ACV vẫn quyết dựng BOT thu phí xe vào 21 sân bay khi bị thanh tra là phi pháp
Số tiền thu phí ôtô ra vào 21 sân bay là 600 – 650 triệu đồng/ngày. Năm 2014 và 2015, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ACV sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.
Hiện có tới 21 trong tổng số 22 sân bay do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào sân bay với các ôtô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 – 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt 7.000 – 30.000 đồng và vé tháng 600.000 – 1.650.000 đồng.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ nêu ACV thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện 21 chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ôtô đưa, đón, trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Trong khi đó, 19/21 cảng hàng không đã thu số tiền dịch vụ sân đường là trên 550 tỷ đồng.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc thu này tuy mang lại lợi ích cho ACV và cho Nhà nước nhưng lại vi phạm các quy định pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách.
Ngay như clip cãi nhau dưới đây giữa 1 lái xe và người đại diện sân bay cũng cho chúng ta thấy việc thu phí ra vào sân bay là vi phạm pháp luật, là tự ý.
Sau khi dư luận phản ứng gay gắt thì mới đây kế hoạch miễn phí xe vào sân bay 10-15 phút đã được Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) xây dựng và dự kiến áp dụng ngay tháng 1-2020.
Thu phí theo phương án block time
Theo ghi nhận của PVtrong thời gian 2 tháng gần đây, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), ôtô ra vào thường xuyên trong tình trạng “vào trơn, ra khó”, ùn ứ tại trạm thu phí của ACV, nhân viên phải ra bán vé thủ công để giải tỏa ùn tắc.
Anh Nguyễn Lâm Tiến (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), một tài xế chạy xe dịch vụ thường xuyên chở khách ra sân bay, cho rằng chính việc thu phí này dẫn đến kẹt xe vì lối vào không có trạm thu phí thì thông thoáng, nhưng lối ra có trạm lại bị tắc.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo của ACV cho biết sẽ vẫn tiến hành thu phí ôtô ra vào sân bay. Lý do, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án thu phí ra vào sân bay, nhưng đến nay vẫn chưa có chỉ đạo dừng hay tiếp tục thu.
Trong phương án thu phí có 2 hình thức đưa ra, gồm: block time, miễn phí 10-15 phút đầu tiên cho xe vào sân bay (cụ thể khoảng thời gian bao nhiêu tùy tình hình khai thác từng cảng).
Phương án 2 là giảm 30-50% phí ra vào các sân bay, giảm luôn vào giá sử dụng dịch vụ cảng trong vé máy bay. Tuy nhiên, phương án 2 Bộ GTVT không đồng ý nên ACV đang triển khai phương án 1.
Cụ thể, vị lãnh đạo ACV cho biết đơn vị này đã có kế hoạch đầu tư trạm thu phí theo block time, lắp thêm barie ở đầu vào các cảng hàng không, kể cả Tân Sơn Nhất, để tính phí. Sẽ không thu tiền với xe ra vào khu vực đón trả khách từ 10-15 phút đầu tiên. Giá thu phí sẽ không đổi nếu ôtô vào quá khoảng thời gian trên.
“Dự kiến tháng 1-2020 sẽ thử nghiệm thu theo phương án block time ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Sân bay còn lại sẽ triển khai vào tháng 3 hoặc tháng 4-2020” – lãnh đạo ACV nói và cho biết hiện các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ đang đấu thầu.Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết thêm, khoảng thời gian miễn phí sẽ không giống nhau mà tùy theo từng cảng. “Chính phủ sẽ quyết định mức phí và thời gian miễn phí cho các phương tiện ra vào từng cảng hàng không”, ông Phiệt nói.
Đầu năm 2018, Cục Hàng không từng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng thu tiền sử dụng đường dẫn vào các sân bay, trong đó có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bởi giá dịch vụ sử dụng sân, đường dẫn vào nhà ga đối với ôtô đón trả khách không có trong danh mục do Bộ Giao thông Vận tải định giá.
Hiện nay một số cảng hàng không đang áp dụng mức giá cho các xe dưới 9 chỗ ra vào đón tiễn khách như dịch vụ đỗ xe sân bay là 15.000 đồng trong 60 phút đầu, cứ 30 phút sau cộng 5.000 đồng.
Lo tăng kẹt xe ở Tân Sơn Nhất
Trao đổi với PV, ông N.L.T. – lãnh đạo một đơn vị có xe đưa đón khách ở sân bay – hoan nghênh việc miễn giảm phí nhưng lo ngại phương án thu phí theo block time ở Tân Sơn Nhất có nguy cơ tăng kẹt xe, cả ngoài lẫn trong sân bay. Bởi sẽ phải tăng một trạm với barie chặn đường ở lối vào để tính thời gian (hiện không có).
“Với lượng khách đi lại ở Tân Sơn Nhất đông, đặc biệt là triển khai vào cận Tết 2020 sẽ càng thêm kẹt xe” – vị này nói.
Trả lời về lo ngại này, lãnh đạo ACV cho biết sẽ thí điểm. Nếu xảy ra kẹt xe, sẽ cho thu lại thủ công rồi tìm giải pháp khác phù hợp hơn.
Không nên phí chồng phí
Về khả năng bỏ hẳn thu phí ôtô ra vào sân bay, lãnh đạo ACV vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thu phí theo phương án block time.
ACV cho biết trong nhiều năm qua đơn vị đã đầu tư 2.500 tỉ đồng đường dẫn vào nhà ga. Số tiền thu phí ôtô ra vào sân bay sẽ dùng để đầu tư đường dẫn, duy tu bảo dưỡng…Tuy nhiên, nhiều hành khách vẫn thấy bất hợp lý trước lý lẽ của ACV.
Chị Thiên Kiều (Q.Gò Vấp) cho biết đi taxi từ đường Quang Trung đến ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài tiền hiển thị gần 60.000 đồng, tài xế yêu cầu trả thêm 10.000 đồng tiền phí mua vé qua trạm thu phí.
“Tôi không hiểu, trong khi giá dịch vụ sân bay đã được tính vào trong vé máy bay của hành khách” – chị Kiều nói.
Chị Kiều không phải hành khách duy nhất bị thu thêm tiền. Thực chất, hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất hầu hết đều bị tài xế taxi, xe công nghệ tính thêm phí qua trạm vào giá cước. Không ít người bức xúc vì cho rằng “phí chồng phí”.
Chị Nguyễn Thị Tuyền (Q.Gò Vấp) cho hay vừa mua vé chặng Đà Nẵng – Hà Nội của hãng V, giá hiển thị chỉ 399.000 đồng. Khi xuất vé, tổng giá tiền phải trả gấp đôi, hơn 800.000 đồng.
Trong đó, có khoản hãng bay thu hộ là phí an ninh 20.000 đồng và phí sử dụng dịch vụ sân bay nội địa lên tới 100.000 đồng. Chị Tuyền cho rằng thật vô lý khi phải đóng thêm tiền vì đã thu “phí sân bay”, nghiễm nhiên dân phải được tiếp cận sân bay.
Theo tìm hiểu, với phí phục vụ hành khách sử dụng dịch vụ cảng, ACV đang thu qua giá vé máy bay (hãng bay thu hộ) với mức phí nội địa dao động từ 60.000 – 100.000 đồng/khách. Đi quốc tế lên tới 20 USD/hành khách.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng có yếu tố “phí chồng phí” ở đây. “Nếu xe sử dụng dịch vụ bổ sung như sân đỗ, thu tiền mới có lý.
Khách mua vé máy bay, chẳng lẽ không cho họ quyền đến sân bay, hay phải đi bộ? Bắt trả thêm tiền xe vào sân bay là không hợp lý” – vị chuyên gia này nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh – chuyên gia giao thông – cho rằng ACV xây dựng đường dẫn nhưng không phải trả tiền sử dụng đất. Ít nhất ACV cần đưa phương án hoàn vốn bao lâu, sau đó phải trả lại hạ tầng cho Nhà nước.
Lợi nhuận cao
Theo báo cáo tài chính quý 3-2019, lũy kế 9 tháng đầu năm, ACV thu về hơn 13.500 tỉ đồng doanh thu với biên lợi nhuận gộp gần 52%. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.200 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm, lượng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng dưới 12 tháng của ACV tăng hơn 7.600 tỉ đồng. ACV là một trong những doanh nghiệp nằm trong nhóm lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán.
Trao đổi với PV, lãnh đạo ACV cho biết số tiền “khủng” gửi ngân hàng để chuẩn bị xây sân bay Long Thành và đầu tư hạ tầng các sân bay khác.
Công Trung – Duy Anh