+
Aa
-
like
comment

Ăn chặn 26,5 tỷ – những kẻ ăn chặn của dân không từ một thứ gì

15/11/2019 16:00

7 ngày trước, Sìn Hồ, một trong 61 huyện nghèo nhất nước đặt mục tiêu cho 5 năm tới. Trong đó, mục thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 30 tỉ đồng. Số tiền mục tiêu mà ngót 80 ngàn đồng bào nỗ lực cả năm ấy, chỉ nhỉnh hơn số tiền 26,5 tỉ mà 2 cán bộ phòng giáo dục đã tham ô.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Minh Liễu (SN 1973), kế toán trưởng và Trần Thị Huệ (SN 1972), thủ quỹ – Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ tội Tham ô tài sản.

treem
Ở vùng cao Sìn Hồ còm rất nhiều lớp học tạm, các em học sinh còn đói, còn rét

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ 2017 tới 5.2019, hai bị can đã nhiều lần rút tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc ít người. Số tiền trên được các bị can dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân và không có khả năng chi trả. Trong đó, đối tượng Liễu được xác định là chủ mưu, đối tượng Huệ là người tiếp tay giúp sức. Và số tiền tạm xác định đã tham ô là 26,5 tỉ đồng.

Hai cán bộ giáo dục, tham ô 26,5 tỉ từ tiền hỗ trợ chính sách. Phải nói là quá khủng khiếp. Quá tham lam. Phải nói, đó không chỉ là “ăn không từ thứ gì”, không chỉ là tham ô tham nhũng. Đó chính là tội ác.

Sìn Hồ có lẽ là địa danh không xa lạ với chúng ta về sự nghèo khó. Khi mà cả huyện có 6.574 hộ, tỉ lệ tới 40,79% là hộ nghèo. Nếu tính cả 1.761 hộ, tỉ lệ 10.98% cận nghèo thì huyện vùng sâu vùng xa này có tới hơn. Huyện có 178 bản đặc biệt khó khăn, trong khi đó tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 33.972 tấn, tức là chưa đủ để ăn. Tổng thu ngân sách địa bàn của cả 80 ngàn dân chỉ đạt 29,5 tỉ đồng.

khoito
Quyết định khởi tố 2 cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ (Lai Châu) để điều tra về tội Tham ô tài sản.

Năm học 2018 – 2019, huyện Sìn Hồ có 65 đơn vị trường (trong đó, mầm non: 22 trường, tiểu học: 21 trường, trung học cơ sở: 21 trường, tiểu học và trung học cơ sở: 1 trường, phổ thông dân tộc bán trú: 12 trường).

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ đã và cố gắng vượt khó khăn, làm tốt công tham mưu, phối hợp chặt chẽ và kịp thời với các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục… Góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa các vùng, đồng thời, tạo sự lan tỏa và đồng thuận cao của toàn xã hội về công tác giáo dục. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục huyện biên giới này như vẫn còn hàng trăm nhà học tạm, chính sách cho giáo viên hợp đồng, cơm trưa cho học sinh bán trú được nhà nước hỗ trợ theo nghị định 116…

Ấy thế mà chỉ 2 cán bộ quản lý giáo dục, trong 3 năm, đã tham ô tới 26,5 tỉ đồng tiền chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên. Và tham ô rồi, tiêu xài rồi thì giờ “không có khả năng chi trả”. Có thể sẽ có vành móng ngựa. Có thể sẽ có một bản án đích đáng cho tội ác này. Nhưng sẽ là vô nghĩa nếu từ đó không tìm được ra những người thiếu trách nhiệm, không tìm ra khe hở chính sách mà các bị can đã lợi dụng để rút ruột, tham ô, để “ăn không từ thứ gì” trong suốt 3 năm qua.

Tham ô 26,5 tỉ. Có nghĩa là gần bằng mồ hôi công sức của ngót 80 ngàn đồng bào làm lụng trong suốt cả năm. Kiểu ăn bẩn của những công bộc của dân vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Bất lương đến độ họ “ăn chặn” từ gói mì, gạo cứu trợ đến gà, dê hỗ trợ gia đình nghèo. Về các kiểu ăn chặn của cán bộ kiểu này, tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 11/9/2013, trước khi đau xót thốt lên “người ta “ăn” của dân không từ cái gì…”

Câu này của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từ năm 2013 chỉ ra một hiện tượng tiêu cực, tưởng như rồi chúng ta sẽ khắc phục được, nhưng không, nó diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và nhiều khi trắng trợn đến mức không thể hình dung. Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, từng thốt lên: “Ăn chặn của người nghèo là nỗi sỉ nhục, đánh mất đạo đức làm người của cán bộ. Họ chỉ biết dùng những đồng tiền “bẩn” để vun vén cho cuộc sống của bản thân, gia đình mà quên đi nỗi đau, sự mất mát, đói nghèo của dân”. Tại sao một bộ phận cán bộ lại có thể hành xử vô tâm đến vậy? Câu trả lời không khó, đó chính là lòng tham của kẻ có chức, có quyền. Thực tế đã có nhiều quan tham phải hầu tòa, trả giá cho hành vi bất lương của mình. Nhưng xã hội thì nhức nhối khi lòng nhân ái giữa người với người trong một chế độ ưu việt đã ít nhiều bị hoen ố.

cogiao
Hình ảnh các cô giáo huyện Sìn Hồ bất chấp gió mưa, vượt rừng vượt núi đem “tình” và “chữ” đến cho những em học sinh nghèo.

Nhiều năm qua, Đảng và nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là dân nghèo, đối tượng chính sách. Nhưng tinh thần nhân đạo ấy không được phát huy khi tình trạng cán bộ, quan chức vụ lợi, xà xẻo dân ngày càng gia tăng. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao chuyện ăn chặn, xà xẻo vẫn cứ liên tục lặp đi lặp lại? Nguyên nhân được chỉ ra là do xử lý không nghiêm, thậm chí là bao che của cấp trên với cấp dưới. Không mấy ai thấy đó là hành vi tham ô, với tình tiết tăng nặng là tham ô của người nghèo!

Miếng cơm, manh áo của những đứa trẻ vùng cao chỉ mong một ngày được ăn no bị họ ăn chặn trắng trợn. Cái đói, cái rét của vùng cao không làm cho họ chùn tay thi tham ô công quỹ. Chỉ 2 con người này đã tham ô 26.5 tỷ đồng có nghĩa là chỉ 2 cán bộ này thôi bằng kẽ hở của pháp luật họ đã có thể biến “mồ hôi công sức” của trên 80 ngàn đồng bào các dân tộc của cả một huyện làm việc cật lực trong vòng 1 năm thành tiền tiêu xài cá nhân.

Danh nhân Nguyễn Trãi, trong “Bình Ngô đại cáo”, đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Rõ ràng, nhân tâm có hòa thì giang sơn mới thịnh. Vậy nên, trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì không thể có những cán bộ, lãnh đạo chính quyền tha hóa, bất lương, ăn chặn từng đồng tiền của người dân, ăn không sót một thứ gì như thế được. Cần phải xử lý thật nghiêm minh, thậm chí loại khỏi bộ máy nhà nước những “con sâu mọt” như thế để củng cố lòng tin của người dân. Không, không thể để tình trạng này tiếp diễn, đó là đòi hỏi của dư luận, của những người dân. Và cũng không thể giơ cao đánh khẽ hoặc rút kinh nghiệm dài dài với những đối tượng “ăn” của dân không từ cái gì

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều