+
Aa
-
like
comment

Ai cũng có quê hương và Tết thì cần về nhà

Đặng Trường - 11/01/2022 15:01

Khi sống trong vùng dịch, bạn thường nghĩ về điều gì? Với những người con xa quê, lập nghiệp ở thành phố, có lẽ sẽ nghĩ về ba mẹ và muốn trở về nhà, về quê hương. Đặc biệt càng gần Tết lại càng nôn nao muốn trở về nhưng lại xuất hiện thông tin đau lòng rằng, “về quê cách ly 14 ngày” hay một số địa phương kêu gọi “không trở về quê nếu không thực sự cần thiết”.

Hiện tại, hầu như người dân đã quen sống với trạng thái có dịch.

Nghỉ Tết chỉ 9 ngày nhưng lại cách ly tại nhà 14 ngày, một số người muốn được ăn Tết ở quê, muốn được đi chợ mua sắm Tết, muốn cùng họ hàng giết gà, mổ lợn, gói bánh chưng, đi ăn tất niên thì phải xin phép nghỉ làm sớm để trừ thời gian cách ly. Nhưng đâu phải ai cũng được nghỉ sớm. Còn đau lòng hơn với mấy dòng chữ “không trở về quê nếu không thực sự cần thiết”. Không ít người chạnh lòng tự đặt câu hỏi “như thế nào là không cần thiết”?

Một năm qua, những ai trụ lại thành phố đều cảm thấy vô cùng ngột ngạt, mệt mỏi khi chứng kiến những người xung quanh mình mắc Covid-19 hoặc ra đi vì covid-19. Không ít lần cảm thấy cô đơn, khắc khoải mong trở về quê nhà để được ôm ấp, vỗ về trong tình yêu thương của gia đình, để hít thở không khí trong lành, bình dị của quê hương. Ai mà chẳng có quê hương, dù đi xa đến mấy thì với ý thức trong tâm khảm của mỗi con người vẫn là muốn hướng về. Nhà thơ Trung Quân cũng từng viết: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Hay như trong thần thoại Hy Lạp, Antée khỏe lên mỗi lần chạm vào thần Đất mẹ Gaia. Thế nên, cái thực sự “không cần thiết” ở đây không phải là nhu cầu bức thiết muốn về quê ăn Tết của người dân mà là những quy định phòng chống dịch cứng nhắc.

Kiểm soát dịch bằng những biện pháp đơn giản hơn.

Đồng ý, phòng chống dịch là điều rất quan trọng với đất nước ta nhưng phải phù thuộc vào hoàn cảnh, không phải với ai, ở đâu, lúc nào cũng áp dụng biện pháp cứng rắn như thời gian trước đây. Ngay trong cái tên của Nghị quyết 128 cũng đã nói rõ là “thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đặt chữ “linh hoạt” lên đầu tiên. Hiện nay, hầu hết người dân đã ít nhất tiêm 2 mũi, thậm chí là đã tiêm nhắc lại mũi 3. Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã nằm trong top 6 nước bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Hầu như người dân nào cũng được trang bị sẵn “vũ khí chống Covid-19”. Nếu một số địa phương cứ mãi thực hiện những quy định cứng nhắc, cứ mãi lo sợ thì còn đâu ý nghĩa của chiến dịch tiêm chủng vaccine? Mục đích của tiêm vaccine là để người dân được bảo vệ, để đất nước nhanh chóng miễn dịch cộng đồng, sống thích nghi, trở lại lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu cứ mãi co rúm trước Covid-19 thì lấy tinh thần đâu mà phục hồi kinh tế đây?

Chúng ta vẫn kiểm soát nhưng không nên cứng nhắc bằng quy định cách ly tại nhà 14 ngày hay buông những lời ngỏ kêu gọi người dân đừng trở về. Thay vào đó có thể kiểm soát bằng ứng dụng chứng nhận tiêm 2-3 mũi, test nhanh hoặc để an toàn thì có thể yêu cầu người dân trở về quê có giấy xét nghiệm PCR. Tôi tin, với ý nghĩa của một cái Tết cổ truyền sum vầy, đầm ấm thì hầu hết mọi người cũng sẵn lòng bỏ ra vài trăm để làm điều đó.

TP.HCM từng là nơi chống dịch khốc liệt nhất cả nước nhưng đến nay cũng đã tạm dừng hoạt động Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh đã nới lỏng việc đi lại, xe cộ lưu thông bình thường. Chúng ta đang sống chung với dịch thực sự, người dân cũng đã thích nghi với trạng thái này. Vì vậy, một số địa phương nên xem xét nới lỏng quy định cách ly đề người dân có một cái Tết đoàn viên với gia đình sau chuỗi ngày tháng chống dịch khá cô đơn và mệt mỏi. Đó mới thực sự là hiểu dân, vì dân.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều