Ai chỉ đạo ‘đóng cửa’ đại hội VFF?
Những diễn biến của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) từ đại hội 8 tới nay liên quan đến yêu cầu công khai, minh bạch không khỏi khiến cho dư luận phải băn khoăn. Liệu đã tới lúc Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT cần lên tiếng?
Đại hội thường niên VFF vừa diễn ra hôm 21/11 tại Hà Nội với nội dung được quan tâm nhất là bầu bổ sung vị trí Phó chủ tịch phụ trách tài chính. Theo kế hoạch, đại hội diễn ra từ 8 đến12h (thực tế kéo dài hơn), và tới 14h cùng ngày, VFF tổ chức họp báo, thông báo kết quả cùng các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, báo chí khi tham dự cuộc họp báo đã “ngẩn tò te” khi trên bàn chủ tọa chỉ có Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Cao Văn Chóng và Tổng thư ký Lê Hoài Anh. Người được chờ đợi nhất, tân Phó chủ tịch tài chính Lê Văn Thành không có mặt.
Giải thích điều này, ông Cao Văn Chóng cho biết: “Sau đại hội, anh Thành đã trả lời một số cơ quan báo chí bên hành lang đại hội. Nếu các nhà báo có nhu cầu hỏi sâu về kế hoạch chuyên môn của Phó chủ tịch tài chính, vui lòng gửi câu hỏi về phòng truyền thông VFF”.
Theo thông báo của VFF trước đó, báo chí chỉ được tham dự 15 phút đầu đại hội và sau đó đại hội được tổ chức kín. Chính vì vậy, hầu hết các phóng viên chỉ có mặt tại trụ sở VFF đúng thời gian diễn ra cuộc họp báo lúc 14h với hy vọng có thể phỏng vấn tân Phó chủ tịch tài chính. Ông Lê Văn Thành vắng mặt nên cuộc họp báo diễn ra khá nhanh bởi…không ai biết hỏi gì khác.
Thông tin của Tiền Phong cho biết tại cuộc họp BCH ngày 20/11, đã có ứng viên Phó chủ tịch phụ trách tài chính đề nghị được phát biểu tại đại hội. Tuy nhiên, đề xuất tưởng như rất hợp lý này cũng không được VFF thông qua.
Phó chủ tịch Cao Văn Chóng giải thích: “Chúng tôi thực hiện theo nghị quyết BCH, chương trình đại hội rất dài, gồm nhiều nội dung. Trong khi đó các ứng viên có các phương pháp khác nhau để trình bày, chuyển tải đề án đến các tổ chức thành viên. Vì vậy chúng tôi thống nhất không áp dụng hình thức trình bày tại đại hội”.
Được biết trong chương trình, đại hội VFF gồm 20 nội dung, diễn ra từ 8h-12h ngày 21/11, gồm: chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua danh sách Ban kiểm tra tư cách đại biểu; phát biểu khai mạc Đại hội của Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải; bầu cử, kiểm phiếu và công bố kết quả; thảo luận của đại hội… và 11 báo cáo khác nhau. Một thành viên VFF tham dự cuộc họp nói với Tiền Phong, nhiều báo cáo “dài lê thê”. Trong khi đó, ứng viên chỉ xin trình bày 3 phút không được đồng ý!
Điều này thực sự bất lợi cho ứng viên ngoài bóng đá như doanh nhân Trần Văn Liêng, bởi ông Liêng không có mối quan hệ tốt với các tổ chức thành viên VFF như 2 ứng viên còn lại là Lê Văn Thành, Phạm Thanh Hùng, vốn đang đảm nhiệm vị trí Trưởng, Phó ban Tài chính VFF. Trong khi đó, ông Liêng là người duy nhất có đề án kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam.
Kể từ đại hội 8, VFF cũng đóng cửa với báo chí thay vì cởi mở như đại hội 7. Trước câu hỏi chất vấn của Tiền Phong, VFF có điểm gì khác so với các liên đoàn thể thao khác (mở cửa đại hội), VFF cho biết đây là ý chí BCH. Tuy nhiên ngày hôm qua 23/11, Tiền Phong đã liên hệ với 4 ủy viên BCH VFF và đều được khẳng định, BCH không được thông qua vấn đề này.
TGĐ Cty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh nói: “Tôi không rõ các anh ấy thông qua khi nào, vì tôi có lúc ra, lúc vào cuộc họp. Đây có thể là ý chí của Thường trực VFF thôi chứ BCH chúng tôi không được báo”. Ông Nguyễn Hồng Thanh trước đó từng 2 lần nói với Tiền Phong, đại hội VFF không có gì mờ ám nên không cần thiết phải đóng cửa. Ba người khác (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết không được thông báo về chuyện “đóng hay mở” đại hội.
Trả lời PV, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện từng khẳng định vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF có vai trò rất quan trọng. Tổ chức bầu cử như VFF thật sự không thấy giống với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Thiện. Bộ VH-TT&DL không lẽ lại im lặng?
(Theo TPO)