+
Aa
-
like
comment

‘Ai chịu trách nhiệm khi loại sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại?’

14/09/2019 13:05

“Ai sẽ chịu trách nhiệm khi sang năm trẻ tái mù chữ ở các vùng sâu, xa hay học sinh dân tộc thiểu số?”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi liên quan sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán bị chấm “không đạt” trong đợt thẩm định đầu tiên.

GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: “15 người trong hội đồng hơn hay 930.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục hơn”? Đây cũng là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn.

'Ai chiu trach nhiem khi loai sach giao khoa cua GS Ho Ngoc Dai?' hinh anh 1
PGS Nguyễn Lân Hiếu là thế hệ học trò đầu tiên của trường Thực nghiệm. Ảnh: Phượng Nguyễn.

Tiếc cho bộ sách phát triển 40 năm bị gạt đi trong tích tắc

– Là người từng học chương trình của GS Hồ Ngọc Đại, ông đánh giá thế nào về việc cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại từ vòng thẩm định đầu tiên?

– Khi biết tin này, tôi thấy rất tiếc. Một bộ sách đã được triển khai 40 năm ở phạm vị rất rộng, lại có thể bị gạt đi ngay trong một tích tắc như vậy.

Hội đồng thẩm định cho rằng sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy nhiều kiến thức không cần thiết, hàn lâm, quá chương trình như về ngữ âm, các câu ca dao tục ngữ không phù hợp… Giáo viên phải tăng giờ làm để bù chỗ còn thiếu, yếu của cuốn sách.

Tôi không biết hội đồng thẩm định đưa ra những ý kiến của giáo viên như vậy trên cơ sở khoa học nào? Tôi là người làm khoa học nên tin vào khoa học thực chứng.

Nếu hội đồng thẩm định đã triển khai khảo sát lấy ý kiến của giáo viên dạy Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục trên phạm vi cả nước rồi đưa ra ý kiến như vậy mới thuyết phục.

Thế nào là kiến thức không cần thiết, kiến thức hàn lâm không phù hợp? Tôi cũng dạy học. Nếu chúng ta dạy mà học trò có thể tiếp nhận, thì không có lý gì lại dạy ít đi để kéo lùi sự phát triển của xã hội. Phát triển đồng nghĩa việc nâng dần chuẩn và phù hợp từng giai đoạn của đất nước

– Có người cho rằng “bi kịch” của cuốn sách thầy Hồ Ngọc Đại khi chỉ có 15 người trong hội đồng thẩm định đánh giá, không kể đến sự đóng góp với mục đích làm cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn trong suốt 40 năm qua của cuốn sách. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu là đại biểu Quốc hội, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhiệm kỳ 2019-2024. Ông là chuyên gia tim mạch có nhiều cống hiến cho nền Y học Việt Nam. Ông sinh năm 1972 trong gia đình trí thức, là con GS Nguyễn Lân Dũng, cháu ngoại cựu Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, cháu nội nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.

– Tôi chỉ đưa ra con số để bạn tự đánh giá: Năm học 2019-2020 có khoảng 930.000 học sinh lớp 1 học tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục. Trong suốt 40 năm qua, hàng triệu học sinh học chương trình này. Vậy bên nào có tiếng nói trọng lượng hơn?

Trước đó, 7 cột mốc lịch sử phát triển giáo dục sau 1975 của Việt Nam đều có thể tìm thấy Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Thứ nhất, năm 1981 cải cách giáo dục lần thứ ba, cả nước thống nhất học sách cải cách, duy chỉ có trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục học sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Thứ hai, năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Giáo dục khi đó là bà Nguyễn Thị Bình quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Thứ ba, năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ tư, năm 2006, ngành giáo dục phát hiện nạn “ngồi nhầm lớp” diễn ra phổ biến, có học sinh sáng lớp 6, chiều lớp 1 tập đọc. GS Hồ Ngọc Đại đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số”.

Thứ năm, năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.

Thứ sáu, năm 2013, Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ “thí điểm”, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục được xem là phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.

Thứ bảy, năm 2016 đã có 48 tỉnh tham gia.

'Ai chiu trach nhiem khi loai sach giao khoa cua GS Ho Ngoc Dai?' hinh anh 2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu từng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ liên quan công trình nghiên cứu của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Minh Quân.

“Không chỉ là vấn đề giáo dục”

– Hội đồng thẩm định cho hay khi cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại không được duyệt, NXB Giáo dục sẽ không in. Triển khai chương trình mới, 1,9 triệu học sinh sẽ học “một chương trình”. Điều này đồng nghĩa việc cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại sẽ không được sử dụng?

– Để cuốn sách của thầy có thể tiếp tục “sống” là nhờ chính các bạn, chính các phụ huynh có con từng học chương trình này, chính nhờ giáo viên, cán bộ quản lý đã và đang thực hiện chương trình này.

Bộ sách này vẫn luôn sống mãi trong hàng triệu học sinh đã và đang học Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục nói riêng, cũng như chương trình của GS Hồ Ngọc Đại nói chung.

– Ông từng chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề tài 40 năm của GS Hồ Ngọc Đại chưa có kết luận thành công hay thất bại. Tại sao mô hình đã thu được những thành công và được xã hội đánh giá cao nhưng lại chưa được đánh giá cao và nhân rộng? Với quy trình biên soạn, thẩm định sách như hiện tại, ông trăn trở điều gì?

– Ai sẽ chịu trách nhiệm khi bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục không được triển khai và sang năm trẻ tái mù chữ ở các vùng sâu, xa hay học sinh dân tộc thiểu số?

Liệu bộ sách giáo khoa chưa từng chứng minh hiệu quả trên thực tế được hội đồng thông qua có đáp ứng được nhiệm vụ cốt lõi này hay không? Đây không chỉ là vấn đề của giáo dục nữa.

Với cách làm sách và thẩm định sách hiện nay, tôi không biết tương lai của giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu. Liệu vài năm nữa, hội đồng mới được thành lập, bộ sách khác lại được thông qua, trách nhiệm của người đứng đầu đã hết do nhiệm kỳ kết thúc, chúng ta sẽ còn lại gì cho thế hệ tương lai.

Nói về cuốn sách giáo khoa Toán,Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, ông Thái Văn Tài – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT – khẳng định hội đồng thẩm định đánh giá công tâm với những ý tưởng mới, đa dạng. Có như vậy, SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi.

GS Trần Đình Sử – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt – cho hay sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục 1 của GS Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả, thậm chí vượt quá chương trình.

GS.TS Mai Ngọc Chừ – thuộc hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 – nói giáo viên dạy sách của thầy Đại phải bổ sung kiến thức của SGK hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2-3 lần. Các thầy cô cũng cho rằng sách mở nhưng phải dạy như cái máy.

PGS Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán – thông tin hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải bám sát vào 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Lần thẩm định này là chặt chẽ, tỉ mỉ và có tiêu chí rõ ràng nhất.

GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, không ủng hộ phương pháp dạy toán cho học sinh tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại, do cách tiếp cận quá trừu tượng đối với các phép tính số học. Tuy nhiên, ông đề xuất “cần thẩm định lại hội đồng thẩm định” trước những lý do mà hội đồng thẩm định SGK đưa ra để “xóa tên” cuốn SGK Công nghệ Giáo dục Toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.

PGS Nguyễn Lân Hiếu

Bài mới
Đọc nhiều