Ác mộng ngày hè tại Hy Lạp
Giới chức Hy Lạp đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực miền nam của đảo Rhodes trong bối cảnh lực lượng cứu hỏa vẫn đang nỗ lực dập lửa ở cả ba khu vực ở miền nam, miền bắc và khu trung tâm của đảo này trong ngày thứ 6 liên tiếp. Cơ quan chức năng đã huy động máy bay và trực thăng cứu hỏa để hỗ trợ ngăn chặn cháy rừng.
Hàng ngàn người nằm chật cứng trong một nhà thi đấu thể thao cũng như la liệt khắp sân bay sau khi sơ tán khỏi thảm họa cháy rừng tại đảo Rhodes, Hy Lạp.
Suốt 5 ngày qua, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hy Lạp đã liên tiếp phải hứng chịu thảm họa cháy rừng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Dù lực lượng chức năng đã điều động 3 máy bay, 5 trực thăng và hơn 200 lính cứu hỏa, 40 xe chữa cháy tới xử lý tình hình nhưng công tác dập lửa vẫn gặp nhiều khó khăn.
Do điều kiện thời tiết có gió to và nhiệt độ cao, những ngọn lửa được cho là đã lan sang ít nhất ba khách sạn ở ngôi làng ven biển Kiotari và khiến cho nhiều khách du lịch hoảng sợ cũng như bị thương nhẹ.
Trong suốt 5 ngày vừa qua, đám cháy lớn này vẫn đang ngày một lan rộng và ảnh hưởng đến hơn 30.000 người dân địa phương cũng như khách du lịch, buộc họ phải đồng loạt sơ tán khỏi hiện trường để đảm bảo an toàn.
Chia sẻ về tình hình trên đảo, một du khách cho biết: “Khách sạn bị thiêu rụi. Điện thoại không hoạt động, không có tin tức. Tôi hy vọng mọi người đã ra ngoài an toàn”.
Becky Mulligan, một khách du lịch đến đảo Rhodes với gia đình cho biết cô đã được sơ tán khỏi khách sạn. Tuy nhiên, cô hiện vẫn đang mắc kẹt trên bãi biển với hàng trăm khách du lịch khác dưới cái nóng thiêu đốt.
Từ hồi 22/7, quan chức khí tượng Hy Lạp cảnh báo đợt sóng nhiệt tại nước này có nguy cơ kéo dài thêm nhiều ngày nữa, dù tính đến nay hiện tượng thời tiết cực đoan đã bước sang ngày thứ 11.
“Dữ liệu cho thấy sóng nhiệt sẽ kéo dài khoảng 16-17 ngày tại Hy Lạp. Đây là hiện tượng chưa từng có tại đất nước chúng tôi”, Kostas Lagouvardos, giám đốc nghiên cứu của Đài quan sát Khí tượng Quốc gia, trả lời đài ERT. Lần gần nhất Hy Lạp ghi nhận hiện tượng sóng nhiệt kéo dài là vào năm 1987, với mức nhiệt hơn 39°C trong 11 ngày.
Giới chức quốc gia Nam Âu khuyến cáo người dân không nên ra đường vào những khung giờ có nhiệt độ cao. Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, trong đó có di tích Acropolis ở Athens, phải đóng cửa vào những khung giờ nóng trong ngày.
“Cuối tuần này, Hy Lạp có thể ghi nhận nhiệt độ tính riêng trong tháng 7 hàng năm cao nhất 50 năm qua”, nhà khí tượng học Panagiotis Giannopoulos cho biết.
Cơ quan khí tượng quốc gia thông báo nhiệt độ nước biển cao hơn mức bình thường 2-3°C. Trạm quan trắc khí tượng Akrotiri ghi được mức nhiệt 42,6°C vào ngày 21/7 và cảnh báo nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. Akrotiri có thể nóng đến 44°C trong ngày 23/7, còn vùng Thessalia ở miền trung có thể ghi nhận nhiệt độ 45°C.
Hy Lạp đang có 79 vụ cháy rừng xảy ra cùng lúc trên cả nước. Quan chức chính phủ thông báo sẽ duy trì cảnh báo cháy rừng trong suốt cuối tuần. Vụ cháy trên đảo Rhodes đã buộc hàng chục cư dân bỏ lại nhà cửa để sơ tán đến nơi an toàn. Lính cứu hỏa Slovakia được huy động sang hỗ trợ đồng nghiệp trên đảo.
Biến đổi khí hậu, do khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, đang làm tăng cường độ và thời gian của các đợt nắng nóng mùa hè trên khắp Bắc bán cầu. Tình trạng này làm dấy lên mối lo ngại rằng, nhiều khu vực trên hành tinh có thể sớm trở thành nơi không thể sống được. Trong khi sự mở rộng về phía nam của sa mạc Sahara từ lâu gây ra thảm họa sinh thái đối với các quốc gia như Sudan và Chad, thì rìa phía bắc của sa mạc này đang đe dọa “ăn” vào châu Âu.
Hy Lạp nằm trong số các quốc gia ở nam và đông nam châu Âu, bao gồm cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Bulgaria và Romania, dễ bị sa mạc hóa khi nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm, gây ra cháy rừng. Xu hướng đó được dự báo sẽ tiếp diễn khi khí thải nhà kính tiếp tục làm nóng hành tinh.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tác động sẽ nghiêm trọng hơn ở Địa Trung Hải, một khu vực bán khô hạn vốn đã nóng lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu. Hy Lạp đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, với lượng mưa giảm trên cả nước và nước biển dâng cao làm tăng nồng độ muối trong đất đai, một hiện tượng đẩy nhanh quá trình sa mạc hóa.
Hai đám cháy rừng lớn bùng phát vào tuần trước ở phía đông nam và tây bắc Athens. Đám cháy rừng thứ ba tấn công khu vực cách thủ đô 80 km về phía tây. Theo Đài quan sát quốc gia Athens, chỉ riêng đám cháy ở Devenoxoria đã thiêu rụi hơn 9.500 hecta, thiêu rụi cây cối và nhà cửa.
Theo Kimon Hadjibiros, giáo sư danh dự tại Đại học Kỹ thuật quốc gia Athens và là chuyên gia về các vấn đề sinh thái và chính sách môi trường, cháy rừng đã trở thành vấn đề thường xuyên trên toàn khu vực kể từ thập niên 1980. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mối đe dọa của các đám cháy này.
Vào năm 2021, các vụ cháy rừng ở vùng Attica (bao gồm cả Athens), phía nam Hy Lạp diễn ra sau đợt nắng nóng với nhiệt độ lên tới 46 độ C. Năm 2018, một đám cháy rừng gần thủ đô đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Kế hoạch hành động chống sa mạc hóa của Bộ Nông nghiệp Hy Lạp ghi nhận, 1/3 lãnh thổ của Hy Lạp có nguy cơ sa mạc hóa cao. Trong khi thâm canh nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính, nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thấp hơn đang đẩy nhanh quá trình xói mòn đất.
Trong ngắn hạn, giáo sư Hadjibiros cho rằng, Hy Lạp nên xem xét việc thay thế những cây thông gần các khu dân cư hiện tại bằng những loại cây khác, ít bắt lửa hơn. Ngoài ra, ông nói cần phải kìm hãm biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng năng lượng gió và mặt trời thay thế nhiên liệu hóa thạch.
“Điều đáng lo ngại là tần suất và cường độ của các đám cháy rừng liên quan đến các hiện tượng khí tượng như sóng nhiệt. Điều đó có nghĩa là năm này qua năm khác, chúng ta sẽ chứng kiến những sóng nhiệt ngày càng tồi tệ hơn cho đến khi những khu vực như Attica bị sa mạc hóa”, Hadjibiros nói.
Nhiều nơi trên khắp Bắc Bán cầu đang hứng chịu cái nóng khắc nghiệt trong những ngày qua. Giới chuyên gia cho rằng các hình thái thời tiết cực đoan ngày một nghiêm trọng và thường xuyên vì biến đổi khí hậu, thúc đẩy bởi khí thải nhà kính từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Gavin Schmidt, chuyên gia khí hậu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), cảnh báo tháng 7 năm nay sẽ là tháng nóng nhất lịch sử thế giới, không chỉ xét từ thời điểm các nước bắt đầu thống kê số liệu, “mà là trong hàng trăm, hàng nghìn năm qua”.
Ông lập luận hiện tượng El Nino, xuất hiện khi nhiệt độ nước biển tăng ở vùng trung và đông Thái Bình Dương, không phải là nguyên nhân duy nhất cho thời tiết nóng các nước trong năm nay. Hiện tượng El Nino chỉ mới bắt đầu và trên lý thuyết phải sau vài tháng sau mới tạo hiệu ứng mạnh.
Schmidt cảnh báo các hình thái nắng nóng cực đoan sẽ tái diễn nhiều hơn và kéo dài lâu hơn trong tương lai, do con người “tiếp tục thải khí nhà kính vào khí quyển”.
Bảo Trâm (Theo Bloomberg)