Ai còn tin vào giá trị của Mỹ?
Tin tức biểu tình tại tòa nhà Quốc hội Mỹ lan truyền một cách nhanh chóng. Nhiều người cho rằng đây không chỉ là một cuộc biểu tình mà là khởi đầu cho nội chiến kéo dài. Nước Mỹ sẽ nhanh chóng rơi vào hỗn loạn nếu tình hình không được giải quyết tận gốc rễ. Thật đáng buồn cho một nền dân chủ Mỹ, đáng buồn cho những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc trong bạo loạn.
Tôi thừa nhận rằng, từ đầu cuộc bầu cử tôi có phần nghiêng về phía ông Trump. Nhưng tôi chỉ là người ngoài, công dân Mỹ mới là người có quyền lựa chọn tổng thống. Tại sao đại đa số cử tri đều bỏ phiếu bầu Biden mà không phải Trump? Việc đó chỉ có công dân Mỹ hiểu rõ nhất họ đang cần gì, ai là người xứng đáng lãnh đạo. Ai cũng hiểu là có tiếp tục cũng không thể thắng được, kết quả đã bày ra trước mắt. Vậy tại sao không nhận thua để mọi chuyện được êm đẹp, đã có người chết, có người bị thương. Sự thiếu năng lực của ông đã thể hiện rõ khi giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và những mối quan hệ sắc tộc mà đất nước đang đối mặt.
Không thể phủ nhận những đóng góp của Trump trong suốt thời gian đương nhiệm. Nhưng hậu quả mà ông để lại chắc chắn cũng không ít, tiêu biểu là cách xử lý đại dịch Covid -19 vừa qua làm chết hàng chục ngàn người. Thay vào đó, Trump cần nhìn nhận những sai lầm nghiêm trọng mà ông đã mắc phải. Việc biểu tình dẫn đến bạo loạn làm mất đi hình ảnh của quốc gia vốn tôn trọng nền dân chủ từ trước đến nay. tình trạng bất ổn chính trị “có thể dẫn tới sự trỗi dậy của các đội dân quân khắp đất nước”. Cả thế giới đang dần mất niềm tin về một nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng trong bốn năm nhiệm kỳ của Trump, cũng như xu hướng bạo lực mà từ đầu ông hướng tới. Những người ủng hộ Trump đã đi quá xa và gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của của nước Mỹ trên đấu trường quốc tế. Một quốc gia vốn nêu cao tinh thần dân chủ thì nay lại bị đạp đổ không thương tiếc. Sự việc lần này, có thể chỉ là ngòi châm cho sự mục nát và chia rẽ nội bộ. Ai sẽ còn tin vào sự tự do, dân chủ mà nước Mỹ đang ngợi ca khi mà việc bầu cử Tổng thống nay lại trở nên hỗn loạn như hiện nay.
Nhiều người nói rằng, Trump chỉ thích hợp làm nhà kinh doanh hơn là một chính trị gia. Bằng chứng là cách hành xử của ông sau khi tranh cử thất bại. Một mặt không nhận thua, mặt khác lại kích động nhiều người tiến hành cuộc biểu tình hôm 6/1 vừa qua. Những cuộc bạo loạn đều có nguy cơ dẫn đến xung đột, nội chiến. Đây không phải là câu chuyện mới, nước Mỹ đã chìm trong hỗn loạn, bạo động, xung đột sắc tộc từ rất lâu. Chính Trump là người đã châm ngòi khiến xung đột ngày càng leo thang, khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn. Phải chăng đã đến lúc nước Mỹ cần nhìn nhận lại “Dân chủ” của quốc gia mình có thực sự tồn tại?
Nhìn lại cách thức bầu cử của Việt Nam, tuy sẽ mất thời gian nhưng đảm bảo cán bộ sẽ đi lên từ cấp địa phương rồi mới đến cấp trung ương. Việt Nam là nước Xã hội Chủ nghĩa nên chỉ có một Đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì thế, sẽ không có tình trạng đối đầu hay nội chiến giữa các phe phái. Hơn nữa, quy trình bầu cử cũng trải qua nhiều bước nghiêm ngặt, một cán bộ cấp cơ sở phải kinh qua nhiều chức vụ khác nhau và có thành tích nổi bật. Những người nào thực sự có năng lực, có đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thì mới được bầu cử vào bộ máy trung ương. Quá trình bầu cử cũng hết sức khắt khe, không phải cứ bỏ tiền ra để vận động tranh cử. Ở đây, phải dựa vào thực lực, sự tín nhiệm của nhiều người khác dành cho mình. Có như vậy, mới không xảy ra tình trạng một người đang làm kinh doanh lên nắm quyền điều hành đất nước. Chỉ xem trọng việc đó mang lại những lợi ích gì, rủi ro gì đối với nền kinh tế. Một nhà lãnh đạo giỏi cần quan tâm cả về đời sống xã hội của toàn thể người dân.
Như Yên
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.