Ai chống lưng để hàng loạt công trình xây dựng sai phạm như ‘8B Lê Trực’?
Hàng loạt công trình xây dựng không phép, sai phép… vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí còn đang xây dựng ở nhiều nơi. Điều kỳ lạ, việc này đã kéo dài trong nhiều năm nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức.
Tòa nhà 8B Lê Trực bao năm vẫn thách thức cả chính quyền Thủ đô
Tòa nhà 8B Lê Trực trong suốt 4 năm đã trở thành biểu tượng của việc công trình “vi phạm từ móng”, chủ đầu tư “rất cùn” giữa lòng Hà Nội. Đã không ít lần chính quyền thành phố đưa ra lời hứa trong các buổi họp báo, trong các buổi tiếp xúc cử tri hội đồng nhân dân.
Đã qua 2 nhiệm kỳ “Đảng bộ và chính quyền thủ đô”, có vô số lần các lãnh đạo của chính quyền khẳng định sự quyết tâm, thông qua hàng loạt các kỳ họp bàn, chính quyền tạm ứng 3 tỷ để tháo dỡ, nhưng sau khi tháo dỡ được khoảng 50m2 từ năm 2015 thì đến nay, tòa nhà này vẫn như vậy suốt 4 năm nay.
Theo quy định, những công trình xây dựng trái phép sẽ có 60 ngày làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp phép xây dựng trước khi bị cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình. Nhưng những công trình xây dựng trái phép tồn tại cả tháng, cả năm như tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) vẫn ngang nhiên thách thức pháp luật.
Và mới đây một “biểu tượng 8B Lê Trực” lại xuất hiện ở giữa lòng thành phố Hạ Long, đó là Dự án xây dựng công trình Khách sạn, văn phòng và dịch vụ thương mại Hương Lan (số 39, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo) do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hương Lan làm chủ đầu tư xây vượt phép 5 tầng khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua.
Tháng 10/2017, UBND Thành phố Hạ Long đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hương Lan. Ngày 25/3/2019, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh có quyết định thu hồi Giấy phép xây dựng cấp cho Công ty Hương Lan.
Về hướng xử lý, theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, Sở đã có văn bản yêu cầu Công ty Hương Lan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập quan trắc công trình; có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và công trình; thuê đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng công trình, các hạng mục kết cấu đã thi công xây dựng để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn công trình.
Sau khi có kết quả kiểm định của đơn vị tư vấn kiểm định về kết cấu mới có phương án xử lý.
Như vậy, sau 2 năm phát hiện sai phạm tại công trình Khách sạn, văn phòng và dịch vụ thương mại Hương Lan, cơ quan chức năng mới xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư. Trong khi đó phần sai phạm (xây vượt phép 5 tầng) vẫn tồn tại.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và quận Tây Hồ (Hà Nội) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội – đơn vị bầu cử số 1 diễn ra vào ngày 12/10/2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng thừa nhận việc xử lý chậm sai phạm của nhà 8B – Lê Trực có trách nhiệm của chính quyền thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung đã có lời hứa trong ngoặc kép với nhân dân “Để giữ kỷ cương, đập cả tòa nhà 8B Lê Trực cũng phải làm”. Nhưng lời hứa đó vẫn đang tồn tại, không có một động thái nào để giải quyết triệt để.
Từ tiếp xúc của cử tri, đến trở thành điểm nóng của Quốc hội được các đại biểu đưa ra, nhưng câu trả lời về vi phạm này theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thì Hà Nội vẫn đang thực hiện cưỡng chế, phá dỡ phần vi phạm.
“Phần cưỡng chế theo chiều ngang thì đã làm rồi, còn theo chiều dọc thì có liên quan đến kết cấu và tính chịu lực của công trình. Bộ Xây dựng sẽ sẵn sàng phối hợp đưa ra phương án xử lý, phá dỡ tốt hơn nếu Hà Nội yêu cầu” – Bộ trưởng lý giải.
Sai phạm vẫn tồn tại ở đó, chủ đầu tư vẫn thách thức pháp luật một cách trắng trợn, thậm chí chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực còn có mong muốn “trao đổi” giữa cái sai phạm pháp luật để đổi cho nhà nước sử dụng vào mục đích công ích. Điều này không những thách thức pháp luật, mà nếu được thực hiện thì sẽ tạo cơ hội cho các chủ đầu tư khác cũng làm sai.
Những năm qua, Đảng bộ và Chính quyền thành phố Hà Nội đã qua 2 nhiệm kỳ, Quốc hội cũng qua 2 khóa, Chính phủ cũng được lãnh đạo bởi 2 người khác nhau,… nhưng tòa nhà 8B Lê Trực vẫn là tâm điểm cho các kỳ họp miên man. Cuối cùng thì chẳng có sai phạm nào bị xử lý, sao 50m2 bị tháo dỡ thì đến nay những phần sai phạm vẫn thuộc diện “đang được tháo dỡ”.
Phải chăng “con voi chui lọt lỗ kim”?
Ở ngay giữa lòng thủ đô có tòa nhà sai phạm mọc lên, tồn tại trong nhiều năm lại không bị xử lý triệt để, trong khi người dân chỉ cơi nới thêm một diện tích nhỏ trong gia đình cũng bị thanh tra xây dựng biết hết. Điều này đã đặt lên sự hoài nghi trong dư luận, phải chăng “con voi chui lọt lỗ kim” vì nó to hơn cả tầm nhìn và sự ảnh hưởng của nhà lãnh đạo.
Trong 9 tháng đầu năm 2018 có hơn 10.880 công trình vi phạm, trong đó không phép là 3.060 vụ, sai phép gần 5.500 vụ, sai phạm khác là 2.340 vụ. Theo chuyên gia xây dựng, việc phá dỡ phần xây vượt phép của công trình không khó, quan trọng là cơ quan chức năng có quyết tâm xử lý một cách kiên quyết hay không? Ngoài ra, chủ đầu tư phải nhận ra cái sai của mình, từ đó phối hợp với cơ quan chức năng, xử lý phần sai phạm của công trình.
Vì sao mà chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực và tòa Khách sạn, văn phòng và dịch vụ thương mại Hương Lan lại có thể “rất cùn” trước các cơ quan quản lý nhà nước? Liệu có sự nương tay hay “chống lưng” nào đó hay không?…
Không dễ để trả lời những câu hỏi này. Song có điều chắc chắn là những cơ quan hữu trách đã không làm tròn bổn phận của mình. Nếu các cơ quan quản lý giữ nghiêm kỷ cương phép nước thì liệu sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực có xảy ra và nghiêm trọng tới mức độ phải chuyển sang cơ quan công an? Liệu chủ đầu tư có dám “cùn” để xảy ra sai phạm trong 3 công trình khác? Chắc chắn là không.
Vì thế, để bảo đảm kỷ cương phép nước, không chỉ có việc đập cả tòa nhà 8B Lê Trực mà quan trọng hơn, phải chặn từ gốc “nguyên nhân của nguyên nhân” là giữ nghiêm kỷ cương phép nước với chính các cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan công quyền mà nghiêm minh thì chẳng ai dám “cùn” như vậy.
Chúng ta đang “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”, thì không có doanh nghiệp, đại gia nào được chính quyền cho rằng đó là “ngoại kệ”. Sự đòi hỏi hiện nay chính là chính quyền phải ứng xử làm sao để thể hiện sự công bằng, minh bạch trong một nhà nước pháp quyền.
Bất kể công trình vi phạm vào cũng phải xử đúng với quy định của pháp luật. Trước kia có một số trường hợp xử phạt hành chính để cho tồn tại (phần sai phạm) nhưng hiện nay tinh thần mới là không chấp nhận việc phạt để cho tồn tại nữa.
Sai đến đâu thì xử tới đó, không du di, châm trước, ngoài xử phạt hành chính còn phải yêu cầu chủ đầu tư phá bỏ toàn bộ phần xây vượt phép. Cần xử lý nghiêm để làm gương cho những dự án sau này, không nên tạo tiền lệ xấu. Nếu chỉ xử phạt hành chính để tồn tại thì rất nhiều chủ đầu tư sẵn sàng vi phạm để đạt được mục đích.
Tùng Lâm