Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế
Thời gian qua, trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã nắm bắt và làm thất bại không ít âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, thể hiện trên nhiều góc độ, nhiều nội dung, điển hình là trên lĩnh vực kinh tế.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đã dùng không hề thay đổi về mục tiêu mà được chúng thay thế bằng âm mưu, thủ đoạn mới; được kết thành hệ thống, sử dụng bổ sung, hỗ trợ nhau nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” một cách mềm dẻo nhưng thâm độc và nguy hiểm hơn. Vì vậy, trong tình hình mới, việc nhận diện những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế của các thế lực thù địch chống phá nước ta là một nhiệm vụ quan trọng, phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” của chúng ta.
Dưới góc độ thực tiễn, có thể chỉ ra một số âm mưu, thủ đoạn thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta trên lĩnh vực kinh tế của các thế lực thù địch như sau:
Thứ nhất, phủ nhận lợi thế về sự ổn định chính trị với phát triển kinh tế ở nước ta
Mục đích sâu xa của luận điệu cho rằng, nước ta “ổn định trong trì trệ” để làm nản chí các nhà đầu tư, hòng có thể chặn đứng dòng vốn tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài đổ vào và hạ thấp giá trị đích thực của những chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước từng bước cập nhật phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Biện pháp của chúng ta là tiếp tục giữ vững ổn định chính trị với phát triển kinh tế phồn thịnh dựa vào huy động các nguồn lực trong và ngoài nước một cách chủ động, tích cực, đặc biệt là khai thác nguồn lực to lớn trong nhân dân.
Thứ hai, quy kết sai bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và phát triển.
Đây là thủ đoạn thâm độc, đổi trắng thay đen, lâu dần thấm sâu trên mặt trận tư tưởng, cố làm cho mọi người lầm tưởng nền kinh tế nước ta đã chuyển sang quỹ đạo của kinh tế tư bản chủ nghĩa và thượng tầng kiến trúc của ta đã thay đổi theo cơ sở hạ tầng tư bản chủ nghĩa. Từ vấn đề kinh tế dẫn đến vấn đề chính trị, gây hoài nghi trong xã hội, dân không tin sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, chúng ta phải tích cực đấu tranh tư tưởng lý luận, phê phán mạnh luận điểm trên và có những hành động khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong thực tiễn: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp.
Thứ ba, lợi dụng khoét sâu những hạn chế, yếu kém về phát triển bền vững ở nước ta để chống phá trên lĩnh vực kinh tế
Hiện nay, nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở nước ta đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể dễ dàng thấy được các hình ảnh cũng như các bài báo phản ánh về thực trạng môi trường hiện nay. Mặc dù các ban, ngành, đoàn thể ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Sự quan liêu, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường cũng đang tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường. Các tổ chức phản động ở hải ngoại kết hợp tổ chức phản động trong nước ra sức thổi phòng, bóp méo thông tin về vấn đề môi trường, tung tin thất thiệt về các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài… nhằm làm rối loạn xã hội bằng sự kích động người dân chưa hiểu biết rõ tình hình, xuống đường biểu tình đòi các nhà đầu tư phải “trả giá” cho hành động phá hoại môi trường, như ngày 19/02/2017, clip xả chất thải màu đỏ được đăng tải, gây nghi ngờ cống xả là do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường. Việc này và vụ xả thải năm 2016 đã được lực lượng chống đối lợi dụng để thực hiện ý đồ gây mất ổn định xã hội, kích động nhân dân, nhất là giáo dân các tỉnh miền Trung, gây khó dễ cho công việc sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài đã mắc sai phạm về môi trường.
Thứ tư, các thế thù địch, phản động triệt đề lợi dụng các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội để chống phá ta về lĩnh vực kinh tế.
Do đặc thù của Internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng… nên những quan điểm sai trái trên mạng xã hội có khả năng ảnh hưởng nhanh, rộng đến nhiều đối tượng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, bằng thủ đoạn triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội, có không ít thông tin xuyên tạc, phê phán, phủ nhận học thuyết kinh tế mác xít, xóa bỏ học thuyết giá trị thặng dư, đòi xem xét lại những quan điểm, tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng; xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc việc ký kết các hiệp định kinh tế khu vực và liên khu vực… đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên – đối tượng thường xuyên tiếp cận phương tiện này do khả năng “miễn dịch” thấp của họ. Thủ đoạn này được các tổ chức phản động khai thác triệt để tăng cường truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá ta về mọi mặt, nhất là về chính trị và kinh tế trên các blog cá nhân, các báo điện tử, trang thông tin điện tử, nhất là trên BBC và Youtube.
Năm là, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá “chiến lược con người”, dùng vật chất để đào tạo một lớp người thân phương Tây và mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận quần chúng nhân dân.
Các thế lực thù địch tiếp tục dùng vật chất để mua chuộc làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo ra tâm lý hưởng thụ, lối sống thực dụng, từ đó, làm mất uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cần hết sức đề phòng thủ đoạn các thế lực thù địch trong xây dựng nhà thờ, các công trình dân sinh khác, mua chuộc các già làng, dụ dỗ thanh niên dân tộc thiếu hiểu biết gây mất ổn định, phá hoại chính sách di dân hợp pháp, tổ chức thu mua những bộ phận các loại cây, con… để phá hoại tư liệu sản xuất, lực lượng sản xuất và cách thức tổ chức sản xuất của nhân dân. Các thế lực thù địch tiếp tục dùng tiền bạc, hàng hóa mua chuộc, lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, khi có cơ hội do chúng tạo ra, để hô hào họ tham gia vào các cuộc biểu tình, bạo loạn, chống đối chính quyền. Các tổ chức người Việt phản động ở nước ngoài được nhiều tổ chức chống đối Việt Nam nuôi dưỡng tiếp tục tìm cách gửi tiền, hàng hóa về cho thân nhân, gia đình, các lực lượng phản động trong nước để tuyên truyền, chống phá sự nghiệp đổi mới đất nước, chống đối Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.
Diệu Hương
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả