Ai chịu trách nhiệm để Nhật Cường “sải cánh”
Những doanh nghiệp làm ăn không trung thực, gian lận, móc nối sân sau… thì luôn luôn có được những cơ hội vàng, được ưu ái từ giá cả, đấu thầu, đấu giá, những điều kiện về thủ tục, thuế má…và Công ty Nhật Cường đang là ví dụ điển hình. Thế nhưng, để giải bài toán mang tên “trách nhiệm” trong sự vụ này e là không phải chuyện dễ.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc – Cục trưởng Cảnh sát kinh tế (C03 – Bộ Công an) cho biết: “Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo xem xét trách nhiệm của các lực lượng chức năng để xảy ra các vi phạm kéo dài trong vụ công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tại Hà Nội”.
Nhật Cường – “không số má” trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ
Vụ việc Nhật Cường Mobile bị lực lượng chức năng đến khám xét đã gây bất ngờ cho dư luận. Bởi Nhật Cường Mobile vốn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá bán rẻ hơn so với các cửa hàng khác như FPT Shop, Thế giới Di động từ 1-3 triệu đồng mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, những tín đồ công nghệ cũng thường “săn” hàng tại đây với những sản phẩm công nghệ vừa ra mắt ở nước ngoài.
Như thông tin đã đưa, Công ty Nhật Cường được thành lập năm 2001 với tiền thân là một cửa hàng sửa chữa điện thoại, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển thành chuỗi cửa hàng bán lẻ ở những vị trí đắc địa của Hà Nội.
Từ năm 2016, Công ty Nhật Cường tách trung tâm công nghệ thông tin ra để thành lập một pháp nhân mới là Nhật Cường Software. Dù chỉ thành lập trong thời gian ngắn nhưng Nhật Cường Software đã vượt mặt nhiều ông trùm về công nghệ như FPT, Viettel… để trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp…
Với sự phát triển mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn, có lẽ cá nhân ‘Nhật Cường’ đã thị phạm ai đó có “số má” hoặc mâu thuẫn về lợi ích nên mới dẫn đến chuyện đổ bể, bị phát tán manh mối những vi phạm. Nên không phải ngẫu nhiên cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an điều tra vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Quyết định khởi tố vụ án số 27/C03-P14, xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Cụ thể: Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh, gồm “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, đối tượng Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, hiện đang bỏ trốn và bị truy nã) bị khởi tố về cả hai tội danh.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “rửa tiền”. Kết quả điều tra bước đầu cũng xác định cả hai công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software hoạt động chủ yếu trên các nguồn tiền bất hợp pháp.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị phối hợp, đôn đốc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án.
Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Nhật Cường và Nhật Cường Software, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện ra nhiều tình tiết lắt léo, như Công ty Nhật Cường sử dụng các khoản tiền từ buôn lậu để phục vụ cho hoạt động của Nhật Cường Software.
Ai chịu trách nhiệm để Nhật Cường “sải cánh”
Không phải tới khi ông chủ Nhật Cường Mobille Bùi Quang Huy bị khởi tố và và có lệnh bắt tạm giam với hành vi buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, dư luận mới bật ra câu hỏi: Ai đã bảo kê cho Nhật Cường để doanh nghiệp non trẻ này phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, qua mặt hàng loạt đại gia?
Mà thực tế cho thấy, Nhật Cường không đủ tầm vóc, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ như các đại gia Viettel hay FPT… mà lại được tham gia vào các dự án công nghệ của Thủ đô, trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển vĩ mô của Thủ đô. Nên dư luận đặt những câu hỏi ‘Nhật Cường là sân sau của ai’ hoàn toàn là điều dễ hiểu.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích: Nhật Cường là một công ty mới thành lập được vài ba năm, số vốn không phải là doanh nghiệp xếp thứ hạng trong top nhất, nhì, ba Việt Nam về công nghệ thông tin. Một doanh nghiệp mới, lại không nằm trong top đầu mà nhận được nhiều hợp đồng quan trọng về lĩnh vực công nghệ thông tin của Thủ đô thì khó mà thuyết phục được.
Thậm chí, sự việc này cũng vô tình làm nóng nghị trường Quốc hội khi Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn: “Đứng đằng sau vụ việc của Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không? Hay là doanh nghiệp này tham gia đầu tư vào lĩnh vực hành chính công rồi đụng đến lợi ích của ai đó để khiến người ta dằn mặt nhau?
Từ cái tên Nhật Cường được “chắp tai để sải cánh”, quay ngược thời gian một chút, dư luận vẫn chưa quên câu chuyện tương tự cách đây không lâu được phanh phui đó là cái tên công ty Cường Hưng – “sân sau” của bà Phan Thị Mỹ Thanh (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Một thực tế là “sân sau” của bà Mỹ Thanh đã tồn tại cả chục năm. Thế mà phải đợi tới khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mọi thứ mới bị đưa ra ánh sáng..v..v.
Còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp Chính phủ từng nói “Tôi biết có ông có tới 14-15 cái “sân sau”! Chỉ một cái “sân sau” là đã nghiêm trọng lắm rồi. Đằng này lại có tới 14 – 15 sân sau như nhận định của Thủ tướng thì đúng là quá sức tưởng tượng.
Có thể còn nhiều “sân sau” khác khó phát hiện hơn. Bởi “sân sau” núp bóng dưới nhiều hình thức, được ngụy trang nhiều lớp mà quan chức hưởng lợi có khi chỉ góp vốn bằng… chính sách. Cũng chính “sân sau” chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng tài sản công, chính sách công, dự án công.
Ngoài việc được ưu ái từ các quyết sách, chuyện công ty “sân sau” của quan chức còn khiến việc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp trở thành một cuộc chiến không cân sức mà phần thua luôn thuộc về các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, khiến cho kinh tế tư nhân đúng nghĩa không có cơ hội để ngoi lên.
Lạ lùng ở chỗ, bao nhiêu cái “sân sau” như Nhật Cường tồn tại mà vai trò của các cơ quan thanh tra cấp tỉnh giống như “bù nhìn”. Vai trò giám sát của các cán bộ địa phương dường như không có. Phải chăng, nó quá khó để phát hiện ra sự thật hay vì một lý do đặc biệt, tế nhị nào đó mà ngay cả khi đã nhìn ra sự thật thì các cấp, ngành địa phương cũng quá khó để đưa sự thật ra ánh sáng?
Thành thử, rất nhiều người thầm cảm ơn ai đó có “số má” hơn đã góp phần bóc trần hình hài của Nhật Cường. Và người ta cũng mong nhiều cái “sân sau” như Nhật Cường sẽ được phát hiện và xử lý nghiêm để làm sạch môi trường chính sách, minh bạch trong cạnh tranh, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế. Dù biết, để truy xét trách nhiệm cá nhân, tập thể không bao giờ là câu chuyện dễ dàng.
(Theo Tạp chí Bút Danh)