+
Aa
-
like
comment

Ăn chặn tiền từ thiện có thể bị xử lý về tội gì?

08/09/2021 06:18

Luật sư cho biết nếu cáo buộc là đúng, người có hành vi ăn chặn tiền từ thiện có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức án tối đa 20 năm tù.

Gần đây, nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz bị tố cáo ăn chặn hàng trăm tỷ đồng tiền từ thiện và yêu cầu họ công khai sao kê tài khoản. Nhiều nghệ sĩ yêu cầu đưa ra chứng cứ và cho biết sẽ tố cáo người vu khống nếu không cung cấp được bằng chứng.

Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi nếu nội dung tố cáo là đúng, những người ăn chặn tiền có thể bị xử lý về tội gì? Trường hợp cáo buộc không có cơ sở, các nghệ sĩ có quyền khởi kiện hoặc tố cáo người vu khống?

Tối đa 20 năm tù cho người ăn chặn tiền từ thiện

Nói về vấn đề này, trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo trong quyên góp từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan điều tra. Các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định.

Trường hợp xác định hành vi cấu thành tội phạm hình sự, người phạm tội có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội) nhận định tùy thuộc tính chất hành vi, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong 2 tội danh trên.

“Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi ăn chặn tiền cấu thành tội danh này nếu người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối từ đầu, đưa thông tin không đúng sự thật nhằm làm người khác tin hoạt động từ thiện là thật và quyên góp tiền ủng hộ. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự còn nếu dưới 2 triệu và hành vi không gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm mới vi phạm lần đầu, họ sẽ bị xử phạt hành chính”, luật sư Tiền phân tích.

an chan tien tu thien anh 1
Hình ảnh vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân Quảng Bình trong đợt lũ tháng 10 năm 2020. 

Với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm được xác định phạm tội nếu họ kêu gọi quyên góp từ thiện, sau đó nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, không sử dụng một phần hoặc toàn bộ số tiền vào mục đích ban đầu.

Về giá trị, tài sản bị chiếm đoạt phải trị giá từ 4 triệu đồng trở lên. Nếu giá trị dưới 4 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự nếu từng bị xử phạt hành chính do chiếm đoạt tài sản; đã bị kết án về một số tội theo luật định mà chưa được xóa án tích hay tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của bị hại…

Từ phân tích trên, luật sư đánh giá hành vi ăn chặn tiền từ thiện có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tùy thuộc số tiền chiếm đoạt, người phạm tội đối diện mức án tối đa 20 năm tù.

Có quyền khởi kiện nếu nội dung tố cáo sai sự thật?

Ở chiều ngược lại, trường hợp cáo buộc không có căn cứ, các nghệ sĩ có quyền khởi kiện người vu khống hay không?

Luật sư Mai Thảo (Phó giám đốc Công ty Luật Trương Anh Tú) nhấn mạnh danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền nhân thân bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Ai có căn cứ để cho rằng danh dự, nhân phẩm và uy tín của bản thân bị người khác xâm phạm có quyền khởi kiện ra tòa để đề nghị chấm dứt việc xâm phạm và yêu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Trường hợp khởi kiện, nguyên đơn cần đáp ứng một số điều kiện như có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay có đơn khởi kiện gửi tòa án có thẩm quyền.

Ngoài ra, họ cần cung cấp tài liệu hợp pháp để liệt kê những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút hay những thiệt hại khác do luật quy định.

Bên cạnh đó, nếu thắng kiện, nguyên đơn còn được nhận một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức đền bù tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở theo luật định.

Dưới góc độ hình sự, người có quyền, lợi ích bị xâm phạm có quyền tố cáo, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người cáo buộc mình về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài mức phạt theo Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn có trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị thiệt hại. Do đó, trong trường hợp xử lý hình sự, người có quyền, lợi ích bị xâm phạm không cần thiết phải khởi kiện dân sự nữa.

Hoàng Linh

Bài mới
Đọc nhiều