Ai xứng đáng được “cứu”?
Trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” là một thách thức không hề nhỏ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam giữa lúc thế giới đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn…
Những gói hỗ trợ chính sách liên tục được tung ra. Và cũng liên tục trong thời gian qua là những “tâm thư”, các đơn cầu cứu của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lên Chính phủ.
Nơi thì than lỗ hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng; nơi thì lo vỡ nợ, nơi thì xin cơ chế… Muôn vàn lời thở than cũng như nghìn lẻ một đề xuất “xin” hỗ trợ, “xin” giải cứu.
Trước hết, cần nói rõ là ở đây, người viết xin không bàn tới gói hỗ trợ người dân 62.000 tỷ đồng mà chỉ đề cập đến những chính sách liên quan đến thuế phí và lãi suất, chủ yếu hướng về đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Người viết cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn này là cần thiết, rất nhân văn nhưng cũng vô cùng thiết thực.
Sự sống còn của một doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa với riêng người chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đó mà hơn thế, còn gắn với số phận của hàng trăm, hàng nghìn người lao động, gắn với thu ngân sách Nhà nước và có khi còn ảnh hưởng “dây chuyền” đến số phận của những doanh nghiệp đối tác trong những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cái khó ở thời điểm này là khó chung. Như GS.Võ Đại Lược trong một lần trao đổi gần đây trên Dân trí cũng đã phân tích, nguồn lực Nhà nước có hạn nên sẽ không thể đủ để can thiệp đại trà mà phải xác lập ưu tiên để can thiệp có chọn lọc.
Thực tế là hiện nay, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó, mà một loạt tổng công ty, tập đoàn lớn rồi các doanh nghiệp bất động sản đều kêu khó khăn vì Covid-19.
Câu hỏi đặt ra là: Cứu ai? Cứu rồi có “sống” được hay không? Cứu mà không có cơ hội “sống” thì có nên cứu?
Theo ông Lược, quy luật thị trường là “khỏe sống, yếu chết”, chúng ta phải chấp nhận sẽ có những doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường, có “cứu” cũng không được. Chưa kể một số các doanh nghiệp lớn vốn có tiềm lực tài chính thì nên để họ tự lực.
Việc hỗ trợ cũng nên hướng tới một số ngành mũi nhọn của Việt Nam và dễ bị tổn thương như du lịch, nông nghiệp… Biện pháp hỗ trợ cần phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như các nguyên tắc vận hành của thị trường. Không can thiệp sâu hay quá đà.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình (Economica Vietnam) thì đưa ra bình luận “đã xông pha làm doanh nghiệp thì đừng cứ trông chờ vào sự giải cứu của Nhà nước”.
Câu nói của ông Bình khiến người viết nhớ lại thời điểm 8 năm trước, khi kinh tế vẫn chưa thể vực dậy sau khủng hoảng 2008, cố TS Alan Phan, cũng là một doanh nhân nổi tiếng đã đưa ra lời khuyên rằng: “Hãy để chúng chết đi”.
Nghe có vẻ cực đoan và cho đến nay vẫn chưa hết tranh cãi, song có một chân lý luôn đúng: “Đồng tiền phải gắn liền khúc ruột”. Việc giải cứu, hỗ trợ bằng tiền cần phải thận trọng và đúng đối tượng, nếu không, khó mà tránh khỏi đau đớn.
Sẽ là vô lý nếu dùng ngân sách (mà đúng là ra tiền thuế của dân) để cứu những doanh nghiệp Nhà nước vốn dĩ đã nợ chồng, nợ chất, quản trị kém hiệu quả ngay cả trong điều kiện các năm trước khi kinh tế vẫn đang phát triển.
Cũng là không sòng phẳng khi các ngân hàng phải làm “con tin”, đối mặt nguy cơ nợ xấu để giải vây cho những doanh nghiệp làm ăn kém minh bạch.
Chi bằng, nên coi đây là một cơ hội để “sàng lọc”, dồn lực hỗ trợ những doanh nghiệp tốt, có triển vọng.
Đương nhiên, với nguồn lực có hạn về vốn, thì việc tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế chính sách, tạo thông thoáng về thủ tục hành chính… sẽ là phương án khả thi hơn và cũng thiết thực hơn.
Bích Diệp/DT