+
Aa
-
like
comment

Ai đổ máu giữ biển đảo đều được Tổ quốc tri ân

20/03/2022 11:07

Ngày 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương dâng hoa tại Khu cụm tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Đây là sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.

Chuyến đi của Thủ tướng gián tiếp gửi đi thông điệp đến đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài rằng Đảng, Nhà nước không bao giờ quên ơn những tấm gương hy sinh to lớn của các liệt sĩ tại đảo đá Gạc Ma cũng như trên tất cả các vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Đồng thời, đây cũng là sự thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của toàn Đảng, toàn dân quyết không để bất kỳ thế lực nào có ý đồ xâm lược nước ta.

Trong quá trình bảo vệ từng tất đất biên giới và hải đảo suốt chiều dài lịch sử đầy phức tạp của đất nước, có lẽ chúng ta cũng cần tôn trọng và ghi nhận, tri ân với cả những người đã ngã xuống trong các trận hải chiến khác cùng với mục đích bảo vệ biển, đảo.

Hai công trình tưởng niệm

Trong lịch sử hiện đại, hẳn chúng ta vẫn còn nhớ 48 năm về trước, khi hai miền Nam – Bắc còn bị chia cắt, ngày 19/1/1974, 75 sĩ quan và binh sĩ của Hải quân thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh tại cuộc hải chiến Hoàng Sa với quân đội Trung Quốc.

Trong dịp tưởng niệm ngày 64 liệt sĩ ngã xuống ngoài đảo đá Gạc Ma vừa rồi, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đã có một lá thư ngỏ đầy tâm huyết. Ông nhắc đến chuyện 75 sĩ quan và binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hoà năm xưa. Chính họ cũng đã ngã xuống khi bảo vệ biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Suy nghĩ của nguyên Thứ trưởng cũng là của nhiều người yêu nước khác. Đó có thể còn là sự trăn trở của cả cuộc đời ông, người vốn làm công tác đối ngoại cho cách mạng. Có lẽ đó cũng là lời cám ơn thay cho rất nhiều người dân Việt Nam khác chưa có dịp bộc lộ.

Còn nhớ ông Đặng Ngọc Tùng khi còn giữ cương vị ủy viên Trung ương Đảng khoá 11, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi xướng trong lực lượng công nhân viên chức cả nước, các tổ chức và doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng 2 công trình tưởng niệm những người lính, dù họ từng ở phía nào trong quá khứ của một quốc gia bị chia cắt, từng đối lập nhau nhưng đều từng đổ máu chiến đấu bảo vệ chủ quyển biển đảo Việt Nam.

Thủ tướng viết lưu bút tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Đến nay, như ta đã biết, “Khu cụm tượng đài tưởng niệm các liệt sỹ Gạc Ma” đã được xây dựng và hoàn thành ở Cam Ranh, Khánh Hòa.

Còn “Khu tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa”, theo nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin, dù thiết kế đã được tổ chức thi tuyển quốc gia công phu, được Nhà nước cấp cho 2ha đất ở vị trí lý tưởng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi nhưng chưa hoàn thành. Ông Tùng cũng đã huy động tài trợ cùng người lao động đóng góp được trên 130 tỷ đồng cho dự toán chi phí 2 cụm công trình.

Công trình đó dù đã được trang trọng đặt viên gạch khởi công đúng ngày kỷ niệm 42 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa (19/1/2016) mà nay vẫn chưa hoàn thành.

Cần nhắc lại một điều, “đây đều là hai công trình hoàn toàn của Dân, do Dân, với sự tham gia đóng góp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều tổ chức dân sự, doanh nghiệp và cá nhân đóng góp, thể hiện tâm nguyện và ý chí của nhân dân ta” – ông Nguyễn Đình Bin cho biết.

Chúng ta nên tiếp tục xây dựng như đúng thiết kế kiến trúc đã được phê duyệt ngày nào công trình trên đảo Lý Sơn để tưởng niệm những người lính đã tham gia trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974.

Giang sơn đất nước đã thu về một mối và hoà bình, thống nhất đã giành được từ năm 1975. Không có lẽ nào một công trình còn lại vẫn chưa hoàn thành dù chúng ta đã đặt móng viên gạch từ ngày 19/1/2016.

Đoàn kết, yêu thương để cùng xây dựng quốc gia phồn vinh

Có một chuyện tôi muốn kể lại dưới đây để mọi người cùng thấy rằng, có những chuyện tế nhị xung quanh vấn đề hoà giải và hoà hợp dân tộc tưởng như rất khó nhưng rồi chúng ta đã làm được sau 30 năm.

Tôi có dịp gặp tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Hà Nội từ ngay lần đầu ông đặt chân về thăm quê hương (năm 2004). Hôm đó, bất chợt tôi nhận được cú điện thoại của ông Đào Hồng Tuyển, “chúa Đảo Tuần Châu”.

Ông Tuyển hẹn tôi đến gặp vì “có chút việc cần trao đổi gấp”. Thì ra đó là do hôm trước, báo Thanh niên nơi tôi công tác đăng trả lời phỏng vấn của ông Kỳ có đôi chút gợn khiến cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tự ái. Ông Tuyển muốn làm cầu nối để ông Kỳ và người của báo gặp nhau tìm cách tháo “ngòi nổ” sớm nhất có thể…

Tôi rất bất ngờ vì không biết trước có ông Nguyễn Cao Kỳ ngồi đó. Ông Kỳ vốn là người nói không bóng bảy mà cứ thẳng băng nên chúng tôi có dịp trao đổi rất thẳng thắn.

Ông Nguyễn Cao Kỳ cho biết: “Mấy tháng trước, ông thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam sang Mỹ có gặp tôi, cùng đánh golf, ăn cơm. Ông ấy nói rằng chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước muốn người Việt Nam cả trong lẫn ngoài cùng nhau xây dựng đất nước. Thế thì tôi về. Thành thực mà nói, tôi cũng đã 75 tuổi rồi, chẳng còn tham vọng gì. Tôi chẳng đặt vấn đề vinh nhục, thắng thua gì nữa, tôi muốn bỏ dĩ vãng đi.

Nếu mình thành thực muốn phục vụ đất nước thì phải hướng tới tương lai. Cả trăm ngàn người Việt đã về nước nhưng tôi là người mà dư luận ở hải ngoại quan tâm nhất. Vậy thì có lẽ tên tuổi tôi vẫn còn một chút gì để cho người ta chú ý. Ý thức được điều ấy nên tôi nghĩ phải làm việc gì đó cho quê hương”.

Ngay từ năm 2006, ông Nguyễn Cao Kỳ đã viết một lá thư tâm huyết gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về việc nên sớm gỡ bỏ hạn chế chuyện chăm nom tu sửa mộ phần của nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa, xem đây như một nghĩa trang dân sự. Chính từ lá thư nói trên, sau 1 năm, việc này được Nhà nước ta mở cửa bình thường, tạo nên tâm lý hoan hỉ cho người dân, tránh đi mặc cảm rất không đáng có.

Thế mới biết, việc đi tới hoà giải và hoà hợp dân tộc của người dân nước Việt cũng phải có cả một thời gian rất dài.

Một dân tộc muốn đi xa, muốn xoá bỏ hận thù, đoàn kết lại, yêu thương nhau để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia thật bền vững là khát vọng lớn của bao đời nay. Từ đó, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một quốc gia phồn vinh, năng động. Đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước hôm nay. Thế hệ trước đã làm nhưng còn dang dở thì hôm nay, hậu thế sẽ có trách nhiệm làm tiếp để đi đến thành công.

Quốc Phong 

Bài mới
Đọc nhiều