+
Aa
-
like
comment

Muốn không cháy nhà phải ‘xử’ quan chức phân lô bán nền

Hạnh Văn - 13/04/2021 18:00

Những ngày vừa qua, khi những đợt nắng nóng đang lên đến đỉnh điểm, không ít thành phố đã chứng kiến những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, mà trong đó, những cái chết thương tâm đã được nhắc đến. Thiệt hại người và của, luôn là nỗi đau từ bất kỳ vụ hỏa hoạn nào.

Hiện trường Vụ cháy căn nhà cấp 4 làm 6 người thương vong tại TP.HCM.
Hiện trường vụ cháy căn nhà cấp 4 làm 6 người thương vong tại TP.HCM.

Mối hiểm nguy từ “bà hỏa” không phải là câu chuyện mới, nó đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử văn minh nhân loại. Vụ hỏa hoạn Chicago lịch sử năm 1871 từng thiêu rụi 1/3 thành phố, cướp đi 300 sinh mạng và làm 90.000 người mất nhà cửa. Dù khác nhau về nguyên nhân lẫn thời đại, các vụ đại hỏa hoạn đều có một điểm chung, đó là sự yếu kém trong quy hoạch đô thị, với những ngôi nhà mọc lên như nấm một cách không kiểm soát. Thiếu “không gian thở”, xây dựng tùy tiện và không lối thoát, các ngôi nhà như củi chờ cháy, cùng với đó là hàng ngàn sinh mạng con người.

Nhưng điều đáng nói là hàng thế kỷ sau những vụ cháy lịch sử, các thành phố Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với mối hiểm họa từ sự quy hoạch khập khiễng, thiếu đồng bộ, mà nếu xét về sâu xa, là hệ lụy của tình trạng phân lô bán nền (PLBN) bừa bãi, tự phát suốt của 20, 30 năm về trước. Tất nhiên, không thể không nhắc đến những chiêu trò “hợp thức hóa” và sự tiếp tay cho những sai phạm từ lãnh đạo của chính các địa phương.

“Băm nát” quy hoạch từ phân lô bán nền

Những năm đầu thập niên 2000, thành phố Đà Nẵng sau khi chia tách tỉnh nổi bật với tốc độ đô thị hóa, quy hoạch và phát triển thần kỳ. Nhưng sau gần 20 năm, người ta mới giật mình vỡ lẽ Đà Nẵng đã bị “băm nát” từ lúc nào. Theo một báo cáo gần đây, thành phố chỉ còn khoảng 14% diện tích để phát triển đô thị, mà thực tế 14% ấy gần như không thể xây dựng vì gần sông nước, ngập lụt. 80% quỹ đất có thể làm khu đô thị đã bị các bị cắt xẻ nham nhở thành các lô đất được chuyển đổi mục đích sử dụng, sang tay, chuyển nhượng. Nơi lẽ ra đã tọa lạc những khu đô thị, chung cư hiện đại và an toàn, thì nay hoặc đã trở những căn nhà ống không theo quy hoạch, hoặc bị bỏ hoang, nhếch nhác và bẩn thỉu, chưa kể đến hạ tầng giao thông bị phá vỡ, kẹt xe triền miên. Và với hiện trạng đó, một khi xảy ra hỏa hoạn, những căn nhà hình thành nhờ PLBN có gì khác những chiếc quan tài bê tông cho những người sinh sống bên trong?

Một dự án PLBN bên bờ Sông Hàn.
Một dự án PLBN bên bờ Sông Hàn.

Điều đáng nói, những lãnh đạo xã, huyện đã cấp phép, tiếp tay cho PLBN 20 năm trước, nay đều đã nghỉ hưu, hoặc điều chuyển công tác, để lại một “di sản” nhếch nhác và xấu xí cho người dân Đà Nẵng và chính quyền đương nhiệm. Và không chỉ có Đà Nẵng, các thành phố lớn nhỏ như Chí Linh, Đà Lạt, Nha Trang, Biên Hòa… cũng là “nạn nhân” của PLBN.

Nhưng bất chấp những hệ lụy, PLBN vẫn tiếp tục tồn tại và hoành hành, mà minh chứng rõ ràng nhất là những cơn “sốt đất” liên tục chỉ trong vài năm. Vì mối lợi gấp hàng trăm lần, và vì đặc điểm các hệ lụy chỉ bộc lộ rõ sau 5-10 năm, thậm chí 20, 30 năm – khi các quan chức đã hết nhiệm kỳ – các “cò đất” và lãnh đạo địa phương thản nhiên trục lợi từ việc thu gom, tách thửa, hợp thức hóa “lên thổ cư”. Còn hậu quả, chỉ có người dân và chính quyền kế nhiệm lãnh “trái đắng”.

Đã đến lúc nói “Không” với phân lô bán nền

Hiểm họa là thế, nhưng vấn đề PLBN đến nay vẫn chỉ dừng lại ở tranh cãi “cấm hay quản”, dù đã có các quy định trong Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, hay các quy hoạch cụ thể, như 1/2.000, 1/500 của TP.HCM… Nhưng những vụ hỏa hoạn thương tâm và hàng loạt quy hoạch “vỡ trận”, hy vọng đã đủ làm hồi chuông cảnh báo đã đến lúc cần thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn và nói không với tất cả những chiêu trò PLBN… Và điều đầu tiên, là xử lý tất cả những sai phạm liên quan đến PLBN, và thậm chí là truy cứu trách nhiệm những lãnh đạo xã, huyện đã hoặc đang dung túng, để xảy ra tình trạng thổi giá, sốt đất, bất kể là ai, nhiệm kỳ nào.

Song song với đó, là xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể, toàn diện, có khả năng xử lý dứt điểm PLBN. Với tình trạng các bộ luật, quy định về đất đai chồng chéo và tạo kẽ hở như hiện nay, chắc chắn cần có sự vào cuộc của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, rà soát các điều khoản, nghị định đang gây khó cho không chỉ chính quyền địa phương, mà cho cả người dân và các doanh nghiệp đầu tư.

Để làm được điều đó, cần sự mạnh tay và dứt khoát của chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Chỉ khi các chính quyền đồng loạt nói không với PLBN, bằng chế tài và bằng sự giám sát chặt chẽ, khi những cá nhân “băm nát” quy hoạch vì tư lợi bị xử lý thích đáng, mới có thể đưa ra lời giải xác đáng cho bài toán quy hoạch đô thị.

Hạnh Văn

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều