+
Aa
-
like
comment

Âm hưởng Xuân 1975 trong chống dịch COVID-19

01/05/2020 11:08

Trong những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975, với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, quân và dân ta đã tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà… 45 năm sau, tinh thần đó lại được Đảng và Nhà nước thực hiện để chống lại đại dịch COVID- 19, với mục tiêu lớn lao là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp về chống dịch COVID-19.

“Hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân là trên hết, ngay từ đầu năm 2020, Đảng và Nhà nước ta sớm có những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Thủ tướng đã thành lập sớm Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là trưởng ban.

Ngay trong ngày mùng 3 Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về phòng, chống dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Thủ tướng phát đi thông điệp “chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Dù khó khăn, song lãnh đạo Chính phủ luôn thể hiện quan điểm nhất quán là chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế vì tính mạng, sức khỏe người dân trên hết.

Âm hưởng Xuân 1975 trong chống dịch COVID-19 - ảnh 1
Đơn vị phòng hóa phun khử khuẩn ở Bệnh viện Bạch Mai.

Với chủ trương “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm có những chỉ đạo yêu cầu toàn đảng, toàn quân, toàn dân cùng chung tay, chung sức chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp có những chỉ đạo yêu cầu tất cả lực lượng tận dụng “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch. Theo Thủ tướng, “Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của cả hệ thống”.

Thần tốc đi từng ngõ, gõ từng nhà

Trong lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi.

Làm việc với các địa phương và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”. Từ đó, Thủ tướng cho rằng, tinh thần này cần được vận dụng trong công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta.

Âm hưởng Xuân 1975 trong chống dịch COVID-19 - ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Thanh Mẫn ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19

Khẳng định “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”, Thủ tướng cho rằng, trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tấn công giặc. Lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn, vì vậy, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận. Điều hệ trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn, thành phố.

Sang giai đoạn 2, cũng với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, Thủ tướng đã có chỉ đạo mạnh mẽ, yêu cầu các lực lượng tranh thủ từng giờ, từng phút để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người, nhất là những người từ nước ngoài về nước, hay những người đã từng có thời gian qua lại các ổ dịch. Đặc biệt, dù biết là sẽ thiệt hại nhiều về kinh tế, song để tận dụng “thời gian vàng” trong chống dịch, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16, với yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày đầu tháng Tư.

Trong cuộc chiến chống đại dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lời cảm ơn Nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.

Chung tay cùng tiền tuyến

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa”. Ngay trong thời điểm khó khăn khi thu nhập bị giảm sút, thậm chí bị mất việc làm, song tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc đã không ngừng phát huy.

Nhiều người sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc bỏ tiền mua khẩu trang khan hiếm, phát miễn phí. Nhiều nhà hảo tâm, văn nghệ sĩ chủ động đứng ra quyên góp, chia sẻ với cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp quan tâm, chăm lo chu đáo vì sự an toàn của người lao động, đây cũng là hành động đáng biểu dương thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, đến nay, số tiền ủng hộ trong phòng chống dịch tại MTTQ Việt Nam đã lên tới hơn 800 tỷ đồng. Điều đó cho thấy được tinh thần đoàn kết của nhân dân đang được khơi dậy mạnh mẽ. Đặc biệt trong những ngày này, ở nhiều nơi trong cả nước những cây ATM gạo được mọc lên tại Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên,… với mong muốn không để ai “đứt bữa”, không ai bị bỏ lại phía sau trong giai đoạn khó khăn này.

Văn Kiên / TPO

Bài mới
Đọc nhiều