+
Aa
-
like
comment

Ai mới là người yêu nước?

Bảo An - 10/08/2020 17:43

Một trong những chiêu bài thường xuyên được các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đưa ra để tấn công Đảng, Nhà nước Việt Nam là tung ra những luận điệu mang tính hù dọa người dân. Đằng sau những lời lẽ tưởng chừng như “vì nước vì dân”, tưởng như mang nặng tâm tư, tình cảm với đất nước lại là những bộ mặt đầy hận thù đối với Tổ quốc.

Gần đây, Đỗ Ngà – một cây viết cộm cán trong giới “dân chủ” – đưa ra bài viết với tiêu đề “Tương lai Việt Nam đang đi trên một cỗ xe không phanh”. Sau khi bài viết được tung ra, như thường lệ, hàng loạt trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức chống đối, cơ hội chính trị đã lan truyền, chia sẻ. Những luận điệu được đưa ra thể hiện rõ tư tưởng hận thù đối với Đảng.

Luận điệu xuyên tạc được rêu rao

Một trong những luận điệu được các đối tượng đưa ra để bao biện cho các hành vi sai phạm của bản thân là yêu nước. Các đối tượng luôn tự khoác lên mình một bộ áo đầy tính nhân văn, luôn tự coi mình là người đấu tranh vì dân chủ để lừa lọc, dối trá, huyễn hoặc người dân. Lợi dụng lòng yêu nước của người dân, các đối tượng đã dắt mũi, thậm chí là “tẩy não”, làm lệch lạc nhận thức của một số người nhẹ dạ, cả tin.

Bàn về “bàn cờ chính trị” hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này bắt nguồn từ cuộc chiến đấu chống thực dân xâm lược, đưa đất nước thoát khỏi ách kìm kẹp nô lệ lầm than trong thế kỷ XX.

Chính vì Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội nên các thế lực thù địch, chống đối và các đối tượng cơ hội chính trị không từ bất cứ thủ đoạn nào để tấn công chống phá. Đối với các thế lực thù địch, việc tấn công vào Đảng là một cuộc chiến mang tính ý thức hệ nhằm xóa bỏ sự hiện diện cũng như vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản tại Việt Nam; từ đó đưa Việt Nam đi vào con đường tư sản, trở thành nước lệ thuộc. Với các đối tượng cơ hội chính trị, việc tấn công Đảng là nhằm chen chân và “bàn cờ chính trị” tại Việt Nam, từ đó tranh giành quyền lãnh đạo đất nước, đạt được những lợi ích cá nhân. Với một số đối tượng thuộc chế độ cũ, việc tấn công chống phá chính quyền là để thiết lập lại những đặc quyền, đặc lợi gắn liền với chế độ cũ mà các đối tượng đã từng được hưởng. Suy cho cùng, đằng sau những luận điệu, lời lẽ tưởng như đầy tính nhân văn, nhân đạo được các đối tượng đưa ra lại là những mưu mô, toan tính để tranh giành quyền lực, lợi ích.

Trong nhiều bài viết được đưa ra, các đối tượng cố tình reo rắc quan điểm một đảng lãnh đạo là không dân chủ, đòi yêu sách thành lập “Đảng đối lập” vì “Trong một chiếc xe, đã có động cơ thì phải có phanh. Cỗ xe ngựa cũng vậy, đã có roi thì phải có dây cương. Tương tự như vậy, bộ máy nhà nước cũng cần phải có 2 bộ phận như vậy. Có đảng cầm quyền đưa đất nước di chuyển thì phải có đảng đối lập để có thể hãm lại những chính sách sai lầm của đảng cầm quyền chứ? Đó là điều kiện cần thiết để đất nước tránh đi những sai lầm lớn”. Đây là một luận điệu mang tính phiến diện và quy chụp.

Thực tế, khi xem xét các mô hình tổ chức nhà nước hiện nay trên thế giới, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chỉ có một Đảng lãnh đạo là Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là kết quả của thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước, khi mà Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo, tập hợp, quy tụ sức mạnh, ý chí của quần chúng nhân dân để từ đó chiến thắng thực dân xâm lược. Việc Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất được quy định trong Hiến pháp.

Việc một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo đất nước không phải là nguyên nhân dẫn đến những “sai lầm lớn” như các đối tượng rêu rao. Một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo là tùy thuộc vào thực tiễn pháp lý và tình hình thực tế tại mỗi quốc gia. Không phải khi nào có nhiều đảng lãnh đạo đất nước cũng phát triển. Nên nhớ, tại các quốc gia Trung đông – nơi mà nhiều đảng tồn tại – đang diễn ra những cuộc nội chiến vô cùng nóng bỏng. Việc tồn tại các đảng phái đối lập tại đây không những không giúp đất nước phát triển, thịnh vượng mà lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự chia tách đất nước, chiến tranh liên miên.

Quay lại với Việt Nam, dù Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng tình hình thực tế không hề tăm tối như những gì được các đối tượng tô vẽ ra. Tại Việt Nam, khủng bố, đánh bom không diễn ra; tại Việt Nam, hòa bình, ổn định được giữ vững; tại Việt Nam, kinh tế đang ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng ấm no v.v… Hơn ai hết, chính những người dân Việt Nam là những người cảm nhận sâu sắc nhất những giá trị đáng trân trọng của cuộc sống hiện tại.

Tại Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, tất cả đều thuộc về quần chúng nhân dân. Nhân dân là những người làm chủ đất nước. Trong đó, Đảng là đại diện của quần chúng nhân dân, là đội ngũ tiên phong của quần chúng nhân dân, giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Quyền lực nhà nước tại Việt Nam có sự phân công, phối hợp, kiểm soát. Việc kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện bởi nhiều chủ thể, thông qua hình thức, phương tiện với những nội dung và quy trình kiểm soát khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Trong đó, nhân dân là những người giám sát quan trọng nhất đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước. Mỗi người dân là một người giám sát. Vì vậy, tại Việt Nam không cần những “đảng đối lập” giám sát quyền lực.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều