Ác mộng tại “Lục địa đen”
Dựa trên một đánh giá mới nhất, châu Phi hiện kém an toàn, an ninh và dân chủ hơn so với một thập kỷ trước, với tình trạng mất an ninh cản trở tiến bộ về y tế, giáo dục và các cơ hội kinh tế, theo The Guardian.
Chỉ số Ibrahim về quản trị châu Phi cho biết Covid đã góp phần làm chậm tiến độ trong ba năm qua. Chỉ số này được tạo ra để kiểm tra xem các chính phủ đã thực hiện tốt như thế nào đối với các chính sách và dịch vụ, bao gồm an ninh, y tế, giáo dục, quyền và sự tham gia dân chủ.
Mo Ibrahim, một doanh nhân sinh ra ở Sudan, người đã đưa ra chỉ số này vào năm 2007, cho biết các cơ hội kinh tế và phát triển con người đã được cải thiện “khá nhiều” trên khắp châu Phi trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, ông Ibrahim cho biết ông lo ngại cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ dẫn đến nhiều xung đột hơn về tài nguyên, như đã thấy ở các vùng của Nigeria, Darfur và Sahel, đồng thời quan ngại về tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với các chỉ số phát triển trên khắp lục địa.
Theo chỉ số được công bố hôm 25/1, an ninh, pháp quyền và nhân quyền đã xấu đi ở hơn 30 quốc gia. Báo cáo trích dẫn các ví dụ về đàn áp và tấn công những người biểu tình kêu gọi chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát ở Nigeria và sự thay đổi chế độ ở Sudan, cảnh báo rằng các quyền tự do dân chủ đang bị hạn chế. Theo đó, các cuộc biểu tình đã tăng đều đặn về số lượng kể từ năm 2016.
Chỉ số cho thấy cơ sở hạ tầng và kết nối điện thoại và internet tốt hơn đã cải thiện các cơ hội kinh tế trên khắp châu Phi kể từ năm 2012. Dịch vụ y tế cho trẻ em và phụ nữ mang thai, cũng như kiểm soát dịch bệnh, cũng như giáo dục đã được cải thiện. Các nguồn lực tốt hơn và những nỗ lực lớn hơn trong việc thu hút nhiều trẻ em đăng ký và hoàn thành việc học, mặc dù tiến độ bị chậm lại do các đợt đóng cửa của Covid.
Mauritius, Seychelles và Tunisia được cho là có chính phủ hiệu quả nhất, trong khi Nam Sudan, Guinea-Bissau và Somalia có chính phủ kém nhất.
Chỉ số cho thấy Nam Sudan bị thiếu cơ hội kinh tế, trong khi gần 3/4 dân số phải đối mặt với nạn đói. Trong khi đó, Libya, quốc gia đã chứng kiến tình trạng quản lý sa sút nghiêm trọng nhất trong thập kỷ qua do nhiều năm nội chiến, có một số dịch vụ y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội tồi tệ nhất trên lục địa.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, số người phải rời bỏ nhà cửa ở châu Phi đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua lên mức kỷ lục 36 triệu người vào năm 2022, chiếm gần một nửa số người phải di dời trên thế giới. Phần lớn trong số này là đi dời nội địa do cuộc xung đột tại nước họ. Ngoài ra, xung đột còn là nguyên nhân khiến “Lục địa Đen” rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch COVID-19 khiến châu Phi phải đối mặt với những “cơn gió ngược” kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Sau nhiều năm vay mượn, các quốc gia ở châu Phi đang chật vật để trả nợ. 19 trong số 35 nước có thu nhập thấp tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính phủ các nước này không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình và do vậy cần phải cơ cấu lại nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ. Trong khi đó, các chính phủ châu Phi chưa nỗ lực hết sức để ngăn chặn khủng hoảng lương thực tái diễn.
Murithi Mutiga, giám đốc chương trình châu Phi tại Crisis Group, cho biết: “Lục địa này đang hứng chịu cú sốc gấp ba lần gần như chưa từng có. Covid-19 và hậu quả của nó, một cuộc khủng hoảng khí hậu mang tính thế hệ và giờ là cuộc chiến ở Ukraine, đã gây ra thiệt hại kinh tế ở một lục địa vốn đã dễ bị tổn thương và chỉ mới phục hồi sau đại dịch. Điều quan trọng là phải đảm bảo có những nỗ lực mạnh mẽ để hạn chế suy thoái kinh tế”.
Tuệ Ngô (Theo Guardian)