+
Aa
-
like
comment

Ai sẽ là người nắm quyền điều hành kinh tế của Trung Quốc thời gian tới?

Bảo Trâm - 17/10/2022 10:45

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ phải nghỉ hưu sớm một chút (ông sẽ 67 tuổi tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20, độ tuổi mà các chính trị gia trong Bộ Chính trị Trung Quốc thường được bầu nhiệm kỳ 5 năm mới). Câu hỏi được đặt ra “Ai sẽ là người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Trung Quốc của ông Lý Khắc Cường, nắm quyền điều hành kinh tế của Trung Quốc thời gian tới?”.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội XX

Với kinh nghiệm công tác dày dạn, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương được coi là ứng viên tiềm năng cho vị trí người đứng đầu chính phủ trong nhiệm kỳ tới.

Năm 2022, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, theo Tân Hoa xã. Dù đây là một trong những con số thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, các làn sóng dịch mà Trung Quốc vừa phải đối mặt khiến họ khó có thể đạt được mục tiêu này, giới phân tích quốc tế nhận định.

Trong bối cảnh đó, vị thủ tướng tương lai của Trung Quốc sẽ được công bố ở Đại hội XX của Trung Quốc sẽ phải đảm đương trọng trách nặng nề: Phục hồi đà phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một số nhân vật trong giới doanh nghiệp Trung Quốc đã đề cử Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (Chính hiệp) Uông Dương, người đứng thứ tư trong danh sách 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, theo Nikkei.

Ông Uông được coi là người có cả kinh nghiệm điều hành, quản lý kinh tế và mối quan hệ tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng được kỳ vọng sẽ thay Thủ tướng Lý Khắc Cường trở thành “lá cờ đầu” của công cuộc cải cách mở cửa tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Thủ tướng Lý Khắc Cường

Hành trình chính trị

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ trên 5 năm trước, ông Uông thường có các phát ngôn thể hiện sự trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Uông đôi khi được coi thuộc về nhóm các chính trị gia từng là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Dù vậy, trên thực tế, mối liên hệ duy nhất giữa chính trị gia này và tổ chức trên là quãng thời gian ông là cán bộ Đoàn cấp cao tại tỉnh An Huy vào đầu thập niên 1980. Khác với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Lý Khắc Cường hay Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa, ông Uông không là thành viên của cơ quan lãnh đạo Đoàn cấp trung ương.

Ông Uông sinh năm 1955 trong một gia đình nghèo khó. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm việc ở một nhà máy thực phẩm. Tới cuối thập niên 1980, ông được bổ nhiệm là thị trưởng Đồng Lăng thuộc tỉnh An Huy, nơi ông tiến hành cải cách chính quyền địa phương và các doanh nghiệp công.

Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Uông Dương

Trong chuyến “Nam tuần” nổi tiếng năm 1992, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được cho là đã có cuộc gặp với ông Uông – khi đó là cán bộ địa phương trẻ tuổi, có nhiều thành tích trong công cuộc cải cách mở cửa – ở An Huy. Sau đó, sự nghiệp của ông Uông đi lên nhanh chóng.

Ông trở thành phó tỉnh trưởng An Huy, phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Phát triển Nhà nước, phó tổng thư ký Quốc vụ viện, bí thư thành ủy Trùng Khánh rồi bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Sau đó, ông được đề bạt làm phó thủ tướng Trung Quốc, trước khi đảm nhận cương vị chủ tịch Chính hiệp.

Theo Nikkei, với việc Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường sẽ rời cương vị này, một chính trị gia khác sẽ thay ông Lý để dẫn dắt công cuộc cải cách mở cửa.

Đặc biệt, người kế nhiệm ông Lý cần sự khéo léo về mặt chính trị để thuyết phục ông Tập trong các quyết định chính sách. Do đó, sự thân thiết với nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẽ là điểm cộng với các ứng viên.

Các quy tắc ngầm

Theo quy định của hiến pháp Trung Quốc, một cá nhân chỉ có thể đảm nhiệm cương vị thủ tướng không quá hai nhiệm kỳ. Trong cuộc họp báo hồi tháng 3, ông Lý Khắc Cường cũng xác nhận đây là năm cuối cùng chính trị gia này làm thủ tướng.

Một nhân tố khác cho thấy ông Uông có khả năng trở thành thủ tướng mới của Trung Quốc là thông lệ lựa chọn người đứng đầu chính phủ từ các chính trị gia từng là phó thủ tướng. “Quy tắc ngầm” này đã tồn tại từ năm 1976, khi Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời.

Các Phó thủ tướng Trung Quốc (từ trái sang): Lưu Hạc, Tôn Xuân Lan, Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa

Ngoài ra, vị tân thủ tướng thường cần có kinh nghiệm thực tế về quản lý kinh tế – tài chính. Ông Uông từng là phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại từ năm 2013 đến năm 2018.

Trên cương vị này, ông cũng nhiều lần tham gia các hoạt động đối ngoại. Trang Nikkei nhận định, ông Uông từng có hành động “hiếm thấy” khi nói đùa trong bài phát biểu tại cuộc đối thoại chiến lược Mỹ – Trung được tổ chức ở Washington, D.C. năm 2013.

Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường cũng được coi là một ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế thủ tướng. Dù vậy, ông chưa từng có kinh nghiệm làm việc ở cấp trung ương.

Trong khi đó, dù có đủ năng lực và kinh nghiệm, Phó thủ tướng thứ nhất Hàn Chính đã 68 tuổi – độ tuổi phải nghỉ hưu theo quy tắc không chính thức “7 lên 8 xuống” tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa cũng là một ứng viên.

Là thành viên trẻ tuổi nhất trong Bộ Chính trị hiện nay, ông Hồ được coi là một trong những “ngôi sao đang lên” trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Trước khi trở thành phó thủ tướng, ông Hồ là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Người tiền nhiệm của ông ở vị trí này chính là ông Uông.

Một trong những vấn đề ông Uông có thể phải đối mặt là tuổi tác. Năm nay đã 67 tuổi, ông có thể chỉ công tác thêm được một nhiệm kỳ. Dù vậy, ông có thể học tập cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ – người cũng chỉ làm một nhiệm kỳ từ năm 1998 tới năm 2003.

Trong thời gian nắm quyền, ông Chu đã cải cách thể chế và các doanh nghiệp nhà nước, mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông cũng chính là người bổ nhiệm ông Uông làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Phát triển Nhà nước năm 1999.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều