+
Aa
-
like
comment

Ai là người chống lưng cho các giang hồ mạng?

16/09/2020 07:08

Nếu chú ý ta sẽ thấy sau khi Bộ công an thay đổi một số Giám đốc Công an các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc thì hàng loạt “Giang hồ mạng” như Đường Nhuệ, Phú Lê, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng, Quang Zăm Bô… bị bắt, bị khởi tố. Trước đó là Khá Bảnh. Trong Sài Gòn là Phúc XO… Hầu hết những “soái ca” trên mạng xã hội này đều có đặc điểm chung: Xăm trổ đầy mình, đầu trọc, mang kính đen, cổ đeo dây chuyền bự chảng, nhẫn, lắc tay… món nào món nấy to đùng, chỉ có điều không biết vàng thật hay… đồ hàng mã.

 

Một đặc điểm chung khác của “Giang hồ mạng” ngoài chuyện khoe số má, khoe giàu, khoe nhà lầu, xe xịn, khoe mác doanh nhân thành đạt… thì đều kiếm tiền bằng việc cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ mướn, buôn ma túy và dùng những thủ đoạn tàn bạo để ức hiếp người cô thế, đánh đấm thẳng tay người già và chơi bẩn lẫn nhau nếu bị xâm phạm quyền lợi. “Giang hồ mạng” nổi lên trên youtube bằng cách live stream tán tụng lẫn nhau, khoe việc làm từ thiện, dạy đạo lý, rao giảng lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, hướng dẫn cách làm giàu và một vài “Giang hồ mạng” lại có máu văn nghệ thích ca hát, đóng phim, chơi nổi như đốt xe máy, bắt kẻ yếu thế hơn mình quỳ lạy giữa đường để phô trương thanh thế nhằm mục đích “tiếp thị” tên tuổi, phục vụ cho những phi vụ, các kiểu làm ăn bất chính.

Điều đáng ngạc nhiên là những clip “Giang hồ mạng” tung lên youtube lại rất được giới trẻ khắp nơi hâm mộ, số lượng người vào xem, chia sẻ khủng khiếp từ vài trăm ngàn tới hàng chục triệu người. Các “Giang hồ mạng” bỗng dưng nổi tiếng, phút chốc trở thành siêu sao vì là người của công chúng, được số lượng view, số lượng like hơn cả ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu… Và với suy nghĩ lệch chuẩn, kiến thức có vấn đề, văn hóa lùn, các “soái ca” cứ nghĩ mình là thần tượng của giới trẻ, của đám đông nên càng hăng máu “dấn thân”, quậy tưng bừng. “Giang hồ mạng” càng nghĩ rằng sự giàu có bất chính, tiền chúng kiếm được như nước đã mua chuộc được một số người có quyền lực để bao che cho sự lộng hành, tác oai, tác quái của chúng cũng sẽ mua chuộc được tất cả.

Nhưng “Giang hồ mạng” đã lầm. Và bằng chứng là với sự thay đổi một số Lãnh đạo Công an các tỉnh, thành vừa qua, hồ sơ gây án của chúng đều bị lật lại, và chỉ với một tội rất nhỏ, tưởng như bình thường như tham gia hút ma túy trong quán karaoke, hoặc cho đàn em gây rối trật tự công cộng, cũng đủ làm bằng chứng cho Công an mở đột phá vào hồ sơ dày cộm của chúng lâu nay bị “ém”, bị “cho qua”, như vụ Đường Nhuệ, Dũng Trọc, Phú Lê… Xã hội cho dù còn những góc khuất tiêu cực, nhưng đòi hỏi của xã hội, của người dân luôn luôn còn sự công bằng, có cán cân công lý. Và “Giang hồ mạng” hay “Giang hồ ngoài xã hội” dù có lúc, có giai đoạn lộng hành nhưng cũng không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật và những người có trách nhiệm chính trực, công tâm.

Điểm khác biệt của “Giang hồ mạng” là luôn muốn phô trương uy thế, thích khoe mặt mày, tên tuổi trên… mạng để ai cũng biết. Trong khi “Giang hồ thật” thì luôn giấu mặt, ẩn mình, hoạt động ngấm ngầm. Nên “Giang hồ thật” nguy hiểm hơn “Giang hồ ảo” rất nhiều. Thời gian qua cho thấy “Giang hồ mạng” có đất sống (đồng thời cũng là đất chết) là mạng xã hội phổ biến rộng, quan niệm giang hồ lệch chuẩn và một lượng giới trẻ ngày nay bị lệch chuẩn về văn hóa, kiến thức, ảo tưởng… tôn sùng hình ảnh “soái ca” với khí chất “chơi nổi lấy số” như đốt xe máy, bắt kẻ yếu thế quỳ lạy, tạo dựng hình ảnh “anh hùng” cá nhân như giải cứu thanh thiếu niên hư hỏng nợ nần chuộc xe, đưa về hối lỗi với cha mẹ…

Bài học “Giang hồ mạng” lẽ ra cần phải được tuyên truyền sâu rộng trên báo, đài, các kênh truyền thông tới tận nhà trường, lớp học. Thay vì cứ viết về về “ca sĩ X đau bụng đẻ, vợ của danh hài Y thích mùi hôi cơ thể của chồng…”. Còn Giáo dục thì cứ nhồi nhét vào đầu trẻ con, thanh thiếu niên hàng đống sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo trời ơi đất hỡi. Bài học “Giang hồ mạng” sẽ còn dài dài để nhắc nhở những người có trách nhiệm đối với thanh thiếu niên về sự lệch chuẩn văn hóa, thẩm mỹ, kiến thức và đạo đức.

Từ Kế Tường

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều