Ai “giải cứu” người tiêu dùng?
Cách đây ít ngày đã diễn ra một hội thảo có chủ đề “Thịt lợn – Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng”.
Tại đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có bày tỏ sự bức xúc: Khi người chăn nuôi gặp khó khăn thì người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ, nhưng khi người tiêu dùng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa nhận lại được sự sẻ chia.
Đứng trên vị trí của ông Hùng thì rõ ràng là ông có quyền đại diện cho hàng triệu người tiêu dùng Việt để nói vậy.
Bởi, cách đây hơn 3 năm, phần lớn đầu ra sản phẩm chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc, khi thương lái ép giá, lợn hơi xuống dưới 30 nghìn đồng/kg, thậm chí giữa năm 2017, giá rớt xuống còn trên 20 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi lỗ nặng.
Thời điểm đó, người tiêu dùng đã tăng cường mua thịt lợn để “giải cứu” người chăn nuôi lợn, tương tự như những lần “giải cứu” với các loại nông sản khác.
Thế nhưng hiện nay, giữa đại dịch Covid-19, khi mà nền kinh tế gặp phải khó khăn chung thì giá thịt lợn lại luôn ở mức rất cao. Tại một số siêu thị ở Hà Nội, trong ngày 15/5, giá thịt ba rọi lên tới 286 nghìn đồng/kg, sườn thăn 295 nghìn đồng/kg. Giá thịt tại các chợ dân sinh cũng ở mức 160 – 165 nghìn đồng/kg.
Nói gì thì nói, người tiêu dùng cũng không tránh khỏi cảm thấy ấm ức, bất mãn, tựa như họ đã bị “quay lưng”, bị phản bội, coi người kinh doanh thịt lợn như kiểu “qua cầu rút ván”.
Chưa hết, trong thời gian này, bất chấp yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương… cũng tìm đủ mọi cách để hạ giá thịt lợn nhưng giá mặt hàng này trên thị trường vẫn “cứng đầu”, thậm chí là tăng đều đặn.
Bức xúc lại càng thêm bức xúc khi người bán thậm chí thách thức người mua “muốn rẻ thì lên tivi mà mua”!?
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không bỗng dưng giá thịt lợn lại bị đẩy lên cao một cách vô lý như vậy. Theo lý giải của Bộ Công Thương, bản chất vấn đề thịt lợn hiện nay là câu chuyện “cung – cầu”. “Nguồn cung thiếu là rất rõ. Sản lượng thịt cung cấp cho thị trường thiếu hơn 20%, thậm chí nhiều địa phương như Bắc Giang phản ánh kể cả lợn giống, lợn thịt đều thiếu tới 50%”.
Bên cạnh yếu tố con giống rất đắt, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con thì người nuôi còn chịu áp lực bởi các loại chi phí đầu vào khác như thức ăn chăn nuôi cũng tăng mạnh.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, tuy giá lợn đắt đỏ và người tiêu dùng bị ảnh hưởng, như ở chiều ngược lại cũng chỉ một bộ phận người chăn nuôi hưởng lợi mà thôi. Theo đó, chi phí trung gian chiếm một tỷ trọng lớn trong giá bán lẻ. Mỗi khâu chỉ hưởng lợi 10% cũng đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới giá thịt.
Người viết cho rằng, rất khó có thể giải quyết được vấn đề khi các bên trách cứ lẫn nhau và đùn đẩy trách nhiệm.
Người mua đương nhiên muốn mua rẻ, còn người bán đương nhiên muốn đắt mà vẫn bán được hàng. Trong chuỗi kinh doanh, rất khó để buộc một khâu nào đó chịu gánh lỗ, hi sinh lợi ích của họ để giữ giá lợn thấp nhằm kiềm giữ CPI.
Do đó, vấn đề của nhà quản lý ở đây, thiết nghĩ là phải tạo lập được một thị trường lành mạnh, chất lượng hàng hoá được đảm bảo. Liệu có đang tồn tại sự độc quyền, lũng đoạn giá cả trong khâu nào đó của chuỗi hay không?
Và thay vì “kêu gọi” thì các bộ, ngành phải cung cấp đầy đủ thông tin về tổng đàn lợn, giá lợn thế giới, diễn biến dịch bệnh ra sao nhằm tổ chức lại hoạt động sản xuất và điều chỉnh nguồn cung. Chứ không phải đến khi hết “sốt”, một lúc nào đó, người tiêu dùng lại phải nghe tiếp điệp khúc muôn thuở: “giải cứu” và “giải cứu”!
Trước mắt, có thể giá thịt lợn vẫn còn đắt đỏ, nhưng ít nhất người tiêu dùng vẫn đang nắm trong tay “quyền” mua hay không mua, không ăn thịt lợn thì có thể thay bằng thực phẩm khác. Đó có lẽ là cách “giải cứu” cuối cùng cho túi tiền của người dân?!
Bích Diệp/DT