Afghanistan: Hậu quả của nền kinh tế sụp đổ, khi cuộc sống thường ngày trở thành địa ngục lạnh lẽo
Không công việc, không tiền, chẳng thức ăn, người Afghanistan tuyệt vọng tìm đến những tay buôn người để đào tẩu sang các quốc gia lân cận, khi nền kinh tế trong nước đang trên đà sụp đổ, trang NewYork Times đưa tin.
Từ nơi ẩn náu trong một vách núi tại sa mạc tối tăm, những người di cư chỉ có thể thấy ánh sáng le lói phát ra từ vùng biên giới của Iran phía xa.
“Chẳng có lựa chọn nào khác cả, tôi không thể trở lại nữa,” – Najaf Akhlaqi (26 tuổi) nói, mắt hướng về những tay “buôn lậu người” đang đứng canh chừng các cuộc tuần tra của Taliban. Anh đứng bật dậy, ở khoảnh khắc những tên đó yêu cầu cả nhóm phải bỏ chạy.
Theo NewYork Times, kể từ khi Taliban nắm được quyền kiểm soát, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đẩy hàng triệu người vốn đã phải chật vật kiếm ăn từng bữa tới bờ vực chết đói. Thu nhập không còn, nạn đói lan tràn, và những khoản cứu trợ cần thiết từ quốc tế đã bị cắt bỏ, nhằm trừng phạt chính quyền Taliban.
Tổng thư ký Liên hợp Quốc (LHQ/ UN) António Guterres cho biết hơn 1/2 dân số Afghanistan đang phải đối mặt với nạn đói ở mức khủng khiếp nhất. “Đối với họ (người Afghanistan), cuộc sống thường ngày đã trở thành địa ngục đói khát.”
Hy vọng ngày càng cạn kiệt, hàng trăm ngàn người Afghanistan đã tháo chạy sang các nước lân cận. Từ tháng 10/2021 đến hết tháng 1/2022, hơn 1 triệu người Afghanistan riêng ở vùng Tây Nam đất nước đã tràn đến 2 con đường di cư chính tới Iran. Các tổ chức cứu trợ ước tính, mỗi ngày có khoảng 4000 – 5000 người vượt qua biên giới Iran.
Đa số bỏ đi vì nền kinh tế Afghanistan đã khủng hoảng quá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, viễn cảnh Taliban sẽ nắm quyền lâu dài – với những quy định trừng phạt đầy hà khắc nhắm đến phụ nữ – khiến họ thậm chí còn vội vã hơn nữa.
“Số người bỏ chạy khỏi Afghanistan thông qua các tuyến đường này tăng theo cấp số nhân, bất chấp việc vượt qua nó khó như thế nào trong những tháng mùa đông” – trích lời David Mansfield, nhà nghiên cứu di cư Afghanistan. Theo ước tính của ông, số người rời Afghanistan đến Pakistan và Iran mỗi ngày trong tháng 1 vừa qua đã tăng gấp 4 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.
Trang New York Times cho biết, làn sóng tháo chạy ấy đã khiến nhiều khu vực tại châu Âu nâng cao cảnh giác, sợ rằng sẽ lặp lại cơn khủng hoảng di cư từng xảy ra vào năm 2015 – khi hàng triệu người từ Syria di cư đến châu Âu và gây ra phản ứng cực kỳ dữ dội. Nhiều người lo ngại rằng khi trời ấm lên vào mùa xuân và khiến các tuyến đường dễ di chuyển hơn, sẽ có nhiều người tràn đến biến giới châu Âu.
Để ngăn chặn làn sóng di cư xảy ra, Liên minh châu Âu (EU) mùa thu năm 2021 đã cam kết sẽ viện trợ nhân đạo hơn 1 tỉ USD cho Afghanistan và các quốc gia lân cận chấp nhận cho họ tị nạn. Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ phương Tây vẫn đang vật lộn với những câu hỏi phức tạp, rằng làm thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân đạo với người Afghanistan mà không vô tình hỗ trợ cho chính phủ Taliban.
Những tháng gần đây, chính quyền Taliban đang kêu gọi các phương Tây dỡ bỏ sự kìm hãm về kinh tế, với lời cam kết sẽ đảm bảo giáo dục cho phụ nữ và đáp ứng nhiều điều kiện do cộng đồng quốc tế đưa ra. Trước tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, chính phủ Mỹ đã dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, đồng thời cam kết viện trợ thêm 308 triệu đô vào tháng 1/2022, nâng tổng số tiền viện trợ từ tháng 10 năm ngoái lên 782 triệu đô.
Nhưng số tiền ấy đến quá chậm với một nền kinh tế đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Trừ phi nguồn viện trợ đến đủ nhanh để khôi phục, những người Afghanistan tuyệt vọng sẽ tiếp tục hướng đến chuyện đào tẩu.
Thu mình trong nhóm di cư trên sa mạc, Akhlaqi chuẩn bị tâm thế chạy nước rút. Đó sẽ là một cuộc tranh giành dài cả dặm đường, vượt qua bức tường biên cao hơn 4,5m, cùng một khoảng đất rộng được bao vây bởi lực lượng an ninh Iran. Suốt 1 tháng qua, Akhlaqi đã vượt biên như vậy 19 lần mà không thành công. Lần này cũng bị bắt giữ và buộc phải quay trở lại.
Là một sĩ quan cảnh sát dưới quyền chính phủ cũ, Akhlaqi phải trốn ở nhà người thân vì sợ Taliban. Nguồn tiền dự trữ cạn kiệt, anh đi qua nhiều thành phố để tìm việc. Nhưng kinh tế khó khăn, việc ở đâu ra? Đến đầu tháng 11/2021, anh liên hệ với một nhóm buôn người tại tỉnh Nimruz, quyết tâm đến Iran.
Trên thực tế thì trước cả khi Taliban nắm quyền, dân Afghanistan đứng thứ 2 trong số các nước yêu cầu tị nạn tại châu Âu (chỉ sau Syria). Đa số đào thoát qua Nimruz – tỉnh xa xôi hẻo lánh phía tây nam Afghanistan, nơi nằm giữa biên giới của Iran và Pakistan.
Thủ phủ Zaranj của tỉnh này có rất nhiều khách sạn do các nhóm buôn người vận hành, làm chỗ phục vụ cho mục tiêu chính là đưa người vượt biên. Ở trung tâm thành phố là một hàng người vây quanh những chiếc xe tải bán nước. Những ngày gần đây, doanh số của họ tăng mạnh.
Giữa dòng người ấy có Abdul – 25 tuổi, mới tới trước đó 2 ngày. Abdul từng sở hữu gian hàng tại trung tâm thương mại, nhưng tất cả đã bị phá sập bởi Taliban. Nền kinh tế bi đát của Afghanistan cũng khiến việc kinh doanh của anh giảm hẳn. Nhiều tháng trời phải cầm cự, vay mượn nuôi sống gia đình đã khiến anh kiệt quệ. Sau cùng, anh quyết định đào thoát tới Iran như một lựa chọn duy nhất.
“Tôi chẳng muốn đi, nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác. Nếu nền kinh tế thê thảm như vậy, ở đây chẳng có tương lai.” – Abdul trả lời tờ NewYork Times.
Trước cơn khủng hoảng ngày một trầm trọng, chính quyền Taliban tại địa phương bắt đầu phải thu lợi chính từ ngành công nghiệp buôn người. Ở trung tâm thành phố, một quan chức Taliban đứng ra thu tiền từ một loại thuế mới: mỗi chiếc xe tới Pakistan sẽ phải đóng 1000 Afghanis (tiền tệ Afghanistan, tương đương khoảng 10 đô).
Ban đầu, Taliban cũng đánh thuế cả một tuyến đường khác vốn là nơi những kẻ buôn người sử dụng rất nhiều để tới Iran. Nhưng sau cáo buộc hồi tháng 9/2021 về việc một cô gái bị tay buôn người hãm hiếp, Taliban đã thay đổi quyết định, triệt phá luôn tuyến đường này.
Nhưng các động thái ấy chẳng khiến những kẻ buôn người phải bận tâm.
S., một tay buôn người giấu tên tăng tốc trên sa mạc lúc nửa đêm. Khi gần tới nơi an toàn, y tắt đèn để tránh bị theo dõi.
Với S., việc đưa người đi trong đêm giống như một bản nhạc tinh tế. Đầu tiên, y thỏa thuận với những binh lính cấp thấp canh gác biên giới về số người được đưa qua. Sau đó y liên lạc với đồng bọn đưa người tới nhà an toàn trên sa mạc, rồi gặp mặt với nhóm khác phía bên kia biên giới. Khi mặt trời khuất dạng, y và đồng bọn sẽ lái xe nhiều giờ liền để né tránh các đợt tuần tra của Taliban. Đến khi an toàn, y sẽ đưa những người di cư từ khu trú ẩn đến biên giới.
“Chúng tôi không về nhà, xe giống như nhà rồi, đêm nào cũng lái xe ở biên giới. Sẽ có ngày vợ đuổi tôi ra khỏi nhà mất,” – S. cười lớn.
Tuy nhiên, vượt biên không phải là trở ngại duy nhất. Kể từ sau ngày Taliban nắm quyền kiểm soát, cả Pakistan lẫn Iran đều tăng cường trục xuất, với lời cảnh báo rằng nền kinh tế mong manh của họ không thể đáp ứng dòng người di cư quá ồ ạt. Trong vòng 5 tháng cuối năm 2021, hơn 500.000 người di cư bất hợp pháp đã bị trả về Afghanistan, theo số liệu thống kê từ UN.
Như trường hợp của Negar, 35 tuổi. Cô đã trèo qua bức tường biên giới của Iran cùng 6 con nhỏ, trước khi tìm cách bắt đầu một cuộc sống mới. Nhiều tháng trước đó, cô khổ sở mưu sinh, chỉ đủ tiền mua bánh mì và củi đun để tồn tại. Đến khi hết tiền, cô buộc phải rời đi.
Nhưng ngay khi đến được Iran, một nhóm binh sĩ gác biên đã nổ súng giữa màn đêm. Negar nằm sát xuống đất, miệng hét tên những đứa trẻ và rồi nhận ra một sự thật tàn khốc: 2 cậu con trai bé nhất của cô đã mất tích.
2 ngày sau, những kẻ buôn người tại Iran tìm thấy 2 đứa trẻ và về Zaranj cho cô. Và với dư chấn từ việc suýt mất con, cô cạn kiệt động lực để vượt biên thêm bất kỳ lần nào nữa.
Bảo Trâm (Theo NewYork Times)