+
Aa
-
like
comment

Ám ảnh những khoảnh khắc cuối cùng của bệnh nhân mất vì COVID-19

03/11/2021 12:05

“Bác sĩ ơi, cho tôi xin uống chút nước ngọt, tôi uống xong thì tôi chết”… Có những đêm, tôi không thể ngủ được vì cứ nhắm mắt thì lại thấy hình ảnh bệnh nhân hiện ra”- bác sĩ trong tâm dịch COVID-19 TPHCM chia sẻ.

Bệnh nhân được điều trị COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhân được điều trị COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly

Ám ảnh những cuộc gọi đêm khuya

Ngược dòng thời gian, đầu tháng 7 và tháng 8.2021, điều dưỡng Phan Tường Duy, công tác tại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 Thủ Đức số 3, thêm một đêm mất ngủ.

Giai đoạn đầu khi mới thành lập bệnh viện dã chiến, tất cả chỉ có 5-6 nhân sự đảm nhận mọi việc cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, quá tải, áp lực… thậm chí là ám ảnh vì số ca chuyển nặng và tử vong quá đông.

“Ca đầu tiên lúc đầu chúng tôi thấy người ta khó thở vì là bệnh lý viêm phổi, nhưng khi vào cấp cứu 10 phút sau là họ trở nặng, 1-2 ngày sau từ từ lịm đi và lúc ấy chúng tôi mới biết COVID-19 nhanh đến vậy”, anh Phan Tường Duy chia sẻ.

Những người lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng của bệnh nhân mất vì COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly
Những người lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng của bệnh nhân mất vì COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly

Những ngày sau, có thời điểm 6-7 bệnh nhân tử vong cùng một lúc, các cuộc điện thoại ban đêm báo tin cho gia đình bệnh nhân nhiều hơn. Chỉ cần nhắc đến tên người thân là những tiếng khóc xé lòng, nặng nề và ám ảnh mãi không nguôi.

Anh Tường Duy không thể nào quên “khi chúng tôi đang làm công tác khâm liệm cho bệnh nhân, nhìn ra cửa sổ đã thấy người nhà đứng nhìn vào phía ánh đèn phòng bệnh, họ khóc, quỳ xuống nhìn thấy cảnh đó tôi rất muốn ra an ủi, động viên nhưng đành bất lực”.

Có những gia đình, họ nằm trong vùng phong tỏa, khi nghe được tin người thân mất, nhân viên y tế phải làm công tác tư tưởng cho họ bất kể ngày đêm. Thế nhưng, không gì có thể xóa nhòa đi những đau thương này.

Anh Lê Văn Thảo cũng là điều dưỡng nằm trong nhóm mai táng. Thời gian đầu nhận việc báo tin cho thân nhân bệnh nhân, anh Thảo luôn cố gắng giữ bình tĩnh trước mỗi lần gọi điện. Thế nhưng, liên tiếp thực hiện nhiều cuộc gọi cùng lúc, khiến anh phải bật khóc nhiều lần.

“Có những đêm, tôi về đến phòng không thể nào ngủ được, vì quá nhiều cảm xúc đan xen mà không thể diễn tả thành lời, đến khi cố gắng để làm quen với sự thật này, tôi vẫn chưa thể bình tâm được cảm xúc mỗi lần nhắc nhớ lại” anh Lê Văn Thảo xúc động chia sẻ

Người lưu lại khoảnh khắc

Tiến sĩ Tâm lý Lê Minh Thuận – Giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM có một nhiệm vụ thiêng liêng.

Mỗi một người bệnh mất vì COVID-19, Tiến sĩ Thuận và một số đồng nghiệp đã lập nên nhóm mai táng, ngoài làm công tác khâm niệm cho bệnh nhân, nhóm còn phụ trách chụp lại di ảnh cuối cùng của bệnh nhân.

Tiến sĩ Tâm lý Lê Minh Thuận “để làm được công việc này không hề đơn giản, trước khi chụp di ảnh cho bệnh nhân, chúng tôi sẽ thay quần áo, chỉnh trang lại cho bệnh nhân thật tươm tất, mọi công đoạn đều được làm thật kỹ để giúp người nhà và người đã ra đi cảm thấy ấm lòng. Tôi chụp xong thường gửi cho người nhà luôn và tôi xóa đi vì hình ảnh nó buồn lắm”.

Ảnh minh họa

“Những di ảnh này như một báu vật đối với người ở lại, có những người sau khi nhận di ảnh, họ lặng đi và mình cũng lặng theo họ” tiến sĩ Lê Minh Thuận chia sẻ thêm.

Còn với anh Lê Văn Thịnh cũng là điều dưỡng ở đây chia sẻ “lúc đầu mình cũng run tay lắm, do dự nữa.. nhưng nghĩ vì thương nên đeo bao tay 2 lớp, đồ bảo hộ và làm, trong đầu luôn hướng về cái tâm để trọn vẹn với người đã mất”.

Trong hoàn cảnh đó, để giúp cả nhóm bám trụ được, tiến sĩ Lê Minh Thuận có đảm nhận công việc chăm sóc tâm lý cho nhân viên y tế, bởi không ai có thể bình tâm trước mỗi lần thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.

“Tôi nhiều khi phải động viên liên tục anh em trong nhóm, mình làm vì cái tâm, cái tình nghĩa nên cố gắng dù ở mọi hoàn cảnh nào. Ngay cả như tôi, cũng phải cố gắng giữ bình tĩnh, nếu cảm thấy không ổn sẽ nhờ đồng nghiệp trị liệu cho mình, bởi dù là bác sĩ tâm lý cũng không thể tự trấn an mình ở trong hoàn cảnh đó” tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận chia sẻ.

Những ngày tháng 10/2021, TPHCM đã đi qua đỉnh điểm COVID-19. Số ca tử vong giảm ngoạn mục, từ 300 ca mỗi ngày nay chỉ còn 2 chữ số. Bệnh nhân hồi phục và xuất viện liên tục. Mỗi ngày, các gia đình được đoàn tụ lại nhiều thêm.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều