+
Aa
-
like
comment

Ai muốn hy sinh để người thân hưởng lợi?

26/10/2020 16:34

Dạo gần Tết của mấy năm trước, nhà đài VTV có làm một phóng sự mang tên “Phép màu ngày Tết”. Trong phóng sự ấy, nhà đài sử dụng công nghệ máy quay 360 độ, ghi lại toàn bộ hình ảnh không khí đón Tết và truyền trực tiếp tất cả những hình ảnh đó từ quê nhà đến cho anh bộ đội biên phòng ở Lý Sơn thông qua một loại kính 360 độ đặc biệt. Trong đoạn phim ngắn đó, chị vợ anh nói rằng: “Lúc mới yêu, anh ấy có nói với mình như thế này, lấy chồng bộ đội rất là vất vả, thế em có làm được không? Và chị vợ đáp lại: “Yêu anh, em sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn”.

Ảnh minh họa người phụ nữ đang gặp phải đau thương.

Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tại các địa điểm miền núi, vùng cao giáp biên giới tại Hướng Hóa, Quảng Trị. Trong ngày 17/10, đoàn 337 thực đã thực hiện hành quân hơn 30km để đến địa bàn xã Hướng Việt thực hiện việc cứu nạn, hỗ trợ đồng bào. Anh em chiến sĩ trở về đơn vị đúng nửa đêm rạng sáng ngày 18/10 và tranh thủ chút thời gian nghỉ ngơi nhanh chóng để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Nhưng chỉ mấy chục phút sau, bi kịch đã đến theo một cách vô cùng bất ngờ và thương đau.

Một người dân sống gần doanh trại của đoàn 337 nói rằng: “Họ vừa đi giúp đỡ đồng bào về chưa kịp nghỉ ngơi”. Chúng ta có những người anh hùng, vừa ngả lưng nghỉ ngơi sau cả ngày vượt đèo băng dốc núi để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại Rào Trăng. Và rồi, các anh nghỉ ngơi vĩnh viễn, sau đó trở về với gia đình mà không nói được lời từ biệt.

Chúng ta thường nghĩ rằng thời điểm hiện tại, đất nước đang hòa bình và an vui. Nhưng tại Trường Sa, nơi đầu sóng của Tổ Quốc, vẫn có những hi sinh mà đại đa phần chúng ta ít biết hoặc ít chú ý đến. Năm 2013, chiến sĩ Đinh Văn Nam hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại đảo Phan Vinh hay năm 2014, chiến sĩ Phan Văn Hạnh hy sinh khi làm nhiệm vụ tuần tra tại đảo Tốc Tan C. Nơi đảo xa, không phải chỉ có sóng dữ, ở đất liền bình yên, không có nghĩa là ngoài đó cũng vậy.

30 năm bộ đội nhà giàn kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hay nhắc một chút về những công trình nhà giàn DK, những công trình mọc lên vững chãi giữa biển khơi, nhưng biết bao nhiêu người đã ngã xuống để những công trình vững chãi ấy “đứng lên”. Có những chiến sĩ may mắn tìm được thi thể, có những người khác thì mãi mãi nằm lại dưới biển, và số khác thì yên vị ở một góc đảo, không nỡ rời đi và đồng hành cùng những đồng đội đang sống và trực chiến bằng phần linh hồn ở lại.

Hòa bình là điều tự nhiên có hay phải đấu tranh? Hy sinh là điều không ai muốn nhưng đôi khi là điều cần phải đánh đổi. Nếu họ bỏ chạy thì ai sẽ cứu mọi người? Nếu họ từ chối lao thân vào khó khăn thì ai sẽ ra đi?

Chúng ta được dạy về việc tôn vinh những người anh hùng đã khuất, ghi nhớ công lao của cha ông trong quá khứ. Rằng để có được những ngày hòa bình, đã có hàng triệu người ngã xuống, và họ chấp nhận ngã xuống một cách rất an nhiên và bình tâm. Nhưng để giữ vững sự hòa bình, đưa Tổ Quốc vượt khó khăn, có rất nhiều người cũng sẵn sàng hi sinh giữa thời bình, đó là một truyền thống quý báu, cũng là nỗi đau.

Nhiều cái Tết xa nhà, các chiến sỹ trong đất liền mang quà Tết của người dân Hưng Yên gửi tặng chiến sĩ đang canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cứ thi thoảng, có người “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” khi đưa bảng lương của ngành quân đội, công an ra so đo với các ngành nghề khác, họ cho rằng các ngành này hưởng đặc quyền quá cao, gây ra nhiều mâu thuẫn xã hội. Mới tháng 5 vừa rồi, một số cử tri gửi kiến nghị đến Bộ Nội Vụ nhằm mục đích rà soát, tính lại và điều chỉnh bảng lương cho các cán bộ, chiến sĩ ngành quân đội và công an.

Có không ít người tị nạnh với những người vợ của các chiến sĩ đã hy sinh vì các chị được tạo điều kiện vào làm việc tại các đơn vị quân đội. Dạo trước, một vài cư dân mạng cũng “nói ra nói vào” về trường hợp anh Dương – người sống sót trong vụ rơi máy bay quân sự tại Hòa Lạc được nhà nước trợ cấp nhà, vợ và gia đình anh được tạo điều kiện làm việc. Rồi thường ngày, cứ thi thoảng là câu chuyện “thuế” lại được nhắc đến, rằng các chiến sĩ nhận lương từ “thuế” dân, rồi họ phải làm thế, là nhiệm vụ, là điều bắt buộc. Họ nhận lương cao từ “thuế” thì họ phải hy sinh.

Có vài người nói rằng các chị sướng nhỉ, chồng mất thì lấy người khác, rồi con cái thì không phải lo mấy vì được đi học và trợ cấp miễn phí. Đôi khi, chẳng thể hiểu được là có những người suy nghĩ như vậy, hẹp hòi và ích kỷ như vậy. Những nỗi đau hay mất mát, chẳng thứ gì có thể bù đắp được. Vậy bây giờ đặt câu hỏi thế này, những người đó có dám hy sinh để người thân của họ được hưởng những quyền lợi đó không?

Vơ của 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh ở Rào Trăng sẽ được nhận vào quân đội.

Khi làm nhiệm vụ, các chiến sĩ chỉ quan tâm đến những điều họ mà làm cho mọi người, đó là việc cứu giúp người dân, hy sinh vì nền độc lập. Họ không màng đến những quyền lợi mà người thân của họ nhận được. Vì không ai muốn chết, ai cũng ham sống cả, không gia đình nào muốn mất đi người thân, người thân nào cũng muốn chồng, con trai trở về.

Chúng ta cần phải giúp đỡ, tri ân gia đình và người thân của các chiến sĩ đã hy sinh. Phải luôn nhớ rằng, sau hòa bình, sau bão tố, sau bình yên, là biết bao nhiêu người nằm xuống. Xin mượn tạm câu nói của người vợ ở đoạn đầu bài để kết thúc: “Yêu anh, em sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn”.

Tifosi

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều