố sự hiện diện ở Biển Đông. Tờ South China Morning Post còn khẳng định đây là cách New Delhi “thách thức” Bắc Kinh giữa lúc quốc gia Đông Á này có xu hướng hành động hung hăng hơn ở Biển Đông.

Rajeev Ranjan Chaturvedy – nghiên cứu viên khách mời ở ĐH Công nghệ Nanyang, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam – nhận định New Delhi không an tâm với mức độ quyết đoán mới của Trung Quốc cũng như yêu sách mạnh mẽ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ tại Biển Đông cũng thể hiện khát vọng của New Delhi về nhận thức lãnh thổ trong toàn bộ các khu vực có lợi ích hàng hải, và mong muốn bám sát các diễn biến tiềm năng có thể tác động tới lợi ích quốc gia của Ấn Độ” – ông nói.

Đòn bẩy thương mại

Xét riêng về nhu cầu kinh tế và lợi ích thương mại, việc Ấn Độ hợp tác với Nga hoàn toàn dễ hiểu, khi quốc gia 1,3 tỉ dân này đang ngày càng nhận thức rõ hơn về giao thương với khu vực phía đông của mình. Để thực sự “Hành động hướng đông” (Act East), Ấn Độ cần thể hiện thực chất thông qua nỗ lực đóng góp vào duy trì an ninh và luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, không thể che giấu, Trung Quốc là nước đang tạo ra căng thẳng và đe dọa việc thực thi luật pháp quốc tế, gần nhất là thông qua những lần đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị tố đang tăng cường can thiệp và gây sức ép lên các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam và Malaysia trong khu vực.

Trong một diễn biến khác của tuần qua, Công ty Videsh, chi nhánh của Công ty Dầu khí Ấn Độ (ONGC), đã tìm cách gia hạn hợp đồng hai năm lần thứ sáu đối với các khối hợp tác khai thác dầu ở Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đây là thông tin do báo South China Morning Post của Hong Kong đưa ra, dẫn lại nội dung được cho là của Videsh thông báo với Hãng thông tấn Ấn Độ PTI.

Thêm một động lực nữa khiến Ấn Độ phải giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc là vấn đề rất… “thời sự”: thâm hụt thương mại. Tương tự Mỹ, có vẻ người Ấn cũng không hài lòng với thâm hụt thương mại với Trung Quốc. PTI cho biết Ấn Độ ngày 9-9 thông báo tạm ngưng quá trình gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một sáng kiến kinh tế đa phương mà Trung Quốc rất muốn thúc đẩy.

Lý do Ấn Độ đưa ra là những lo ngại của New Delhi về “chính sách bảo hộ” của Trung Quốc, vốn là nguyên nhân tạo ra tình trạng thâm hụt thương mại hai nước. Số liệu năm 2018 cho thấy Ấn Độ thâm hụt 57,86 tỉ USD với Trung Quốc, cao hơn so với mốc 51,72 tỉ USD của năm 2017.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Channel News Asia (Singapore), Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định Ấn Độ cũng có cọ xát về vấn đề thương mại với Trung Quốc, và lo ngại về chuyện tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều