Ai sẽ sát hạch, cấp bằng lái xe: Công an hay Giao thông?
Việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe được kiến nghị chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe sắp tới sẽ do ai quản lý: ngành công an hay giao thông?
Chính phủ vừa có tờ trình dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua là để Bộ Công an hay Bộ GTVT quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe.
Các bộ thống nhất phương án
Theo tờ trình, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới…
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản đồng ý thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên.
Dự luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an chủ trì soạn thảo trên cơ sở “tách” một phần nội dung Luật giao thông đường bộ. Chính phủ cũng đồng thời trình Quốc hội xem xét dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) thời gian tới.
Bộ Công an: Đảm bảo quản lý xuyên suốt
Tại phiên họp thường trực mở rộng, Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chiều 7-9, Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết so với quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2008, dự án luật lần này đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn.
Đối với quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, do vẫn còn có ý kiến khác nhau nên Chính phủ vẫn báo cáo Quốc hội hai phương án. Phương án 1: đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phương án 2: dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Đại diện Bộ Công an cho rằng người lái xe vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Theo Bộ Công an, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Công an cho rằng việc đưa các quy định này vào phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, đa số thành viên Chính phủ đã đồng ý với phương án 1.
Bộ GTVT: Thấy tốt hơn thì chúng tôi ủng hộ
Tại phiên thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Quốc phòng – an ninh dự cuộc họp cũng nhất trí với phương án được Chính phủ lựa chọn. Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên thường trực ủy ban quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào thời gian tới.
Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng những vấn đề về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thực tế vừa qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Đến thời điểm này, đưa các nội dung này (từ Luật giao thông đường bộ – NV) sang Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
“Thời gian tới chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tốt người điều khiển phương tiện giao thông thì Bộ Công an thống nhất quản lý là cần thiết. Chúng ta cần giải pháp mạnh cho lĩnh vực này, Bộ GTVT rất đồng tình, thấy tốt hơn thì chúng tôi ủng hộ” – ông Thọ nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cung cấp thêm thông tin: “Vấn đề này đã được phân định rõ ràng trong quyết định của Chính phủ, bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã thống nhất những nét cơ bản. Ví dụ vấn đề sát hạch cấp giấy phép lái xe, bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an chủ trì sát hạch”.
Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có gì mới?
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có tờ trình số 394/TTr-CP về dự án Luật giao thông đường bộ gửi Quốc hội. Theo đó, so với Luật giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.
Điểm đáng chú ý là các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển, đăng ký xe, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo luật này (do đã thống nhất với Bộ Công an chuyển nội dung sát hạch lái xe qua Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ – NV).
Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) có một số điểm mới: bổ sung quy định ôtô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng; bổ sung quy định kiểm soát khí thải định kỳ, đèn tín hiệu nhận diện đối với môtô, xe máy; bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ xe như: kiểm tra định kỳ về khí thải môtô, xe máy…
Tránh nhầm lẫn, chồng chéo
Tham gia thảo luận về nội dung dự án luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt băn khoăn về việc “tách” hai dự luật nêu trên.
Bà Nguyệt cho rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông được đảm bảo bởi tổng thể các yếu tố gồm hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, các quy tắc giao thông và đào tạo, sát hạch, xử lý vi phạm…
“Chúng tôi nghĩ phải làm thế nào để người dân hiểu được và hai luật trên không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, thành quyền anh, quyền tôi” – bà Nguyệt nói.
Tới đây, dự luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
* Ông Nguyễn Văn Quyền (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam): Tôi từng ý kiến không cần chuyển
Chính phủ đã có nghị quyết và các bộ GTVT, Công an đã thống nhất chuyển vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trước khi có sự thống nhất này, tôi đã có ý kiến là từ năm 1995 Chính phủ đã chuyển đào tạo lái xe từ Bộ Công an sang Bộ GTVT, việc này thực hiện mấy chục năm qua cũng ổn định, công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng có nhiều đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế nên không cần chuyển qua Bộ Công an quản lý nữa.
—–
* TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức): Phải làm có lộ trình, tránh tiêu cực
Việc chuyển giao công tác sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an quản lý là phù hợp vì Bộ Công an có lợi thế trong quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm liên quan tăng tính răn đe, giúp thay đổi ý thức giao thông hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Bộ Công an sẽ có những bước tiếp nhận, triển khai như thế nào trong thời gian tới, làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo?
Theo tôi, trước hết Bộ GTVT có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ những chính sách, công nghệ quản lý, dữ liệu quản lý cho Bộ Công an. Căn cứ vào đó, Bộ Công an cần sớm triển khai một nghiên cứu, phân tích đánh giá xem thực trạng công tác sát hạch và cấp giấy phép lái xe hiện nay có ưu điểm và nhược điểm gì. Từ đó lập ra một lộ trình chuyển giao, chương trình củng cố những hạn chế trong quá trình sát hạch mà Bộ GTVT chưa khắc phục được. Phải triển khai từng bước, có những chính sách cải cách cho phù hợp với hiện trạng giao thông ở Việt Nam, giải quyết các vấn đề tồn đọng nhiều năm qua trong lĩnh vực sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Đồng thời Bộ Công an cần nghiên cứu kỹ, xem cách làm của các nước tiên tiến để tiếp thu có chọn lọc. Chúng ta cần áp dụng khoa học công nghệ nhiều hơn vào công tác thực hiện, giám sát sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hạn chế tiêu cực xảy ra trong sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Công tác sát hạch và cấp giấy phép lái xe có đảm bảo chất lượng thì tỉ lệ vi phạm giao thông, tai nạn giao thông cũng theo đó mà giảm.
—–
Các nước: Cơ quan dân sự cấp phép, sát hạch giấy phép lái xe
Phần lớn các nước việc sát hạch giấy phép lái xe đều do cơ quan dân sự đảm nhiệm.
– Ở Trung Quốc, Cục Quản lý giao thông là đơn vị lo việc này. Quy trình tương đối đơn giản, chỉ cần nộp đơn với đầy đủ giấy tờ quy định, sau đó tham gia lớp học, thi lý thuyết rồi thi thực hành. Quá trình này tùy thuộc vào thành phố và số lượng người nộp đơn, có thể kéo dài từ ba tháng tới một năm.
– Ở Singapore, việc sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền của Hiệp hội Quản lý ôtô Singapore. Bằng lái của Singapore cấp cho công dân có hiệu lực trọn đời, nhưng nếu tài xế vi phạm luật giao thông mà bị trừ hết 13 điểm thì sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe và phải thi lại.
– Ở Nhật Bản, giấy phép lái xe do ủy ban an toàn công cộng của chính quyền tỉnh cấp và được Cục Cảnh sát quốc gia giám sát.
– Tại Mỹ, việc này do chính quyền mỗi tiểu bang thực hiện chứ không có quy định chung. Tuy nhiên giấy phép lái xe do một bang cấp có hiệu lực trên cả nước và một bang có thể đình chỉ bằng lái của công dân bang khác nếu người đó vi phạm giao thông tại địa phương. Do tùy theo bang nên cơ quan cấp giấy phép cũng không giống nhau, có thể là Cục An toàn công cộng, Cơ quan Quản lý xe cơ giới hay Sở Giao thông…
LÊ KIÊN – TUẤN PHÙNG – THÂN HOÀNG/TT