Ai sẽ là người chiến thắng sau chiến tranh thương mại Mỹ – Trung?

Đó chính là câu hỏi và cũng là tiêu đề vừa được trang Wall Street Journal đăng tải. Qua đó cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những động thái vô cùng cứng rắn, không có được sự nhượng bộ từ phía bên kia. Thực tế cho thấy, cả hai quốc gia đều đang chịu không ít thiệt hại trên nhiều trận địa.

Từ năm 2018 đến năm 2020, giữa Mỹ và Trung Quốc liên tiếp xảy ra những cuộc chiến thương mại lớn, kéo theo hàng loạt các loại thuế quan tăng cao và đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái. Cũng kể từ đó, cuộc chiến thương mại này đã trở thành đề tài nghiên cứu của rất nhiều giới chuyên gia tài chính nổi tiếng trên thế giới.

Dạo gần đây, có một số ý kiến cho rằng Mỹ – quốc gia khởi xướng cuộc chiến là kẻ thua cuộc. Mặc dù áp một mức thuế cực kỳ cao, lên đến 75% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng rõ ràng Mỹ đã không thể dành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Bởi có rất nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ đã chịu nhiều mất mát khi căng thẳng giữa hai nước ngày càng tăng nhiệt.

Đầu tiên phải kể đến chuyến công du tới Bắc Kinh vào tháng 5/2018 của cựu Tổng thống Donald Trump. Khi đó, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc cắt giảm thâm hụt thương mại song phương 200 tỷ USD, chấm dứt trợ cấp cho các ngành công nghệ cao, ngừng thi hành chính sách bắt buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Danh sách này nhiều đến nỗi Michael Pillsbury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson và là người ủng hộ Tổng thống Trump cũng phải thốt lên: “Việc này tương tự như việc người Trung Quốc bay tới Mỹ và yêu cầu chúng tôi thay đổi hiến pháp của mình vậy”.

Để gây sức ép lên Trung Quốc, chính quyền của ông Trump đã thực hiện bốn đợt tăng thuế, đẩy mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc từ 3,1% lên 21%. Theo tính toán của các nhà kinh tế học Pablo Fajgelbaum thuộc Đại học Princeton và Amit Khandelwal của Đại học Columbia, hành động này đã làm cho nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu thiệt hại một cách nghiêm trọng.

Sau hàng loạt tổn thất, hai bên đã phải ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020 để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn giữ nguyên gần như tất cả các loại thuế quan, và Trung Quốc chỉ thực hiện 60% những gì đã cam kết nên gần như tình hình chẳng có điều gì thay đổi.

Ông Clete Willems, một nhà đàm phán thương mại của chính quyền Trump và hiện làm tại hãng luật Akin Gump, cho biết: “Rõ ràng, Trung Quốc họ không hề thay đổi. Chúng tôi đã làm cho giá cả hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn, nhưng họ vẫn đang duy trì những chính sách của mình”.

Theo ông, trận chiến đã chỉ ra cách mà Trung Quốc đã sử dụng để làm giàu trên lưng của người lao động Mỹ và dựa vào trợ cấp để gây áp lực lên các công ty của quốc gia này. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là để mọi người thấy rằng Trung Quốc là một vấn đề – một mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ. Nhưng cũng chính điều này đã khiến kinh tế Mỹ chịu nhiều tổn thất.

Nhìn chung, các quan chức Trung Quốc tin rằng chiến thương mại này gây tổn hại cho Mỹ nhiều hơn so với Trung Quốc, chẳng hạn áp lực lạm phát gia tăng tại Mỹ do chính quyền nước này tăng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đặc biệt, lạm phát hiện đang là mối đe dọa lớn đối với chính quyền của ông Biden khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11/2022. “Thuế quan là di sản độc hại của chính quyền Trump mà chính quyền của ông Biden nên xóa bỏ”, một quan chức thương mại cấp cao của Trung Quốc nói.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Trung Quốc đã thắng, thậm chí cũng là kẻ thua cuộc.

Trước hết là việc mất hết uy tín và hình ảnh trên thương trường quốc tế.

Theo đó, Từ khi chính quyền ông Trump lên cầm quyền, Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc là nguồn cơn của đại dịch COVID-19. Đến thời chính quyền ông Biden, Mỹ đã tiếp tục xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và Nga.

Theo một cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 82% người Mỹ hiện không có thiện cảm với Trung Quốc, trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức 47% vào năm 2018. Một cuộc thăm dò của Gallup năm ngoái cho thấy 45% người Mỹ coi Trung Quốc là “kẻ thù lớn nhất” của nước Mỹ – gấp 4 lần so với năm 2018.

Một số dẫn chứng cũng chỉ ra rằng rằng thuế quan siêu cao đã gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc khiến họ phải tăng chi phí, đặc biệt là việc mua công nghệ trí tuệ cao của Mỹ. So với Mỹ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại, vì vậy thuế quan khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn.

Rạn nứt với Trung Quốc, cùng với việc gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch COVID-19 cũng đã thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển địa điểm khỏi Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc mất mát vô cùng lớn.

Theo khảo sát của Kearney, một công ty tư vấn quản lý, gần 80% giám đốc điều hành của các công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc cho biết họ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ về Mỹ hoặc có kế hoạch làm việc đó trong ba năm tới.

Không dừng lại, hàng trăm ông lớn toàn cầu cũng đã và đang có kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với mong muốn tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn, ít hạn chế, cũng như tránh phụ thuộc vào quốc gia tỉ dân lúc nào cũng hiếu chiến như Trung Quốc.

Ngoài ra, theo các nhà kinh tế học tại đại học Bắc Kinh, đại học Phúc Đán và các trường đại học hàng đầu khác của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với thuế quan của Mỹ xuất khẩu sang Mỹ ít hơn.

Theo ước tính của Yang Zhou, một nhà kinh tế tại đại học Phúc Đán, về tổng thể, tổn thất GDP của Trung Quốc thậm chí còn cao gấp ba lần Mỹ.

Có một điều phải thừa nhận rằng, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang suy giảm. Họ ước tính thu nhập bình quân đầu người giảm ít nhất 2,5% từ khi cuộc chiến giữa Mỹ – Trung nổ ra.

Trung Quốc và Mỹ đều đang chịu tổn thất vô cùng nặng nề, nhưng cũng chính từ đó khiến các nền kinh tế đang phát triển có cơ hội tỏa sáng.

Chính những chính biến và căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và thế giới nổ ra, các tập đoàn mới cảm nhận được bất lợi khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi ngoài kia còn có những thị trường vô cùng tiềm năng hơn nhiều.

Theo tính toán của Kearney, xuất khẩu hàng chế tạo của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2021 giảm hơn 50 tỷ USD so với năm 2018, do thuế quan làm tăng chi phí đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng trong khoảng thời gian này xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng thêm 50 tỷ USD.

Từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, Việt Nam nổi lên trong mắt thế giới bởi vị trí địa lí thuận lợi, nhân công giá rẻ, tay nghề cao, môi trường ổn định – an toàn. Đặt biệt, Việt Nam lại là quốc gia nổi tiếng ôn hòa bậc nhất trên thế giới.

Từ đó, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn ra. Đi theo con đường của các quốc gia châu Á khác, Việt Nam đã chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện cơ sở hạ tầng và mở rộng nhiều chương trình ưu đãi, thu hút đầu tư dài hạn.

Trước đây Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong những ngành sản xuất hàng xuất khẩu thâm dụng lao động như may mặc và đồ nội thất, nhưng giờ đây quốc gia này đã trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử, với các khoản đầu tư lớn của Intel Corp. và Samsung Electronics.

Trinh Nguyen, kinh tế gia của Natixis tại Hồng Kông, cho biết: “Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội mà cuộc khủng hoảng mang lại. Chiến tranh thương mại là một trong những cuộc khủng hoảng như vậy”.

Alex Shuford, Giám đốc điều hành của RHF Investments Inc., một nhà sản xuất đồ nội thất ở Hickory, đã chuyển đơn hàng ghế da từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi thuế quan khiến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên quá đắt đỏ.

Theo Moody’s Analytics, một công ty dữ liệu thị trường, 46% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ hiện là thiết bị điện tử, gấp ba lần so với trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra.

Luxshare Precision Industry Co., nhà cung cấp linh kiện cho Apple Inc. và các công ty khác của Mỹ, là một trong nhiều công ty Trung Quốc viện dẫn thuế quan của Mỹ là lý do để họ mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Năm 2019, Luxshare tuyên bố sẽ xây dựng 4 nhà máy tại Việt Nam. Cho đến nay, công ty đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch chuyển một phần ba sản lượng sản xuất của mình sang Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả những dự đoán đều đang mang tính tạm thời. Bởi vì cuộc chiến vẫn còn chưa dừng lại, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng cam go khi cả hai đều đang toan tính các chiến lược tập hợp đồng minh nhằm đối đầu lẫn nhau trong việc gia tăng sức ảnh hưởng về kinh tế, chính trị tại khu vực

“Chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau 25 đến 50 năm nữa. Hãy để thời gian trả lời tất cả”, nhà kinh tế học Chor, thuộc Dartmouth cho biết.

Thực hiện: Lan Hoa

Đồ họa: M.N